Việt Nam sau Thoả thuận COP21: Biến thách thức thành cơ hội
“Để giảm lượng phát thải nhà kính so với kịch bản cơ sở là 8% vào năm 2030 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP21 cần đầu tư khoảng trên 3 tỷ đô la. Để đạt được đến 25% thì cần một lượng đầu tư gấp nhiều lần so với con số 3 tỷ” – Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH, Phó trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH tại Hội nghị COP21.
PV: Thoả thuận Paris tác động thế nào tới Việt Nam trong vấn đề BĐKH, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tấn: Tác động lớn nhất, theo tôi, đó là Việt Nam phải cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh nền kinh tế, sản xuất của chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa, đây rõ ràng là một thách thức cực kỳ lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mỗi người, thay đổi từ thói quen, lối sống, sản xuất, kinh doanh, khoa học công nghệ, việc làm, văn hoá…
Cụ thể, những ngành nào sẽ bị ảnh hưởng?
- Có 3 nội dung trong báo cáo IDC của Việt Nam đề cập đến để giảm phát thải hiệu ứng nhà kính là năng lượng, nông nghiệp và chất thải. Trong đó, ngành phải chuyển mạnh mẽ sang phát thải thấp là ngành năng lượng.
Hiện chúng ta sử dụng than để phát điện trong khi nguồn than của Việt Nam đã giảm rất nhiều so với trước đây. Thế giới đang đầu tư để giảm phát thải các bon cao. Vì thế, người ta sẽ hạn chế cho vay vốn từ các cơ quan tài chính quốc tế. Trong thời điểm hiện nay và đặc biệt sau năm 2020, nếu chỉ trông chờ vào đầu tư trong nước thì rất hạn chế.
Vì vậy phải nghĩ cách chuyển đổi ngay những ngành công nghiệp phát thải các bon cao sang hướng phát thải ít các bon. Ngoài ra, những doanh nghiệp (DN) gián tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng cần thay đổi. Vì mỗi sản phẩm khi sản xuất ra đều tốn một năng lượng nhất định góp phần cho phát thải khí nhà kính. Với những sản phẩm sản xuất ra vượt ngưỡng trung bình của quốc gia hoặc quốc tế, chúng ta phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ.
Những DN biết tận dụng cơ hội này chắc chắn sẽ thành công bởi trong sản xuất nếu phát thải nhiều các bon sẽ không được quốc tế công nhận, thậm chí sau năm 2020 khi Thỏa thuận Paris được thực thi còn có thể bị xử phạt.
Các DN có nhận được sự hỗ trợ để giảm phát thải hiệu ứng nhà kính trong sản xuất không, thưa ông?
- Một trong những nội dung chính của Thoả thuận Paris đó là các nước phát triển sẽ cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với mức đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm cho đến năm 2020.
Việc hỗ trợ của quốc tế có liên quan đến các hoạt động song phương của Việt Nam trong đàm phán BĐKH, cụ thể là của Thủ tướng chính phủ, của lãnh đạo các bộ, lãnh đạo ban công tác đàm phán đã đạt được những kết quả nhất định.
Với những DN chuyển đổi mạnh mẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ tìm cách thông qua cơ chế hỗ trợ công nghệ để phát triển những công nghệ như vậy. Khi chúng ta tính toán ra được lượng phát thải hiệu ứng nhà kính nhất định thì công nghệ đó không những tiêu thụ tốt ở trong nước mà có thể xuất khẩu ra nước ngoài để bán cho những nước có sản phẩm tương tự nhưng phát thải hiệu ứng nhà kính ở mức độ cao hơn.
Với mỗi ngành, có nhiều phương án lựa chọn để giảm hiệu ứng phát thải nhà kính. Có một số phương án không những không gây thiệt hại mà còn có lợi cho DN vì tiết kiệm được chi phí đầu tư trong việc sử dụng nguồn năng lượng hàng ngày so với khoản đầu tư ban đầu mang lại từ việc sử dụng công nghệ mới. Vấn đề bây giờ là từng ngành nghề, từng DN có quyết tâm đổi mới hay không.
Cụ thể về mức độ đóng góp giảm phát thải nhà kính, Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP21 sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có những đánh giá định lượng nào để đạt được mục tiêu này?
- Hiện nay, theo tính toán sơ bộ, con số để Việt Nam giảm phát thải đến 8% là vào khoảng trên 3 tỷ đô la. Để đạt được đến 25% thì cần một lượng đầu tư gấp nhiều lần so với con số 3 tỷ. Bởi những vấn đề Việt Nam tự làm thông thường đều với chi phí thấp, chỉ cần điều chỉnh lại một số hoạt động của các DN, các cơ quan mang tính tự nguyện.
Có những phương án giảm phát thải khí nhà kính đề nghị quốc tế hỗ trợ là những phương án sử dụng chi phí cao, đầu tư lớn. Tuy nhiên, có những phương án khi chúng ta làm tốt không những mất thêm chi phí mà còn được lợi hơn, như tiết kiệm năng lương. Chi phí có khi bù đắp lại cho khoản vượt chúng ta đầu tư ban đầu và thậm chí còn có lãi.
Việc cần làm trước mắt là gì, thưa ông?
- Để chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải các bon, thời gian đầu, trong ngắn hạn có thể chúng ta phải đầu tư nhiều hơn, ưu tiên cho những công nghệ giảm ít phát thải các bon hiện còn đắt hơn so với công nghệ tương tự mà phát thải các bon nhiều.
Điều đó chắc chắn sẽ làm giảm nguồn lực cho các mục tiêu khác như xoá đói giảm nghèo, thực hiện những hoạt động thích ứng BĐKH khác… nhưng là việc không thể không làm vì cuộc sống lâu dài ổn định và phát triển bền vững của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!