Xúc tiến đầu tư phát triển vùng dân tộc và miền núi: Hỗ trợ bà con thoát nghèo
Ưu tiên các chính sách hỗ trợ bà con tự vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…là những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế xã hội và miền núi vừa diễn ra tại Hà Nội.
Người dân được vay vốn để chăn nuôi
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, trong những năm qua, được sự giúp đỡ, hợp tác đầy thiện chí, trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các Tổ chức phi chính phủ… Việt Nam đã có thêm nguồn lực quan trọng hỗ trợ, đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi. Sự ủng hộ, giúp đỡ đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội miền núi và vùng DTTS. Song, do vùng dân tộc và miền núi Việt Nam có điểm xuất phát thấp, địa hình chia cắt, địa bàn đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ lớn nên các nguồn lực đã được đầu tư cho vùng trọng điểm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhu cầu tiếp tục đầu tư và phát triển vẫn còn rất lớn để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng dân tộc và miền núi so với các vùng khác của đất nước. Vì thế, nguồn lực bổ sung trong nước và các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, các đối tác phát triển cho vùng dân tộc và miền núi là rất cần thiết.
Tại Hội nghị, các đại biểu trong nước, quốc tế đã thảo luận, lấy ý kiến các nhà tài trợ, các tổ chức phi Chính phủ ngoài nước, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước về phương hướng và biện pháp đẩy mạnh hợp tác giữa UBDT, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị, các bộ, ban, ngành T.Ư và các địa phương với các nước… nhằm thu hút cao nhất các nguồn lực đầu tư, viện trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020. Các đối tác phát triển chính thức, 182 tổ chức phi Chính phủ ngoài nước, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cam kết thời gian tới sẽ đầu tư, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho vùng dân tộc và miền núi. Cụ thể sẽ triển khai 261 chương trình, dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại 24 tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất cả nước với tổng ngân sách hơn 204,4 triệu USD…
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra sự hạn chế về việc gắn kết, chia sẻ thông tin về khả năng đầu tư và viện trợ giữa các bộ, ngành với địa phương chưa nhịp nhàng. Một số địa phương chưa chủ động đẩy mạnh xúc tiến, vận động các nguồn tài trợ quốc tế, vẫn còn tình trạng chồng chéo về nội dung hỗ trợ và địa bàn thực hiện. Những chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cung cấp kiến thức, thông tin tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra sản phẩm của của đồng bào còn hạn chế. Do vậy, cần thiết phải tăng cường phối hợp liên ngành từ trung ương đến cơ sở; huy động mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiếu số sau năm 2015.
Một việc quan trọng cần làm ngay là rà soát các chính sách giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi hiện hành, từ đó hạn chế những chính sách cho không, khắc phục tình trạng chồng chéo chính sách trên các địa bàn huyện nghèo. Ưu tiên các chính sách hỗ trợ bà con tự vươn lên thoát nghèo như: giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ chăn nuôi, cho vay sản xuất… Đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội , phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.