Bình yên những tổ liên gia tự quản
Từ những mô hình đầu tiên được thành lập năm 2005, đến nay sau 10 năm thực hiện mô hình huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động 753 Tổ liên gia tự quản ở 138/138 khu dân cư. Các Tổ liên gia tự quản hoạt động có nề nếp, quy củ và hiệu quả đã góp phần quan trọng vào giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Các tổ liên gia tự quản ở Mai Châu góp phần giữ gìn
bình yên cho bản làng (nguồn Internet).
Mai Châu là một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình gồm có 23 xã, thị trấn với 138 xóm bản, tiểu khu với 7 dân tộc anh em sống đan xen.
Ông Vi Văn Mè- Chủ tịch MTTQ huyện Mai Châu cho biết, những năm 2000, Mai Châu là điểm nóng về tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy, buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy; khai thác lâm sản trái phép; ở một số khu dân cư vẫn nảy sinh mâu thuẫn, xích mích mà chưa được giải quyết thấu đáo… làm cho nhân dân lo lắng, bất bình.
Trước tình hình đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức nhân rộng mô hình Tổ liên gia tự quản ở khu dân cư.
Mô hình này được Ban thường trực UBMTTQ huyện Mai Châu phối hợp với Công an huyện tổ chức làm điểm tại xóm Mỏ, xã Chiềng Châu (năm 2005) và xóm Lầu, xã Mai Hạ (năm 2007).
Tổ liên gia tự quản ở Mai Châu được hoạt động theo phương châm nhân dân tự nguyện, tự giác, tự phòng, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động; nhân dân đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trên tinh thần cộng đồng dân cư- tình làng, nghĩa xóm. Đồng thời dựa vào tình hình thực tế ở khu dân cư và nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn để họp chia tổ liên gia tự quản phù hợp nhất.
Trong mỗi Tổ liên gia tự quản đều có những thành viên uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm làm nòng cốt. Họ thường xuyên đến các hộ gia đình thăm hỏi, động viên, chia sẻ khi trong tổ có người ốm đau hay có việc hiếu, hỷ đồng thời vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Thông qua các hoạt động của Tổ liên gia đã vận động nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, tổ chức động viên, giúp đỡ các hộ gia đình trong lúc khó khăn cuộc sống.
Mỗi Tổ liên gia thành lập các tổ như: Tổ đổi công để giúp nhau trong mùa vụ như cấy, gặt, thu mùa vụ, tổ làm mộc, tổ thợ xây, tổ hậu cần để làm nòng cốt giúp nhau làm nhà ở và phục vụ việc hiếu hỉ trong Tổ liên gia.
Tổ liên gia tự quản đã vận động nhân dân thường xuyên đề cao cảnh giác, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, quan tâm giúp đỡ động viên người nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng; phân công người có uy tín kèm cặp những người lầm lỡ, người nghiện ma túy ở tổ tự quản...
Theo ông Mè, từ những việc làm thiết thực đó mà nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân đã được hòa giải ngay từ cơ sở, nhiều đối tượng lầm lỗi được cảm hóa, giáo dục làm lại cuộc đời ngay tại gia đình và cộng đồng dân cư. Các tổ liên gia tự quản cũng cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp Công an huyện giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, 2 khu dân cư làm điểm là xóm Mỏ, xã Chiềng Châu đã có nhiều khởi sắc. Cả xóm có 198 hộ với 776 nhân khẩu được chia thành 6 Tổ liên gia tự quản, tổ đông nhất tới 40 hộ, tổ ít nhất cũng 28 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm từ 31% năm 2005 xuống còn 0,6%. Từ năm 2010 đến nay, xóm không còn phát sinh người nghiện mới, tỷ lệ gia đình văn hóa luôn đạt trên 80%.
Từ kết quả trên, Ban Thường trực MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình tổ liên gia tự quản ở khu dân cư trong toàn huyện. Theo đó, mỗi xã, thị trấn triển khai thực hiện làm điểm từ 1-2 khu dân cư trở lên. Đồng thời phối hợp với Công an huyện xuống tận cơ sở hướng dẫn, tổ chức thành lập Tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự tại các xóm như: Cha Lang, Dến, xã Mai Hịch; xóm Nọt, xóm Chiềng Hạ…
Mô hình Tổ liên gia tự quản ở khu dân cư đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực và đem lại ý nghĩa rất lớn trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết. “Tổ liên gia tự quản là cầu nối giữa chính quyền, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư với các hộ gia đình. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các phong trào thi đua của Mặt trận và các đoàn thể các cấp phát động đến với các hộ gia đình, với người dân đều thông qua Tổ liên gia tự quản để phổ biến, tuyên truyền, vận động và tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả”, ông Vi Văn Mè khẳng định.