Không thể 'che mắt' dân
Nhìn lại kết quả công tác giám sát của Mặt trận trong năm 2015, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa – Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định: Kết quả giám sát đã chạm đến toàn xã hội. Những người làm ăn bất chính, những người thiếu trách nhiệm bắt đầu cảm thấy rằng không thể “che mắt” được dân, nhất là khi Mặt trận đã vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia giám sát chính những vấn đề mình bức xúc.
Ông Nguyễn Túc.
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác giám sát và phản biện của Mặt trận trong năm 2015?
Ông Nguyễn Túc: Có thể nói rằng, trong năm 2015, Mặt trận ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng phối hợp và thống nhất hành động vì phối hợp và thống nhất hành động là nhiệm vụ chủ yếu, chức năng bẩm sinh của Mặt trận. Đảng sinh ra Mặt trận để phối hợp các tổ chức thành viên tạo thành sức mạnh tổng hợp. Mừng nhất là năm 2015, Mặt trận đã đẩy mạnh hơn chức năng phối hợp, thống nhất hành động nên trong công tác giám sát và phản biện xã hội bước đầu cho kết quả tốt đẹp.
Kết quả đó đã động chạm đến toàn xã hội vì bên cạnh Nhà nước đã có một tổ chức Liên minh chính trị là Mặt trận bắt đầu vào cuộc và những người làm ăn bất chính, những người thiếu trách nhiệm cảm thấy rằng không thể “che mắt” được dân nhất là khi Mặt trận đã vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào giám sát. Đặc biệt những người đi giám sát phần lớn là những người am hiểu về lĩnh vực đó, đã từng đã làm công việc đó nay nghỉ hưu. Dù kinh nghiệm chưa nhiều, điều kiện làm việc còn khó khăn nhưng kết quả đạt được bước đầu đã khẳng định vai trò vị trí của Mặt trận với Đảng, Nhà nước, tạo được uy tín trong lòng nhân dân.
Hiện nay chúng ta mới giám sát bước đầu, kinh nghiệm chưa có nhiều hơn nữa phương tiện, điều kiện để tiến hành giám sát chưa đầy đủ, nhận thức trong nhiều cấp ủy còn chưa đúng như yêu cầu của Bộ Chính trị. Do Mặt trận mới làm lĩnh vực này nên đội ngũ chuyên sâu tham gia vào giám sát cũng chưa nhiều nhưng tôi tin chắc với những kết quả đã đạt được trong những năm tới nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan hơn.
Theo ông, trong thời gian qua Mặt trận các địa phương đã tập trung giám sát vào những vấn đề người dân bức xúc hay mới chỉ dừng lại ở việc giám sát theo đơn đặt hàng từ trung ương?
- Tôi phải nói rằng, ngoài việc thực hiện tốt công tác từ cấp trung ương chỉ đạo, một số địa phương đã mạnh dạn có nhiều hình thức chủ động trong công tác giám sát. Cùng với đó, tại nhiều địa phương, nhiều đồng chí có tâm huyết đã mạnh dạn nói lên sự thật ở địa phương mình hoặc trong lĩnh vực mà mình phụ trách nhưng nhìn chung những tiếng nói đó chưa mạnh, không ít nơi, không ít bộ phận vẫn còn nể nang, né tránh, vẫn còn sợ “đấu tranh tránh đâu”. Đặc biệt có một số đồng chí cấp ủy được phân công sang làm Chủ tịch Mặt trận ở một số tỉnh, thành phố rất hiểu điều này.
Đề cập đến vấn đề này, tôi đã từng được nghe những câu như “Bác thông cảm. Bác ở Trung ương thì dễ nói nhưng chúng em ở địa phương trong cấp ủy nói không khéo hại vào thân”. Những câu nói này khiến chúng ta cảm thấy day dứt. Cho nên cũng phải nhìn nhận cho đúng, công tác Mặt trận trong năm 2015 bên cạnh những kết quả vượt bậc thì vẫn còn hạn chế.
Nguyên nhân của hạn chế này từ đâu, thưa ông?
- Tôi cho rằng, đó là vấn đề dân chủ trong cấp uỷ. Những năm gần đây việc điều chỉnh cán bộ Mặt trận có khá hơn. Tình trạng cán bộ không làm được việc, cán bộ sắp về hưu đưa về Mặt trận làm việc đã giảm dần.
Nhưng vấn đề chính hiện nay, cán bộ có làm được việc hay không là vấn đề dân chủ trong các cấp ủy vì nhiều đồng chí vẫn e ngại cấp uỷ đánh giá mình. Có một thực tế, khi chuẩn bị bầu cử HĐND nhiều đồng chí cấp ủy rất quan tâm đến Mặt trận nhưng bầu xong thì...quên. Chúng ta phải nói thẳng điều đó để những đồng chí cấp ủy nào còn tình trạng này thì nên xem xét lại vì dân chủ ngày càng tiến bộ, nếu giữ mãi thái độ đó sẽ không ổn trong thời kì hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhã Phương(thực hiện)