Đừng để sách lỗi thời

Thư Trung 07/01/2016 11:09

Một giáo viên Địa lý dẫn chi tiết trong cuốn SGK Địa lý lớp 12 của Nhà XB Giáo dục, về nội dung đô thị và dân số đô thị phân theo vùng, SGK đã viết cả nước có 689 đô thị với 38 thành phố, 58 thị xã và 597 thị trấn. Trong khi đó, ngay từ 2013, Bộ Xây dựng công bố VN có 770 đô thị.

Nhìn chung, nội dung sách giáo khoa (SGK) môn Địa lý hiện nay đều thiếu tính cập nhật, do đó trở thành…tài liệu học để thi không phải để thu thập được kiến thức như mong đợi.

Riêng môn Địa lý lớp 12 là địa lý kinh tế thì tính cập nhật phải đặt lên hàng đầu. Vì mục tiêu của môn này là giúp học sinh hiểu biết về thực trạng kinh tế - xã hội đất nước. Mục tiêu đó đã không đạt được trong SGK Địa lý lớp 12 của Nhà XB Giáo dục tái bản lần thứ 7, năm 2015.

Năm 2015 là thời điểm kinh tế nước ta đã có những thành tựu kinh tế đáng kể, thế nhưng số liệu trong cuốn sách này lại là số liệu của 10 năm trước, nó nhỏ nhoi, xa lạ thì quá phản tác dụng đối với học sinh! Năm học 2015 - 2016 này mà trong bài “Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên” vẫn nói mục tiêu “trước mắt” đến năm … 2010 phải trồng được bao nhiêu hecta rừng thì thật buồn cười.

Dân số VN năm 2014 đã đạt 90,5 triệu người vậy mà học sinh vẫn phải học dân số (của năm 2008) là 84 triệu người. Cũng về vấn đề dân số, SGK tái bản cách nay mấy tháng vẫn viết “dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ”, trong khi theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thì VN đã kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số trẻ” vào năm 2005 và hiện đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”! Lỗi thời và sai chuẩn kiến thức!

Một giáo viên Địa lý dẫn chi tiết trong cuốn SGK này, về nội dung đô thị và dân số đô thị phân theo vùng, SGK đã viết cả nước có 689 đô thị với 38 thành phố, 58 thị xã và 597 thị trấn. Trong khi đó, ngay từ 2013, Bộ Xây dựng công bố VN có 770 đô thị.

Bài Giao thông (bài 30) của lớp 12 viết cả nước có 19 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế nhưng thực tế VN đã có 21 sân bay, bao gồm 11 sân bay quốc tế.

Kinh tế thay đổi hàng năm do vậy thực trạng xã hội cũng đổi mới theo đà tiến đó. Một thí dụ nhỏ là nhà máy thủy điện Rào Quán đi vào hoạt động từ 8 năm nay, và đặc biệt thủy điện Sơn La là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á cũng đã được khánh thành, nhưng SGK địa lý tái bản năm 2015 vẫn ghi là “đang xây dựng”(?). Sự lỗi thời ở đây có ý nghĩa như một phủ nhận thành tựu kinh tế. Và không thể chấp nhận được khi SGK dạy cho hàng trăm ngàn học sinh. Với SGK, khi tái bản đồng nghĩa với hiệu đính, bổ sung và cập nhật.

Thiết nghĩ, với mảng SGK, Bộ cần đánh giá lại quan điểm về nội dung cần truyền đạt cho học sinh vì chính những cuốn SGK như cuốn Địa lý lớp 12 đang dẫn ra đây đã gây hậu quả rất bất lợi, nó như một minh chứng cho thấy chúng ta hô hào và hoan nghênh đổi mới giáo dục trong khi lại tồn tại những cái lạc hậu ngay trong khâu quan trọng là SGK.

Thư Trung