Vén màn bí mật về loài ngựa huyền thoại của vùng đất Siberia
Trong suốt nhiều thập kỷ liền, giống ngựa Yakutia ở vùng Siberia vẫn tồn tại một cách kỳ diệu nhờ thân hình to lớn, cùng bộ lông dài và óng mượt… cho phép chúng sống sót được qua mùa đông khắc nghiệt của vùng này. Đi theo sau nó là cả một câu chuyện huyền bí.
Giống ngựa Yakutia gắn liền với một huyền thoại của vùng Siberia. (Nguồn: Reddit).
Truyền thuyết kể rằng khi Chúa Trời bay vòng quanh thế giới để gieo mầm sự sống, người đã đánh rơi tất cả những thứ quý giá của mình khi băng qua vùng Yakutia của Siberia chỉ bởi lý do đơn giản là tay của người bị tê cóng trong cái lạnh giá buốt.
Đó cũng là lý do mà đến nay Yakutia là vùng đất của kim cương. Nước cộng hòa thuộc lãnh thổ Nga cũng vẫn giữ được cái lạnh giá tê cóng cho đến tận ngày nay. Nhiệt độ nơi đây trung bình ở mức -70 độ C, trong khi thủ phủ Yakutsk của nó được đánh giá là thành phố lạnh nhất ở bán cầu Bắc.
Tuy nhiên, sự sống của con người vẫn hiện diện ở nơi này, trong đó có một giống loài đẫy đà, nhiều lông gọi là ngựa giống Yakutia. Người Yakut chắc hẳn sẽ không tồn tại nếu như không có sự hiện diện của loài động vật kỳ diệu này. Người dân địa phương sống dựa chủ yếu vào ngựa Yakutia, dù là để vận chuyển, lấy thịt, hay làm quần áo từ da ngựa… Ngựa Yakutia từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của khu vực này trong suốt hàng trăm năm qua.
Giống ngựa kỳ diệu này, theo giới khoa học, đã thích ứng được với khí hậu hết sức khắc nghiệt của vùng Siberia một cách nhanh chóng. Với chiều cao chỉ khoảng 150 cm, ngựa Yakutia có thân hình bé hơn các giống ngựa khác, nhưng lông của chúng, do chống chịu với thời tiết lạnh giá, dài đến 10 cm. Chúng có phần đuôi cũng rất rậm lông, trong khi bờm trông như một chiếc khăn choàng ấm áp, che phủ toàn bộ phần cổ và vai. Nhìn chung, loài ngựa này có thân hình gần giống như voi ma mút thời cổ đại.
Nhưng phải mất bao lâu để loài ngựa Yakutia có thể thích ứng với môi trường khắc nghiệt này? Liệu có phải người cổ đại đã mang theo chúng đến khu vực trên, hay chính người Yakut đã mang theo chúng khi chạy trốn khỏi đế chế Mông Cổ hồi thế kỷ 13-14?
Giới khoa học, qua việc phân tích gen, đã có câu trả lời. Giáo sư Ludovic Orlando, thuộc ĐH Copenhagen (Đan Mạch), đã thử nghiệm trên bộ gen ngựa Yakutia ngày nay, cùng một bộ gen của giống ngựa này từ thế kỷ 19 và một bộ gen khác của giống ngựa sống trong khu vực Siberia cách đây 5.200 năm trước.
Kết quả cho thấy, trong bộ gen của giống ngựa Yakutia, các nhà khoa học nhận thấy một tín hiệu cho thấy một sự giảm nhẹ trong biến đổi gen để hình thành nên một chủng loài mới. Nghiên cứu cũng cho thấy một cộng đồng nhỏ của loài ngựa này đã đến khu vực Yakutia cách đây khoảng 800 năm, tức trong thế kỷ 13.
Nhóm của giáo sư Orlando đã phân tích trên 9 cá thể ngựa Yakutia và loài ngựa này từ thế kỷ 19 và đi đến kết luận rằng, chúng khá giống với loài ngựa của Mông Cổ và ngựa của vùng Iceland. Nhưng ngựa Yakutia sau đó đã tự biến đổi mình để thích nghi với khí hậu giá lạnh của Siberia từ cách đây 800 năm.
“Đây là một sự tiến hóa đột biến” - ông Orlando nói - “Đây là chứng cứ cho thấy sự thích ứng hết sức nhanh chóng với môi trường sống, mà cụ thể ở đây là môi trường khô, khắc nghiệt và băng giá”.
Tập trung quan sát sự biến đổi trong bộ gen của giống ngựa Yakutian, đội nghiên cứu đã xác định các cơ chế sinh học liên quan tới quá trình thích nghi: Những yếu tố gây biến đổi hormone, hình dáng của loài ngựa này. Họ nhận thấy có nhiều sự biến đổi trong bộ gen khiến cho ngựa Yakutia có hình dạng, độ dài của bờm và lông, kích thước hết sức đặc trưng.
Giống ngựa Iceland và ngựa Fjord cũng có hình dáng mập lùn, lông dài, trong khi giống ngựa sống ở các vùng sa mạc, như ngựa giống Ả rập, cũng thường có lông dài và dày. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy bộ gen liên quan giúp biến chuyển hóa đường trong máu của loài ngựa Yakutia, yếu tố giúp chúng chịu được cái lạnh khắc nghiệt.
Trước đây, hồi tháng 7-2015, một nhóm các nhà khoa học từng so sánh bộ gen của loài ma mút cổ đại với voi đương đại để quyết định xem các yếu tố nào giúp loài này chịu được khí hậu lạnh giá. Sau đó họ cũng tìm thấy sự biến đổi tương tự giống loài ngựa Yakutia, tức lông dài, dày và cơ thể thu nhỏ đi.
Nhưng nhìn chung, loài ma mút phải mất nhiều thế kỷ mới có thể tự biến đổi cơ thể mình sao cho thích ứng được với môi trường lạnh giá, trong khi gống ngựa Yakutia chỉ mất chưa đầy 1 thế kỷ. Đó là một hiện tượng kỳ thú của khoa học; trong khi đối với người dân Yakutia, đó là một loài động vật huyền thoại đã gắn liền với họ trong suốt nhiều thế kỷ qua.