Bi kịch của thường dân Syria: Ăn cỏ, lá cây để sống

Linh Chi 09/01/2016 10:35

Những thường dân Syria hiện đang bị mắc kẹt trong các thành phố có chiến sự của nước này buộc phải ăn thịt mèo hoang để cầm cự qua ngày, trong khi phải trải qua các ca phẫu thuật mà không có thuốc giảm đau do thiếu nguồn cung ứng.

Bi kịch của thường dân Syria: Ăn cỏ, lá cây để sống

Hai đứa trẻ Syria chia sẻ một bát canh nấu bằng lá cây và cỏ. (Nguồn: DM).

Foua và Kfarya, hai ngôi làng thuộc tỉnh Idlib (Syria) thường xuyên phải hứng chịu các đợt tấn công của một số nhóm nổi dậy trong suốt hơn 1 năm qua. Nhưng tình hình còn trở nên tồi tệ kể từ tháng 9 năm ngoái, khi các nhóm phiến quân chiếm được một căn cứ không quân mà trước đây dùng làm bãi đáp cho trực thăng chở thực phẩm đóng hộp, rau quả và bánh mì cho khoảng 30.000 người dân.

Còn ở Madaya, gần thủ đô Damascus, thành phố cũng đang là khu vực chiến sự kể từ tháng 7 năm ngoái, những người dân vô tội do quá thiếu lương thực đã buộc phải ăn các loại thú hoang để tránh chết đói. Nhiều thường dân cũng thiệt mạng do dính đạn của các tay bắn tỉa, hoặc chết mất xác do dẫm phải mìn trong khi đang đi tìm kiếm thức ăn. Tại đây, giá sữa bột cho trẻ em đã đội lên đến mức không tưởng: 300 USD cho mỗi một hộp 900 g.

Các tay súng thân Chính phủ Syria vừa rút khỏi hai ngôi làng Foua và Kfarya đã mô tả tình trạng sống khắc nghiệt nơi đây khi thiếu nghiêm trọng lương thực và thuốc men; họ nói rằng một số người dân còn phải ăn cả cây cỏ để sống qua ngày, trong khi thực hiện phẫu thuật mà không có thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, không phải chỉ có 2 ngôi làng tập trung người Hồi giáo dòng Shi’ite này chịu tình cảnh trên. Cả hai phe trong cuộc nội chiến ở Syria luôn sử dụng chiến thuật đánh chiếm các thị trấn hoặc làng mạc để có thêm phần lãnh thổ mà họ kiểm soát.

Thị trấn vùng biên Madaya đã trong tình trạng chiến sự kể từ đầu tháng 7 năm ngoái, và điều kiện sống đã trở nên hết sức tồi tệ khi cái rét của mùa đông ập đến, trong khi người dân không có nguồn cung ứng. Cơn bão tuyết đổ bộ vào Madaya trong dịp đầu năm nay trong bối cảnh thiếu điện và khí đốt khiến người dân phải đóng kín cửa ở trong nhà, kiếm mọi thứ có thể đốt được để sưởi ấm.

Theo AP, giá cả hàng hóa ở Madaya đã đội lên trông thấy. 1 kg bột mỳ có giá khoảng 250 USD trong khi 900 g sữa bột dành cho trẻ sơ sinh có giá đến 300 USD. Một số bức ảnh mà AP đăng tải còn cho thấy một nhóm người dân giết thịt một con mèo hoang để ăn. Trong tổng số 23 người chết ở Madaya trong những tuần gần đây, có đến 10 người chết đói và số còn lại là bị bắn chết hoặc do dẫm phải mìn.

Thế nhưng những người dân vô tội không thể nào rời khỏi các khu vực trên do có ít nhất 25 điểm chốt chặn xung quanh khu vực mà họ sinh sống.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã chết ở Foua và Kfarya. Một số tay súng đã sơ tán khỏi đây kể lại rằng người dân nơi đó quá thiếu thuốc men nên buộc phải sử dụng cả thuốc đã hết hạn. Nhiều bà mẹ còn phải nghiền thóc ra để nấu lấy nước, làm sữa cho con của họ.

Pawl Krzysiek, một người phát ngôn của Ủy ban Quốc tế Hội Chữ thập Đỏ (ICRC), nói rằng tình trạng sống ở hai ngôi làng Foua, Kfarya và ở thị trấn Madaya đã trở nên cực kỳ tồi tệ, trong khi thời tiết giá lạnh mùa đông càng khiến mọi chuyện trở nên cấp thiết hơn. “Đã quá lâu rồi, người dân nơi đây bị bỏ rơi trong tình trạng thiếu nhu yếu phẩm như lương thực và thuốc men. Ưu tiên hàng đầu của ICRC trong những ngày tới đây sẽ là cung cấp thực phẩm và thuốc men cho họ” - ông Krzysiek nói.

Nhiều tổ chức trong nước đã từng kêu gọi LHQ và cộng đồng quốc tế gửi hàng viện trợ đến Madaya cùng lời cảnh báo rằng sự chậm trễ sẽ gây thêm nhiều cái chết của thường dân vô tội. Tuy nhiên, các nỗ lực của LHQ viện trợ lương thực đến khu vực này đến nay vẫn bị cản trở bởi các tay súng thuộc các nhóm phiến quân nổi dậy.

Một thỏa thuận được LHQ ủng hộ ký kết hôm 28-12 năm ngoái, trong đó sơ tán hơn 450 người khỏi các khu vực chiến sự ở Syria, gồm 380 người từ 2 ngôi làng phía Bắc và 125 người ở khu vực Zabadani gần biên giới với Lebanon. Madaya, gần với Zabadani, tuy nhiên lại không nằm trong thỏa thuận sơ tán này dù nằm trong diện được viện trợ lương thực.

Hồi tháng 10 năm ngoái, LHQ còn thừa nhận họ đã gửi nhầm hàng trăm hộp bánh quy dinh dưỡng đã hết hạn sử dụng đến người dân ở Zabadani và Madaya. Sự việc này được cho là do lỗi của con người đã khiến nhiều thường dân ở hai khu vực trên bị đau bụng. Kể từ đó đến nay, người dân ở hai thị trấn này chưa nhận được thêm đợt viện trợ nào khác.

Ở cả 3 khu vực có chiến sự kể trên, người dân thường phải dựa dẫm vào quân đội hoặc các nhóm phiến quân để có được lương thực với cái giá trên trời.

Moamen Haj Ali, một tay súng bị thương đang được chữa trị ở Beirut (Lebanon), kể lại rằng, Foua và Kfarya đang dần cạn kiệt nguồn nước do thiếu dầu diesel để vận hành các trạm bơm. Anh này nói rằng: “Giấc mơ của họ rất đơn giản: Có rau để ăn”.

Linh Chi