Vỡ bể chứa chất thải chì, kẽm: Ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước sông Gâm
Sự cố vỡ bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty TNHH CKC ở xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng vào chiều 5/1 với hàng trăm nghìn m3 nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm đang khiến nhiều chuyên gia môi trường lo ngại về sự ảnh hưởng của nó tới dòng sông và đời sống của nhiều người dân quanh khu vực.
Vỡ bể chứa thải ở Cao Bằng. Ảnh: TTXVN.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã kịp thời có mặt tại hiện trường, yêu cầu Công ty TNHH CKC nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của sự cố đến môi trường sinh thái và cuộc sống người dân. Công ty CKC đã huy động tất cả lực lượng để khắc phục sự cố. Theo ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, hiện vẫn chưa đánh giá được mức độ thiệt hại.
Về sự ảnh hưởng của sự cố này tới môi trường, trao đổi với PV TTXVN chiều 6/1, ông Nguyễn Đồng Hưng, Chánh Văn phòng Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, việc nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới môi trường. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như thế nào thì cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể.
“Theo nghiên cứu, chì là kết quả phân hủy của chất phóng xạ nên khi tràn ra môi trường, xâm nhập vào nguồn nước mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn. Điều đáng lo ngại là, khi nguồn thải này hòa vào nước sẽ tác động xấu đến các loài sinh vật. Đặc biệt, khi con người ăn vào sẽ rất nguy hiểm,” ông Hưng chia sẻ.
Đề cập đến giải pháp khắc phục sự cố, theo ông Phạm Khang, đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì giải pháp tốt nhất hiện nay là phải có nguồn nước bổ sung để pha loãng nồng độ axít cũng như những chất dễ bay hơi.
Còn theo TS Phùng Chí Sỹ, cán bộ khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội thì người dân cũng không nên quá lo lắng bởi nếu chỉ có sunfua chì thì không đáng ngại bởi chúng không tan trong nước, có thể dùng máy hút sạch được.