Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại

Trần Duy Hưng 07/01/2016 11:04

Trong nỗ lực làm sáng tỏ thêm những giá trị của tín ngưỡng nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng; đề xuất những giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị của tín ngưỡng, ngày 6/1, tại Nam Định, gần 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nhiều nhà quản lý, đại diện cộng đồng thực hành tín ngưỡng đã tham dự Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại” (trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu), do Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức.

Hầu đồng - nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Cần nhìn nhận lại hình thái tín ngưỡng thờ mẫu

Tại hội thảo, giới nghiên cứu và các nhà quản lý, đại diện các cộng đồng thực hành tín ngưỡng đã tập trung thảo luận 4 chủ đề, gồm: Một số vấn đề lý thuyết, phương pháp nghiên cứu nghi lễ, tín ngưỡng; các hình thức thực hành tín ngưỡng thờ mẫu và các hình thức tương đồng khác; những vấn đề về chính sách, pháp luật đối với tín ngưỡng; cuối cùng là chủ đề bảo vệ, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại.

Về việc nghiên cứu tín ngưỡng, GS.TS Nguyễn Chí Bền (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng, tín ngưỡng là một vấn đề nhạy cảm trong các thành tố của văn hóa dân gian. Nghiên cứu về tín ngưỡng nói chung,thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng lâu nay đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Bền, nhìn nhận, xem xét, tiếp cận tín ngưỡng, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu như thế nào trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động hiện nay là vấn đề đang được đặt ra. Nó đòi hỏi giới nghiên cứu cũng như các nhà quản lý phải có cách tiếp cận mới, cập nhật những vấn đề lý thuyết phù hợp với bối cảnh đương đại…

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng: Trong xu thế mở cửa hiện nay, các sinh hoạt hầu đồng đang phát triển mạnh mẽ, lan tỏa ngày càng rộng. Từ đó, cần phải nhìn nhận lại hình thái tín ngưỡng này trên toàn bộ và từng phần hệ giá trị. Ông đề cập đến một số vấn đề cụ thể, gồm: bản chất của sinh hoạt hầu đồng; mối quan hệ thương mại giữa các thành phần tham gia tín ngưỡng; doanh thu tín ngưỡng/giá trị hàng hóa tâm linh mà theo ông là một hiện thực không thể phủ nhận); cùng với đó ông Hiền đề cập đến sự dung nạp các nhân vật được phụng thờ; nhìn nhận đây là một tín ngưỡng hay một tôn giáo?; hiện tượng trộn giới, đồng tính luyến ái trong giới tín đồ. Từ đó, nhà nghiên cứu này nêu lên một vấn đề rất thời sự, thiết thực, đó là giả sử tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt được cộng đồng thế giới ghi nhận, tôn vinh thì sau đó điều gì sẽ diễn ra, đời sống tâm linh trong xã hội sẽ thay đổi như thế nào? Đây chính là điều các nhà quản lý cần phải dự liệu.

Hội thảo đặt vấn đề cần có sự nhìn nhận, cách tiếp cận mới với tín ngưỡng trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi.

Làm gì để bảo vệ, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu?

Đây là một trong 4 chủ đề chính của hội thảo đồng thời cũng là yêu cầu của thực tế. Không chỉ tại hội thảo này, từ lâu giới nghiên cứu trong và ngoài nước đã dày công nghiên cứu tìm hiểu hiểu, qua đó khẳng định cái hay, cái đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tuy nhiên, tại hội thảo, thêm một lần nữa giới nghiên cứu và cả các nhà quản lý đều nhìn nhận vì nhiều lý do việc bảo vệ, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo PGS.TS Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nguyên nhân một phần do pháp luật, chính sách về tôn giáo đã khá đầy đủ nhưng pháp luật, chính sách về tín ngưỡng-lĩnh vực được cho là nhạy cảm-thì chưa được như vậy.

Trong khi đó, mối quan hệ với chính quyền địa phương ở nhiều nơi với cộng đồng thực hành tín ngưỡng cũng thiếu sự đồng thuận. Thời gian qua, khi chính quyền huyện này ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích này (với điểm nhấn là thay bằng “cha truyền con nối” như lâu nay, các vị thủ nhang sẽ các đền phủ trong quần thể di tích sẽ do cộng đồng địa phương lựa chọn bầu ra) nhằm “lập lại trật tự” đã gặp phải sự phản đối của một số người đang trông coi di tích, vì cho rằng mình có thể bị thay thế, công sức, tiền của lâu nay bỏ ra bảo vệ, tôn tạo di tích sẽ bị “mất trắng”.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều học giả nước ngoài.

Trên thực tế, chính quyền địa phương vẫn đang lúng túng trong việc tìm ra một mô hình quản lý phù hợp. Mâu thuẫn, xung đột giữa cộng đồng thực hành tín ngưỡng và chính quyền địa phương; giữa những người cùng thực hành tín ngưỡng do vậy vẫn chưa có hồi kết…

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) bày tỏ lo ngại tình trạng nghi lễ hầu đồng, hát văn được đưa lên sân khấu thậm chí là cả ở vũ trường, quán bar hiện nay đã và đang làm biến dạng các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Từ thực tế trên, tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều kiến giải. Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền: đã đến lúc cần phải sớm tìm được tiếng nói đồng thuận giữa cộng đồng thực hành tín ngưỡng và chính quyền; giữa những người thực hành tín ngưỡng. Bởi nếu không đồng thuận, kéo dài mâu thuẫn, xung đột thì khó giải quyết được vấn đề, nhất là trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng.

GS Ngô Đức Thịnh-người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu, làm sáng tỏ các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu thì cho rằng: Bên cạnh vai trò định hướng, quản lý nhà nước, không ai khác chính cộng đồng sáng tạo ra di sản có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ các giá trị nguyên bản của di sản, nhất là việc lên án, ngăn chặn những hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi. Bởi hơn ai hết, cộng đồng là người hiểu rõ ai là người thực tâm thực hành tín ngưỡng hay chỉ lợi dụng để trục lợi…

Trần Duy Hưng