Thích làm khó?

Lê Anh Đức 08/01/2016 07:23

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm (PCTP) của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) về việc thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị (tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTP trong tình hình mới), trong 5 năm qua, việc khám phá án hình sự đạt trung bình 75%, các vụ trọng án đạt 95%. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đặt vấn đề: Vì sao các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì tỷ lệ phá án đạt trên 90%, còn các vụ án hình sự khác lại chỉ đạt tỷ lệ trê

Thích làm khó?

Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Với cách đặt vấn đề trên, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm (PCTP), phấn đấu nâng tỷ lệ phá án hình sự năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, xác định PCTP là công tác thường xuyên, lâu dài để đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới. Thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc PCTP, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Người đứng đầu các cấp sẽ phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự tại địa phương...

Nhiều người cho rằng, lâu nay đa số các vụ trọng án đều có sự chỉ đạo kịp thời, cụ thể từ những người có trách nhiệm cao nhất, do vậy các cơ quan tư pháp dồn toàn lực vào giải quyết để phá án. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ phá các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng lên tới hơn 90% trong khi các vụ án khác tỷ lệ phá án chỉ đạt hơn 70%. Có ý kiến còn cho rằng, nếu cứ nhìn vào tỷ lệ trên thì có vẻ như các cơ quan tư pháp thích làm việc khó mà không thích làm việc dễ, bởi phá các vụ trọng án sẽ phức tạp, khó khăn gấp nhiều lần những vụ án thường. Có lẽ không phải vậy, trên đời chẳng có ai thích làm việc khó cả. Chắc cũng không phải các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cứ phải có sự chỉ đạo, thúc giục mới “nhiệt tình” trong công tác PCTP.

Triết giải một cách khách quan thì những vụ trọng án thông thường sẽ gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nên mới có sự chỉ đạo rốt ráo từ lãnh đạo các cơ quan nội chính. Mà đã là những vụ án nổi cộm, gây hoang mang trong xã hội thì đương nhiên các lực lượng chức năng phải dồn toàn lực để phá án. Mặt khác, hàng năm trên toàn quốc xảy ra hàng nghìn, thậm chí hàng vạn vụ án hình sự, nếu các cơ quan tư pháp cứ “dồn toàn lực” thì cũng không trụ nổi mấy bữa. Các cụ chả bảo đá còn đổ mồ hôi cơ mà, nữa là sức người. Nói như câu cửa miệng của nhiều người có nhiệm vụ chống buôn lậu qua biên giới: Lực lượng thì mỏng, đường biên thì dài, làm sao có thể kiểm soát hết được.

Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của nhiều đại biểu dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị, tình trạng tội phạm hình sự còn nhiều diễn biến phức tạp, về cả phương thức, thủ đoạn, tính chất và thành phần đối tượng. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, có nhiều vụ giết người dã man, tàn bạo, gây bức xúc trong dư luận. Chỉ tính riêng trong năm 2015 các lực lượng đã điều tra, khám phá gần 44.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ, xử lý trên 83.000 đối tượng, triệt phá gần 2.500 băng, nhóm tội phạm, truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại hơn 6.700 đối tượng truy nã; phát hiện gần 16.000 vụ phạm tội về kinh tế; triệt phá gần 17.000 vụ, hơn 26.000 đối tượng phạm tội về ma tuý.

Nguy hiểm hơn là không chỉ tội phạm trong các lĩnh vực hình sự đơn thuần, mà tình hình tội phạm có tổ chức cũng diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng phạm tội cấu kết, đan xen giữa các lĩnh vực: Kinh tế, ma tuý, buôn lậu và sử dụng vũ khí nóng, nhiều băng nhóm tội phạm hình sự đội lốt doanh nghiệp để hoạt động. Trước tình hình trên, nhiều đại biểu kiến nghị các cơ quan tư pháp cần chủ động hơn nữa trong công tác nắm tình hình, nhất là hoạt động của các loại tội phạm, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Các đại biểu cũng hy vọng sự chỉ đạo cụ thể, rốt ráo của Thường trực Ban Bí thư không chỉ là mệnh lệnh, là tiếng kèn xung trận, mà còn là sự động viên, nhắc nhở, thổi luồng sinh khí mới giúp các cơ quan tư pháp mang hết sức lực, nhiệt huyết trong cuộc chiến PCTP để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống thanh bình cho người dân.

Dù tỷ lệ phá các vụ án hình sự mới chỉ trên 70%, song Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 vẫn ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tư pháp. Trong 5 năm qua, Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh tổng hợp, được triển khai có hiệu quả ở các cấp, các ngành địa phương, công tác điều tra, trấn áp tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử kịp thời; hàng nghìn băng, nhóm tội phạm đã bị triệt phá; khám phá, làm rõ nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu lớn trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như tài chính, ngân hàng, bất động sản, giao thông, xây dựng cơ bản... được dư luận đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, do vậy các bộ, ngành, địa phương cần kết hợp việc phòng ngừa với việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm kiềm chế các loại tội phạm ở những địa bàn trọng điểm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn hiệu quả trấn áp tội phạm cao, cần nâng cao một bước căn bản năng lực hoạt động của lực lượng chuyên trách PCTP. Trong thời gian tới tội phạm có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng vũ khí “nóng” và các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng, môi trường, ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Các cấp, các ngành, các lực lượng cần nỗ lực tập trung phương tiện, biện pháp, thực hiện tốt đợt cao điểm tấn công trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết.

Lê Anh Đức