U23 Việt Nam 'mang chuông đi đánh xứ người'
Năm 2016 bóng đá Việt Nam hướng tới giấc mơ vươn tầm châu lục của thầy trò HLV Miura. Ít ai tin Công Phượng và các đồng đội làm nên điều bất ngờ khi tập thể này bị đánh giá yếu nhất bảng đấu, nhưng có lẽ vì thế mà U23 Việt Nam lại có tâm lý cực thoải mái để sẵn sàng tạo nên những cơn địa chấn?
HLV Miura.
Niềm tin của HLV Miura
Tại vòng chung kết U23 châu Á 2016, không ai tin U23 Việt Nam có thể tạo nên bất ngờ khi nằm cùng bảng với Jordan, Australia và UEA. Giờ đây, niềm tin của người hâm mộ Việt Nam đã cạn kiệt sau những thành tích đáng thất vọng của các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura. Nhưng HLV Miura vẫn tự tin đặt mục tiêu vào tứ kết. Ông thầy người Nhật Bản thậm chí còn liên tục tuyên bố sẽ đưa U23 Việt Nam vượt qua vòng bảng. Đó chẳng phải là lời nói chơi hay động viên các cầu thủ.
25 gương mặt lên đường tới Qatar không phải là những cầu thủ xuất sắc nhất, bởi trong lần tập trung này có rất trụ cột đã phải chia tay đội tuyển vì chấn thương. U23 Việt Nam sẽ gặp áp lực rất lớn khi phải thi đấu với các đối thủ mạnh và điều đáng lo ngại nhất là lối chơi cùng bộ khung vẫn chưa được định hình rõ nét.
Qua 4 trận giao hữu trong nước, HLV Miura chưa cho ai xác định đâu là đội hình chính thức của U23 Việt Nam, tương tự như các trận đánh ở SEA Games, mỗi trận ông lại xoành xoạch thay đổi nhân sự. Việc ông Miura thận trọng giữ kín đội hình buộc các cầu thủ trẻ phải nỗ lực đến giờ phút chót là một yếu tố tạo động lực cạnh tranh lành mạnh tốt cho học trò. Dĩ nhiên, các cầu thủ từng theo ông Miura đá vòng loại U23 châu Á hay ở SEA Games 28 hồi giữa năm ngoái như Công Phượng, Thanh Hiền, Mạnh Hùng… sẽ gần như chắc suất đá chính bởi họ có kinh nghiệm và được thi đấu thường xuyên tại V-League.
HLV Miura sẽ biết cách liệu cơm gắp mắm, bởi rõ ràng tuyên bố đưa U23 Việt Nam vào tứ kết của ông thầy người Nhật Bản là dựa trên những tính toán chuyên môn. Hơn 1 tháng tập luyện và có những trận giao hữu, U23 Việt Nam cho thấy sự tiến bộ rõ nét. Có thể thấy sự khắt khe ở các bài nhồi thể lực và rèn giũa ý thức kỷ luật chiến thuật cho học trò là một thứ vũ khí sắc bén của ông Miura. Cách luyện quân này có thể là nguyên nhân khiến nhiều cầu thủ dính chấn thương và không nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn, người hâm mộ. Thế nhưng, không thể phủ nhận bóng đá đỉnh cao thì yếu tố thể lực phải được đặt lên hàng đầu và bóng đá Việt Nam phải làm quen với sự khắc nghiệt, thay vì chỉ nghĩ tới lối chơi đẹp mắt như U19. Nói như HLV Lê Thụy Hải, cứ đá đẹp, đá hay mà thất bại thì cũng… vứt!
Bóng đá Việt Nam bước vào năm 2016 với giấc mơ vươn tầm châu lục.
U23 Việt Nam sẽ là ẩn số?
Trở ngại thời tiết Khó khăn với U23 Việt Nam lúc này chính là thời tiết rất “đỏng đảnh” tại Qatar. Trời lạnh về sáng và đêm, còn ngày nhiệt độ lại rất cao. Trong khi đó, gió sa mạc tại Qatar thời điểm này rất mạnh, khiến những đường bóng bổng và chuyền dài của các cầu thủ không còn đảm bảo sự chính xác như mong muốn. Tất nhiên, đây là vấn đề chung của các đội bóng chứ không riêng U23 Việt Nam. Trước khi bước vào giải, U23 Việt Nam sẽ có 2 trận giao hữu xem như “tổng duyệt”, gặp U23 Yemen và U23 Nhật Bản. Ở trận giao hữu đầu tiên tối 4-12, U23 Việt Nam đã để thua U23 Yemen với tỷ số 1-2. |
Dù bị giới chuyên môn trong nước đánh giá sẽ là đội bóng lót đường, nhưng thật bất ngờ báo chí nước ngoài lại coi U23 Việt Nam là một ẩn số thú vị tại giải. AFC News viết: “Việc lần đầu tiên U23 Việt Nam có mặt tại một vòng chung kết châu lục đã mang đến nhiều thú vị. Đặc biệt là đội trẻ Việt Nam được dẫn dắt bởi một HLV người Nhật đã mang lại lối thi đấu khác so với truyền thống của bóng đá Việt Nam”.
Tờ Jordan Times viết, nếu như Jordan hay UAE và Australia mà xem thường U23 Việt Nam thì sẽ phải trả giá đắt. Trong khi đó báo Australia - tờ Sydney Morning lại bình luận: “U23 Việt Nam là một tập thể giỏi 3 năm trở lại đây. Trong thành phần U23 này có nhiều cầu thủ từng khoác áo U19 đánh bại U19 Australia 5-1 ở vòng loại châu Á. Các cầu thủ Việt Nam có thể hình khiêm tốn nhưng lối chơi rất lanh lẹ và láu lỉnh”.
Việc báo chí nước ngoài đánh giá U23 Việt Nam là ẩn số là bởi đội bóng của HLV Miura từng vào đến tứ kết ASIAD 2014 khi đánh bại U23 Iraq, vượt qua vòng loại U23 châu Á với thành tích nhì bảng (chỉ đứng sau U23 Nhật Bản).
HLV Miura cho biết, ông cũng đã có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt cho giải đấu, đã nghiên cứu rất kỹ U23 Australia, U23 UAE và U23 Jordan.
Hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ nên vị HLV người Nhật Bản đã có những “kế sách” để đối phó cũng như xây dựng lối chơi cho U23 Việt Nam. Chắc chắn một điều rằng U23 Việt Nam sẽ không còn chơi thứ bóng đá dễ bị bắt bài như ở vòng loại, mà sẽ có sự tinh quái và lắm chiêu hơn.
Tin vui với HLV Miura và người hâm mộ Việt Nam, khi tình hình chấn thương của các cầu thủ đã gần như hoàn toàn bình phục, không còn bất cứ cầu thủ nào phải tập theo chế độ riêng.
Đáng chú ý nhất là trở lại của Hữu Dũng – tiền vệ trẻ vừa phải trải qua quá trình điều trị chấn thương mu bàn chân kéo dài tới 10 ngày. Trường hợp chấn thương của Tuấn Anh cũng có thể khiến HLV Miura yên tâm, khi đã tập luyện bình thường trở lại.
Ở những buổi tập vừa qua tại Qatar, bên cạnh các giải pháp phối hợp tấn công- phòng ngự, nhà cầm quân người Nhật Bản cũng đặc biệt quan tâm xử lý các tình huống cố định với các bài luyện đá phạt hàng rào và phạt góc.
Theo quan điểm của HLV Miura, nếu tận dụng tốt các cơ hội từ những tình huống cố định, một đội bóng hoàn toàn có thể thay đổi cục diện của cả một trận đấu.