Giáo đường mùa Giáng sinh
Trong mùa Giáng sinh năm nay, nếu bạn đi du lịch đừng quên ghé thăm những ngôi giáo đường tại mỗi điểm đến. Bởi trên dọc dài đất nước ta, có rất nhiều nhà thờ đẹp đến ngỡ ngàng với kiến trúc độc đáo, cổ kính.
Phía trước Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà thờ lớn Hà Nội
Bữa đó, tôi theo chân PGS.TS Tôn Thất Đại rong ruổi qua những tòa giáo đường. Ông được biết tới là một kiến trúc sư (KTS), từng làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư.
Điểm đầu tiên chúng tôi chọn lựa để dừng lại đó là Nhà thờ lớn Hà Nội nằm ở 40 Nhà Chung (Hoàn Kiếm). Giữa tháng 12, bên ngoài giáo đường đang được trang hoàng phục vụ cho lễ Giáng sinh. Xung quanh nhà thờ, rất nhiều bạn trẻ đã ngồi kín các quán cà phê, trà chanh phía trước để ngắm tòa giáo đường mùa Noel. Vào đêm Noel, Nhà thờ lớn Hà Nội luôn là điểu dừng chân mà bà con giáo dân và du khách thích thú.
Theo KTS Tôn Đại, nhà thờ này ban đầu có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph) do vào năm 1678, Giáo hoàng Innôcentê XI tôn phong Thánh Giuse (cha nuôi của Chúa Giêsu) làm thánh quan thầy của nước Việt Nam và các nước lân cận. Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là “Nhà thờ chính tòa kính Thánh Giuse”. Lễ khánh thành được tổ chức đúng vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887).
Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Phía sảnh trong nhà thờ, có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và toàn bộ các cửa sổ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothique, kết hợp với các cửa cuốn nhọn là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ rất tinh vi độc đáo…
Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm 4 quả chuông nhỏ và 1 quả chuông boòng lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên 2 tháp.
Nhà thờ đá Phát Diệm
Rời Hà Nội, KTS Tôn Đại tiếp tục dẫn chúng tôi đến nhà thờ đá Phát Diệm ở Kim Sơn – Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120 km về hướng Nam.
Lễ Giáng sinh ở Nhà thờ đá Phát Diệm là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất của giáo dân giáo phận Phát Diệm cũng như những người dân Kim Sơn. Khoảng nửa tháng trước ngày lễ hội, giáo dân Phát Diệm bắt đầu chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại nhất trong năm của những người theo đạo. Họ dành thời gian vào việc trang hoàng lại nhà thờ cho ngày lễ sắp tới. Đêm Giáng Sinh diễn ra dưới tiết trời lạnh giá, Tòa Giám mục Phát Diệm lung linh với ánh đèn màu rực rỡ. Hệ thống hang đá, cây thông, đèn ông sao phát quang tạo nên một không gian độc đáo và tráng lệ khác thường.
Có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Phát Diệm, đây là một quần thể nhà thờ Công giáo, gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ. Nhà thờ Phát Diệm được khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ được xây dựng mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Tiếp đó là tượng thánh giá ngự trên đài sen, hệt như Phật hiện ngự trên đài sen. Có thể coi Nhà thờ Phát Diệm là lối kiến trúc độc đáo nhất thế giới.
Tất cả các công trình của Nhà thờ đá Phát Diệm được bố trí trên một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, quan niệm của người Á đông “Tiền có thủy, hậu có sơn”, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Cũng giống như ở Hà Nội, Giáng sinh ở Sài Gòn nhiều người thích đến với không gian quanh Nhà thờ Đức Bà. Vào giữa tháng 12, không gian quanh khu vực và tòa giáo đường này đã được trang hoàng để đón Giáng sinh.
Có tên chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nhưng người dân cũng như du khách quen với cách gọi tắt: Nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ này có sức chưa tới 2.200 người, bên trong có tới 20 chiếc bàn thờ lớn, nhỏ.
Nằm ở trung tâm quận 1, Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc, một trong những công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại TP.HCM. Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của Nhà thờ Đức Bà xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu. Một điều rất đặc biệt là nhà thờ không có rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định lúc ấy và bây giờ.
Theo KTS Tôn Đại, nhà thờ Đức Bà có rất nhiều điểm thú vị và tinh tế trong kiến trúc về tường, cửa kính, tượng Đức Mẹ... Mọi đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo thức Roman và Gôtich, tôn nghiêm và trang nhã. Đặc biệt, bộ chuông của Nhà thờ Đức Bà gồm 6 quả chuông, trong đó có quả chuông mang tên “sol” là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới: nặng 8.785 kg, đường kính miệng chuông 2,25 m, cao 3,5 m. Chuông này chỉ ngân lên mỗi năm một lần vào đêm Giao thừa Âm lịch. Các chuông đều được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật công tắc điện.
Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang
Người dân địa phương quen gọi đây là “Nhà thờ Núi” vì công trình này nằm trên một ngọn đồi nhỏ. Lại có người còn gọi là “Nhà thờ Đá”, “Nhà thờ Ngã Sáu” vì cạnh Ngã Sáu, trung tâm TP. Nha Trang.
Đối với bà con giáo dân ở TP. Nha Trang, nhà thờ này có một vị trí vô cùng quan trọng, họ đến đây để cầu nguyện chúa ban hồng ân. Bên cạnh đó, nhiều cặp uyên ương cũng chọn nơi đây để chụp ảnh cưới, tổ chức đám cưới, chứng nhận cho sự thăng hoa, kết trái của tình yêu.
Ngày 3-9-1928, nhà thờ được khởi công xây dựng, khoảng 500 trái mìn đã được sử dụng để tạo mặt bằng trên đỉnh núi Bông. Toàn bộ công trình do linh mục Louis Vallet (1869-1945) thực hiện và đến năm 1933 thì khánh thành; cũng trong năm ấy, vua Bảo Đại đã viếng thăm công trình này. Nhà thờ Núi nằm trên độ cao 12m, có chiều dài 36m, rộng 20m. Năm 1941, con đường chính lên nhà thờ được lát tổng cộng 22.226 viên đá.
Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn theo lối kiến trúc nhà thờ Công giáo phương Tây. Lối kiến trúc này giống với nhà thờ ở Sa Pa (Lào Cai) và một số địa điểm khác tại Việt Nam. Một gác chuông cao ở chính giữa có treo 3 quả chuông là điểm dễ nhận biết của các nhà thờ Công giáo phương Tây. Nhà thờ mở cửa đón khách tất cả các ngày trong tuần từ 8h sáng và vẫn duy trì các buổi giảng đạo vào buổi sáng và buổi chiều.
Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt
Đi với KTS Tôn Đại, điều thú vị không chỉ được nghe ông kể về lai lịch những ngôi nhà thờ nổi tiếng, còn là dịp ngắm những bức ký họa ông vẽ trực tiếp về các nhà thờ. Đứng trước tòa giáo đường, ông thường chọn cho mình một góc, rồi ký họa rất nhanh. Những nét vẽ phác ra, nhưng để lại nhiều ấn tượng mạnh.
Khi đến nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, KTS Tôn Đại lại say sưa ký họa những góc của nhà thờ. Với ông, đây là tòa giáo đường trên cao nguyên có nhiều nét độc đáo. Đây là nhà thờ lớn nhất ở thành phố Đà Lạt, là nhà thờ Chính tòa, hay ngoài ra còn cái tên dân gian là nhà thờ con gà vì trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà lớn. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Với độ cao đó, tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ.
Vào dịp Giáng sinh hằng năm, đây là nơi tập trung rất nhiều người cả trong và ngoài nước đến dự lễ, tham quan. Ngoài ra, ở Đà Lạt (Lâm Đồng) còn rất nhiều nhà thờ nhỏ hơn trong đó Domaine de Marie (Lãnh địa Đức Bà) và nhà thờ Cam Ly mang những nét đặc trưng riêng.
Mùa Noel, có dịp đến Sa Pa (Lào Cai) bạn không nên bỏ lỡ cơ hội dự lễ Giáng sinh ở nhà thờ cổ trong lòng phố núi này. Không có vẻ tập nập, chen chúc như ở Hà Nội, TP.HCM, Ninh Bình; nhà thờ Sa Pa (xây dựng từ năm 1895, rộng hơn 500m2), đêm Noel đông vui và mang đậm màu sắc của vùng cao, với cái lạnh thấu xương và văng vẳng tiếng khèn của đồng bào người Mông…
Bên trong nhà thờ, các nghi lễ được tổ chức trang trọng. Còn phía ngoài, bên những bếp than hồng, những bắp ngô, củ khoai được nướng thơm phức. Những người phụ nữ Mông, Dao đỏ… vẫn lặng lẽ đeo gùi bán mấy món đồ làm bằng tay, đi trong đêm sương ướt áo… Đón Giáng sinh ở Sa Pa thực sự là trải nghiệm đáng nhớ, nếu có dịp, bạn đừng bỏ lỡ.