Sông Đồng Nai kêu cứu
Không cần đợi tới khi hàng chục tấn cá trên các lồng bè của ngư dân ở TP Biên Hòa chết nổi trắng sông người ta mới cảnh báo về tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt và đang chết dần của dòng sông này. Bắt nguồn từ vùng Tây Nguyên rộng lớn, sông Đồng Nai có ý nghĩa lớn khi điều phối nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu dân. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, dòng sông này đang đứng trước nguy cơ không thể cứu vãn.
Ô nhiễm sông Đồng Nai đã đến mức báo động.
Ô nhiễm nặng nề
Đây là điều dễ dàng nhất để nhận ra ở sông Đồng Nai, đặc biệt là đoạn sông chảy qua địa bàn thành phố Biên Hòa với nhiều khu công nghiệp lớn cùng mật độ dân cư rất dày. “So với chục năm trước, nước sông giờ bằng mắt thường cũng thấy ô nhiễm, bốc mùi hôi, nhất là mùa khô, những hôm nước kiệt”, bà Thiện, một người dân ở phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa), sinh sống sát bờ sông Đồng Nai cho biết. Cũng theo bà Thiện, rất nhiều người nuôi cá lồng bè trên các kênh rạch ven sông Đồng Nai đã phải bỏ nghề trong vài năm qua vì nước sông ô nhiễm, thua lỗ nhưng không biết kêu ai.
Theo tay bà Thiện, chúng tôi thấy hàng chục căn nhà tạm ven sông đang bỏ hoang sơ xác mưa nắng và những bè cá nằm chơ chọi trên bờ vì chủ nhân đã bỏ đi xứ khác. Ô nhiễm, không chỉ giết chết tôm cá, nguồn lợi thủy sản trên sông Đồng Nai mà còn đang đẩy nhiều người dân nghèo mưu sinh nhờ vào nguồn nước nơi đây ra xa dòng sông này.
Theo thống kê của Ủy Ban bảo vệ sông Đồng Nai, hiện có khoảng 4.500 điểm xả thải đang đổ về dòng sông này chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tất nhiên con số thực tế sẽ lớn hơn vì nhiều điểm xả thải chưa thống kê được hoặc doanh nghiệp xả lén lút. Những con kênh như Bà Lúa, Săn Máu, Linh… đang vô cùng ô nhiễm với ngập tràn rác thải nhưng vẫn đổ thẳng vào sông Đồng Nai mà không có biện pháp xử lý gì. Hậu quả của nó, như đã nói, không chỉ giết chết những nguồn lợi thủy sản, con người mà ngay cả chính dòng sông này cũng có thể thành dòng sông chết nếu không kịp thời ngăn chặn.
Và, theo một chuyên gia về môi trường, để cải tạo lại những dòng sông chết, số tiền bỏ ra là rất lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng như sông Tô Lịch (Hà Nội) hay Nhiêu Lộc-Thị Nghè (TP.HCM).
Tuy nhiên, ô nhiễm chưa phải là tình trạng duy nhất đang gây lo lắng ở sông Đồng Nai mà tình trạng sạt lở, khai thác cát tràn lan, lấp sông xây dựng đô thị… cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh tồn của dòng sông này. Thế nhưng, tất cả các vấn nạn trên lại chưa giải quyết dứt điểm, ổn thỏa để người dân trong lưu vực sông Đồng Nai cảm thấy an tâm.
Hậu quả khôn lường
Ngoài hậu quả đầu tiên và nặng nề nhất là các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Đồng Nai thì hàng ngàn hộ dân sinh sống ven bờ sông cũng ảnh hưởng nặng nề. Đấy là chưa kể những hộ nông dân trồng lúa, hoa màu có sử dụng nguồn nước sông cùng hàng triệu người sử dụng nước ở sông Đồng Nai để sinh hoạt như trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng trầm trọng và lâu dài.
Cũng phải thừa nhận đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm trên sông Đồng Nai trong vài năm qua, điển hình là việc di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1, tác nhân chính gây lên sự ô nhiễm đoạn sông ở thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, dường như sự cố gắng này là chưa đủ bởi việc phát triển quá nhanh của các khu công nghiệp khác, các nhà máy xí nghiệp nhỏ, các khu dân cư di dân tự do (chủ yếu là công nhân trong khu công nghiệp) cũng ngày ngày tạo áp lực ô nhiễm cực lớn lên dòng sông này.
Theo một lãnh đạo của Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường thì hầu hết các dòng sông chảy qua địa bàn các đô thị ở nước ta đều đang ô nhiễm nhưng tình trạng đáng báo động như ở sông Đồng Nai thì vô cùng nguy hiểm. Ô nhiễm ở đây gần như đã vượt ngoài sự kiểm soát, có thể giết chết chính dòng sông này nếu không được giải quyết tận gốc ngay từ bây giờ.