Nỗ lực vượt khó
Dấu hiệu ấm lên của thị trường xuất bản 2015 cho người ta gửi gắm kỳ vọng vào một năm xuất bản có nhiều bứt phá, nhằm tôn vinh và gìn giữ văn hóa đọc.
Tìm mua sách tô màu tại Hội sách Quốc tế - Việt Nam
diễn ra ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
1. Khởi động cho năm mới 2016, ngành xuất bản Việt Nam đón nhận liên tiếp 2 tin vui. Đầu tiên, đó là Chợ phiên sách cũ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/1 tại Đại học Văn hóa (Hà Nội), với nhiều nét mới, quy tụ hơn 20 đơn vị tham gia. Thứ hai, đó là việc khai trương đường sách Nguyễn Văn Bình tại TP HCM vào 9/1, sớm hơn dự kiến 1 ngày. Đây là “công trình ước mơ” của hàng vạn độc giả và những người yêu sách tại mảnh đất phương Nam suốt từ nhiều năm nay, nhưng phải tới năm 2016 mới thành hiện thực.
Nếu Chợ phiên sách cũ tại Hà Nội có tham vọng trở thành một điểm hẹn văn hóa, phục dựng các không gian văn hóa cổ truyền như sạp nước chè xanh và nước vối, thậm chí có cả hát xẩm và hát quan họ chứ không chỉ đơn thuần là nơi mua - bán sách, thì những người thực hiện Đường sách TP HCM cũng mong ước trở thành điểm hẹn của người yêu sách khắp nơi khi đến với TP HCM. 20 gian hàng sách được thiết kế nhằm trưng bày, bán sách và tổ chức không gian giao lưu, tiếp xúc giữa tác giả, cộng tác viên, bạn đọc…
Thêm vào đó, trong dịp khánh thành (từ nay đến ngày 8/2) tại Đường sách diễn ra nhiều hoạt động như: Trưng bày triển lãm Báo xuân- tạp chí xưa và nay với chủ đề “Mừng xuân, mừng Đảng, mừng đất nước nở hoa”; triển lãm văn thơ kháng chiến; triển lãm thiệp xuân; phiên chợ sách cũ; trao đổi sách quý…
Đặc biệt, tại khu vực cà phê sách sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu, tọa đàm gồm: Giao lưu, kí kết hợp tác giữa nhà làm phim và nhà làm sách; tọa đàm “Sách fantasy với giới trẻ Việt”; giao lưu nhóm tác giả viết về Sài Gòn…
2. Những tín hiệu vui trên có được cũng khởi phát từ năm 2015- một năm mà theo các chuyên gia, ngành xuất bản Việt Nam có nhiều nỗ lực vượt qua bức tranh ảm đạm vốn bao trùm suốt nhiều năm.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), trong năm 2015, Việt Nam đã xuất bản được hơn 24.000 đầu sách với hơn 270 triệu bản, cùng 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22 triệu bản, đem lại tổng doanh thu hơn 2.000 tỉ đồng.
Năm qua, đánh dấu một sự kiện mang tính bước ngoặt của ngành xuất bản: tổ chức khóa đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho 804 biên tập viên. Theo quy định mới, từ 1/1/2016, sách chỉ được nhận lưu chiểu khi biên tập viên cuốn sách có chứng chỉ hành nghề. Được biết, hiện cả nước có khoảng 1.200 biên tập viên làm việc trong các nhà xuất bản.
Điều này được cho là một động thái cần thiết nhằm siết chặt hơn nữa thị trường xuất bản vốn lâu nay được nhiều người cho rằng đang bị thả nổi, dẫn đến nhiều “thảm họa sách” xuất hiện. Song song với việc làm này, nhiều đơn vị xuất bản năm qua cũng cảm thấy “khó thở” với việc giấy phép xuất bản. Đã không còn thoáng như xưa, chuyện “đội mũ giấy phép” trong thời gian qua cũng đã được làm chặt chẽ hơn…
Bên cạnh đó, người ta thấy xuất bản 2015 cũng đánh dấu việc đáng hoan nghênh: lần đầu tiên Cục Xuất bản, In và Phát hành chính thức xử mạnh tay với dòng sách ngôn tình, đam mỹ. Cụ thể, trong Công văn 2116/CXBIPH-QLXB ký ngày 16/4/2015, Cục này yêu cầu các NXB không đăng ký các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ (đồng tính nam). Một số đơn vị xuất bản các cuốn như “Đồng lang cộng hôn” của Diệp Lạc Vô Tâm, “Nở rộ” của Sói Xám Mọc Cánh… cũng bị Cục nhắc nhở và xử phạt.
Quan sát xuất bản 2015 còn nhận thấy đó là một năm được mùa của các hội sách: Hội sách quốc tế, hội sách Hoàng thành, hội sách Mùa xuân, Mùa thu, hội sách Giáng sinh đến các “đại hội sách cũ”… Riêng tại Triển lãm-Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam 2015 thu về hơn 15 tỷ đồng. Theo đại diện NXB Trẻ, đây là một tín hiệu rất tốt, trong đó có hội sách ngang ngửa, thậm chí nhỉnh hơn cả hội sách ở TP HCM.
Thêm sự vượt khó khác không thể không nhắc đến là một phương thức làm sách mới đang dần định hình. Đó là hình thức “gây quỹ cộng đồng” (crowdfunding) vốn đã quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới. Đây là cách làm sách mới xuất hiện tại Việt Nam, huy động vốn trực tiếp từ những người yêu sách, của các doanh nghiệp, qua đó, giúp những cuốn sách đến nhanh đến tay được công chúng.
Mới nhất, có thể kể đến cuốn “Xứ Đông Dương” - hồi ký của viên cựu toàn quyền Đông Dương Paul Doumer vừa chính thức được NXB Thế giới và Alpha Books phát hành theo hình thức này.
3. Nhìn nhận về sách tô màu giúp cho thị trường xuất bản VN khởi sắc trong năm qua, bà Trần Phương Thảo - Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Sách Thái Hà, cho rằng đây là dòng sách mới đối với độc giả VN, đặc biệt là những người yêu thích việc giải trí bằng màu sắc và hình vẽ.
“Dòng sách tô màu vào VN 2015 đã trở thành một trào lưu, một hiện tượng của ngành xuất bản. Trong lịch sử xuất bản của VN, chưa bao giờ mà chỉ trong một thời gian ngắn, 3 tháng, ước tính có khoảng gần 300.000 bản sách tô màu đã được tiêu thụ trên tổng thị trường”, bà Thảo nói.
Trong năm 2015 Thái Hà Books đã xuất bản được 15 tựa sách tô màu của các tác giả hot nhất trên thế giới như Johanna Basford, Daria Song, George R. Martin, Kerby Rosanes.
Trong đó cuốn sách bán chạy nhất là “Khu vườn Bí mật” với số lượng xuất bản gần 40.000 bản trong vòng 4 tháng. Lý giải về cơn sốt sách tô màu, bà Thảo cho rằng, dòng sách này là một trong những giải pháp góp phần giải tỏa căng thẳng một cách tích cực đối với đại đa số người dân trong quá trình phát triển của xã hội như ngày nay.
Với những nỗ lực vượt khó, ngành xuất bản Việt Nam bước vào năm 2016 với nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy từng bước văn hóa đọc.