Khẩn trương, nghiêm túc giải quyết quyền lợi của 72 hộ dân tại An Dương
Sáng 8/1, tại Hà Nội, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong tranh thực hiện tiếp công dân định kỳ tháng 1/2016. Trong đó có việc xem xét vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của đại diện cho 72 hộ dân trú tại An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội.
Tại buổi tiếp, đại diện các hộ dân là ông Nguyễn Hải Đường kiến nghị với Tổng Thanh tra Chính phủ cho thanh tra, điều tra xem xét vụ việc; đồng thời kiến nghị người nào lấn chiếm đất dự án thì Nhà nước cương quyết thu hồi; hộ dân nào “bị giam đất” nhiều năm nay thì xem xét cho làm sổ đỏ và bồi thường thiệt hại.
“Người dân sống và tuân thủ theo pháp luật, nhưng có người 50 năm nay sống trong sợ hãi. Bởi nhiều người tái định cư tại đây khi khu vực còn hoang hóa, ao tù nước đọng. Giờ lấy đất làm dự án mà người dân chưa được thụ hưởng gì thì người dân bức xúc”- ông Đường bày tỏ.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, đây là dự án với mục tiêu bao trùm là xây dựng hạ tầng xã hội đồng bộ, trong đó có xác định khu đô thị để góp phần xây dựng Hà Nội văn minh.
Trước ý kiến cho rằng các hộ dân có đơn thư nhưng TP chưa quan tâm giải quyết, ông Khanh dẫn nhiều văn bản và khẳng định, từ 2009, UBND TP có công văn chỉ đạo Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, UBND quận Tây Hồ và chủ đầu tư báo cáo đề xuất tất cả khó khăn vướng mắc để TP giải quyết.
Chẳng hạn, “Quận Tây Hồ, chủ đầu tư thời điểm đó đặt vấn đề không nên giải tỏa toàn bộ mà nên tạo điều kiện cho người dân tái định cư tại chỗ. TP đồng ý vì mục đích chung là xây dựng khu đô thị văn minh hiện đại nên thay vì xây bán thì dành quỹ đất làm nhà bán cho hộ dân ngay trên thửa đất đó. Nhưng nhiều hộ không đồng ý chứ không phải TP không giải quyết”.
Ông Khanh cũng cho biết, sau khi có ý kiến của Thanh tra Chính phủ, TP đã làm việc với chủ đầu tư và có hướng giao chủ đầu tư hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch ở khu vực đã nhận đất sạch. Phần đất còn lại của 72 hộ dân sẽ được tách ra, tiến hành chỉnh trang để đáp ứng quy hoạch chung của Thủ đô.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, việc triển khai Dự án là phục vụ cho sự phát triển của xã hội, làm cho Thủ đô văn minh. Trình tự, thủ tục, thu hồi, phương án đền bù được thực hiện theo đúng quy định và có sự đồng thuận mà biểu hiện là có 54 hộ đồng thuận, trên 56% diện tích đã được giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Dự án không được giải quyết rốt ráo, kéo dài 16 năm do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, ảnh hưởng tới tài sản đất đai của xã hội và lợi ích người dân. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm để triển khai dự án khác đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và của chủ đầu tư.
Kết luận hướng giải quyết vụ việc, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, đối với diện tích đã giải phóng mặt bằng giao Công ty IDC thì tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật. Trên 6.000m2 đất còn lại ảnh hưởng đến 72 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng, Thanh tra Chính phủ thống nhất với TP Hà Nội và quận Tây Hồ báo cáo Thủ tướng xin điều chỉnh quy hoạch, đưa diện tích này ra khỏi dự án. Trên cơ sở đó căn cứ quy hoạch tiến hành rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện và phải có hướng dẫn cho những hộ chưa đủ điều kiện.
Ông Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết, “việc giải quyết quyền lợi cho bà con cần khẩn trương nghiêm túc. Chính sách cụ thể với từng trường hợp giao TP Hà Nội xem xét hướng dẫn vì đây là yêu cầu chính đáng, thiết thực của người dân. Sau khi báo cáo Thủ tướng và nhận được đồng ý thì tiến hành thực hiện và kết thúc trong quý II-2016”.
Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ được triển khai từ năm 1990. Ngày 28/9/1999, Nhà nước ban hành Quyết định 914 thu hồi gần 14.000m2 đất giao cho Công ty TNHH IDC thực hiện dự án. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng thuận của 72/124 hộ dân và do có thay đổi về pháp luật, chính sách nên đến nay mới thu hồi, giải phóng được trên 7.900m2, còn lại trên 6.000m2 đất chưa giải phóng mặt bằng. Một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân.