Cần có sự đồng thuận trong quản lý, thực hành tín ngưỡng
Đó là nhìn nhận của GS.TS Nguyễn Chí Bền (Viện Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) tại cuộc họp báo nhân Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại" (trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu), do Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức vào ngày mai, 6/1.
Nhập đồng.
Tại Cuộc họp báo, PGS.TS Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết trong một ngày, các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ tập trung thảo luận 4 chủ đề, gồm: Một số vấn đề lý thuyết, phương pháp nghiên cứu nghi lễ, tín ngưỡng; các hình thức thực hành tín ngưỡng thờ mẫu và các hình thức tương đồng khác; những vấn đề về chính sách, pháp luật đối với tín ngưỡng; cuối cùng là chủ đề bảo vệ, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại…
Đại diện các đơn vị tổ chức cũng cho biết, một trong những mục đích của Hội thảo là nhằm giới thiệu, tuyên truyền quảng bá, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về giá trị của tín ngưỡng thờ mẫu, phục vụ việc đề nghị UNESCO sớm công nhận tín ngưỡng này của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Từ thực tế bất cập, lộn xộn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản-Nam Định)-một trong những địa chỉ tín ngưỡng thờ Mẫu lớn ở miền Bắc-lâu nay, nhất là sự lúng túng của chính quyền trong việc tìm ra một mô hình quản lý phù hợp; xung đột kéo dài giữa cộng đồng thực hành tín ngưỡng và chính quyền địa phương; giữa những người cùng thực hành tín ngưỡng chưa được giải quyết, PV Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi Hội thảo có tập trung thảo luận, phân tích, đề xuất giải pháp cho vấn đề này không?
Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Chí Bền nhìn nhận: Tín ngưỡng là một vấn đề nhạy cảm trong các thành tố của văn hóa dân gian.
Trong bối cảnh xã hội đầy biến động hiện nay, vấn đề nhìn nhận, xem xét, tiếp cận tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu như thế nào cần được đặt ra.
Ông Nguyễn Chí Bền cũng thừa nhận những thực tế, tồn tại PV phản ánh và cho rằng đây không chỉ là câu chuyện của riêng ở Phủ Dầy mà là câu chuyện chung ở nhiều địa chỉ tín ngưỡng tâm linh khác.
Tuy nhiên, về những mâu thuẫn, xung đột này, ông Nguyễn Chí Bền cho rằng, nên nhìn nhận đây là điều bình thường.
Bởi thực tế cuộc sống luôn phát sinh những mâu thuẫn, xung đột, tìm được tiếng nói đồng thuận là việc không đơn giản, việc quản lý, thực hành tín ngưỡng cũng không là ngoại lệ.
Theo ông Nguyễn Chí Bền, đời sống tín ngưỡng có 3 nhân tố tham gia ở các góc độ khác nhau, gồm: Cộng đồng thực hành tín ngưỡng; nhà quản lý và các nhà nghiên cứu.
“Thông thường các nhà nghiên cứu thì cứ nghiên cứu, đánh giá còn nhà quản lý tiếp nhận đến đâu lại là câu chuyện khác. Và từ nhà quản lý đến cộng đồng lại là một câu chuyện khác nữa”, ông dẫn giải.
Trên thực tế, không phải lúc nào giữa 3 nhân tố này cũng có sự đồng thuận mà thường có những vướng mắc, xung đột.
Tuy nhiên ông Nguyễn Chí Bền cho rằng đã đến lúc cần phải sớm tìm được tiếng nói đồng thuận giữa cộng đồng thực hành tín ngưỡng và chính quyền; giữa những người thực hành tín ngưỡng.
Bởi nếu không đồng thuận, kéo dài mâu thuẫn, xung đột thì khó có thể giải quyết được vấn đề gì, nhất là trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng.
Một góc Phủ Tiên Hương trong quần thể di tích Phủ Dầy.
Liên quan đến việc này, PGS.TS Từ Thị Loan nhìn nhận ở nước ta pháp luật, chính sách về tôn giáo đã khá đầy đủ và sẽ còn được bổ sung. Tuy nhiên, pháp luật, chính sách về tín ngưỡng-lĩnh vực được cho là nhạy cảm-thì chưa được như vậy.
“Hiện nay, giải quyết thế nào về mối quan hệ giữa cộng đồng và các cơ quan quản lý là một vấn đề cần đặt ra. Đây cũng là một trong những nội dung được hội thảo đề cập, thảo luận, tập trung trong chủ đề “Những vấn đề về chính sách, pháp luật đối với tín ngưỡng”.
Tại buổi họp báo, vấn đề quản lý việc thực hành tín ngưỡng được báo giới đặc biệt quan tâm, nêu nhiều thực tế tồn tại của công tác này ngay tại địa phương.
Tuy nhiên, có mặt, đồng chủ trì cuộc họp báo nhưng ông Khúc Mạnh Kiên-Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định đã từ chối trả lời, giải đáp vấn đề này, với lý do: “Chúng tôi chỉ tập trung cho công tác tổ chức và các vấn đề liên quan đến hội thảo”.
Liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ cũng như khả năng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay không? Với tư cách là Trưởng ban xây dựng hồ sơ, GS.TS Nguyễn Chí Bền cho biết: hồ sơ đã được Việt Nam đệ trình UNESCO từ tháng 3/2014. Tuy nhiên, do Việt Nam không nằm trong danh mục các quốc gia được ưu tiên nên việc xem xét sẽ phải lùi tới tháng 11/2016. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Chí Bền tự tin nhìn nhận: Với những giá trị nội tại và với những gì hồ sơ đã chuẩn bị, đối chiếu với các tiêu chí của UNESCO thì tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt hoàn toàn có thể đáp ứng được và xứng đáng được vinh danh.
Theo ông Nguyễn Chí Bền, thời điểm này cần phải tập trung tuyên truyền, quảng bá để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về giá trị của tín ngưỡng này.
“Hát văn được rất nhiều người Việt mê. Nhiều ca khúc được sáng tác dựa trên âm hưởng của hát văn, rất hay. Nhưng mà cái hay này mới chỉ được người Việt mình biết đến còn người nước ngoài, cộng đồng quốc tế thì chưa hiểu hết. Chính vì vậy việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rất quan trọng, cần thiết”, ông nhìn nhận.
“Nếu được UNESCO công nhận, tôn vinh thì sẽ có một Chương trình hành động quốc gia để bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu”, ông thông tin thêm.
Một số hình ảnh tại Quần thể di tích Phủ Dầy (Nam Định):