Cân đối để trạm BOT thu phí hợp lý

H.Hương 06/01/2016 08:05

Những ngày đầu năm 2016, nhiều trạm BOT đã đồng loạt tăng phí. Trong khi Bộ Giao thông vận tải có đề nghị gửi Bộ Tài chính lùi hạn thu phí thì Bộ Tài chính cho rằng, phải đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư.

Cân đối để trạm BOT thu phí hợp lý

Nhiều trạm thu phí đồng loạt tăng giá gây bức xúc trong dân.

Theo thống kê 23 trạm BOT tăng phí từ đầu năm 2016. Riêng trạm BOT Bến Thủy tăng lên tới 45.000 đồng /một lượt xe. Người dân cho rằng mức tăng như vậy là quá nhanh, quá cao.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ đề xuất chưa tăng phí theo lộ trình vì thấy tốc độ lạm phát ổn định, giá xăng giảm, chi phí vận tải giảm xuống. Nếu như tăng giá vé tại các trạm vào thời điểm này, khi vừa có một tí kết quả về kinh tế, lại tăng lên sẽ tạo sức ép ảo cho người dân.

Theo công văn của Bộ Giao thông vận tải gửi Bộ tài chính và các nhà đầu tư đề nghị các doanh nghiệp dự án BOT đã có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016 tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1/6/2016.

Tuy nhiên, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, đây chỉ là đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, nhưng câu trả lời từ phía Bộ Tài chính cũng có cái lý riêng.

Tại công văn trả lời đề xuất Bộ Giao thông Vận tải , Bộ Tài chính cho rằng, trong số 23 trạm BOT có lộ trình tăng từ 1/1/2016 thì 10 trạm có mức thu tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe (xe nhóm 1), 5 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/lượt/xe, 5 trạm tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe.

Ngoài ra, một số trạm khác theo kế hoạch trước đó sẽ có mức tăng khoảng 2.000-20.000 đồng/lượt/xe.

Tính toán của ngành tài chính chỉ ra, Bộ Giao thông Vận tải không đề cập tới 10 trạm thu phí hoàn vốn các dự án sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Các dự án này đã được ban hành thông tư hướng dẫn với mức thu phí là 35.000 đồng/lượt/xe và có hiệu lực ngày từ 1/1/2016.

Khi điều chỉnh thời gian thu phí của các dự án BOT sẽ không đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư. “Như vậy, không đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong việc điều chỉnh thời gian thu phí của các dự án BOT,” đánh giá của Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo đại diện ngành tài chính, phí sử dụng đường bộ có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm của người dân và dự luận. Bởi vậy, để đảm bảo chính sách đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế và đồng thuận của người dân, lãnh đạo ngành Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính phù hợp với chính sách, tránh việc chưa thực hiện đã đề xuất lùi thời hạn thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, phương án thu phí đã làm việc với các nhà đầu tư từ trước, bây giờ không thực hiện sẽ phá vỡ phương án tài chính. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng. Bởi ngân hàng thu nợ theo chu trình khép kín, lãi suất tăng lên thì bản thân nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng.

Bây giờ căn cứ vào từng dự án cụ thể, để nhà đầu tư đàm phán với ngân hàng , từ đó có lộ trình tăng giảm phù hợp. Ông Trường dẫn ví dụ, vừa rồi trạm Bến Thủy tăng giá vé nhưng trạm ở Quảng Bình chưa tăng vì bản thân nhà đầu tư cảm thấy chịu được. “Việc tăng là cần thiết, còn tăng như thế nào nhà đầu tư phải làm việc với từng dự án một để có giải pháp cho phù hợp” – ông Trường nói.

H.Hương