Nhiều ý kiến trái chiều về 'bình chữa cháy trên xe hơi'
LTS: Theo Thông tư 57 của Bộ Công an, từ 6/1/2016, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Xung quanh vấn đề này, dư luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi ghi lại một số ý kiến phản ánh về vấn đề này.
Đạo diễn Trần Quốc Sơn (Đài Truyền hình TP HCM): Cần làm rõ cho người dân hiểu
Đạo diễn Trần Quốc Sơn.
Cũng giống như mấy năm trước, khi chúng ta quy định bắt buộc mọi người tham gia giao thông phải đội mũ bão hiểm cũng có ý kiến phản đối, nhưng như chúng ta thấy thì hiện nay ai không đội mũ bảo hiểm mà lưu thông trên đường đều bị coi là hành vi tiêu cực. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng vấn đề là làm sao tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ về quy định mới này.
Trong đó, nhiều ý kiến thắc mắc của người sử dụng ô tô, như: sử dụng bình chữa cháy nào để đảm bảo an toàn; lợi ích gắn kết từ công an (chính quyền) và nhà cung cấp quy định thế nào để người dân giám sát công khai? Ngoài ra, người sử dụng nên để bình chữa cháy thế nào cho thẩm mỹ trên xe ô tô ...
Chị Nguyễn Lê Đài Trang (nhân viên phòng kinh doanh, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển SGC Q.7, TP HCM): Phải kiểm soát chất lượng bình chữa cháy mini
Chị Nguyễn Lê Đài Trang.
Tôi cho rằng việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy là cần thiết, nhưng phải điều chỉnh và kiểm soát giá và chất lượng của bình chữa cháy mini để đảm bảo an toàn và lợi ích của người sử dụng. Tôi cũng đồng ý với quy định này vì sẽ giúp người sử dụng ô tô nâng cao ý thức PCCC, giúp người có phương án kịp thời xử lý cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp khi lưu thông trên đường.
Nhiều người lo sợ bình chữa cháy nổ trên xe ô tô, rồi gây nguy hiểm cho trẻ em. Tôi cho rằng những lo lắng này của họ cũng chính đáng. Nhưng nếu am hiểu về bình chữa cháy thì chúng ta thấy rằng cần phải xem kỹ nhãn mác và hạn sử dụng của bình chữa cháy để hạn chế cháy nổ không đáng có. Bởi vì, cũng có thể có trường hợp nổ do áp suất trong bình tăng quá cao.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc doanh nghiệp sản xuất ống nhựa ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh): Xe hơi đã thiết kế an toàn rồi
Tôi bắt đầu sử dụng xe hơi từ năm 2009 và hiện nay thường xuyên đi làm bằng chiếc xe Toyota Altis đời 2012 nên khá hiểu các chi tiết của xe hơi. Về việc trang bị bình cứu hỏa mini trên xe, cá nhân tôi nghĩ là không cần thiết vì bản thân một chiếc xe hơi đã an toàn rồi. Theo đó, khi tạo ra một chiếc xe hoàn chỉnh, chắc chắn các nhà sản xuất đã tính tới các khả năng xe có thể bị cháy rồi.
Nếu bình cứu hóa mà có thể dập được các đám cháy trên xe hơi khi nó xảy ra thì nó đã được chế tạo, bởi thiết bị này đơn giản, không khó để đưa nó vào thành một bộ phận của chiếc xe. Vì thế, việc nhà sản xuất không chế tạo bộ phận này có nghĩa chiếc xe đã khá an toàn nếu chủ nhân sử dụng đúng theo hướng dẫn, cũng như việc bảo trì, bảo dưỡng đúng định kỳ.
Anh Nguyễn Văn Phước (lái xe du lịch hợp đồng ở đường Phan Huy Ích, Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh): Xe 4 cửa, cần gì bình chữa cháy!
Anh Ngyễn Văn Phước.
Do nghề nghiệp, tôi thường xuyên phải sử dụng các loại xe. Hiện nay tôi thường lái các xe 16 cho tới 29 chỗ đưa đón khách và trước kia, tôi cũng có nhiều năm lái xe taxi 7 chỗ. Vì thế, theo kinh nghiệm bản thân, nếu có để xảy ra tình trạng cháy trên xe hơi cá nhân thì cũng không nhất thiết phải sử dụng bình chữa cháy.
Nguyên nhân là các xe này nhỏ, mà lại có tới 4 cánh cửa có thể đóng, mở dễ dàng thì người trên xe có thể dễ dàng thoát ra ngoài chứ không dại gì ngồi trên xe để sử dụng bình cứu hỏa. Chỉ đối với các loại xe tải chở hàng, xe vận tải công cộng, xe khách chở đông người nhưng ít cửa ra vào mới cần thiết phải trang bị bình chữa cháy mini để phòng những trường hợp hi hữu mà thôi.
Tài xế Nguyễn Thanh Sơn (chủ xe ô tô 4 chỗ BKS 36A-09.459 -Thanh Hóa): Nơm nớp lo sợ
Tài xế Nguyễn Thanh Sơn.
Khi Bộ Công an quy định, đối với phương tiện xe cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình phòng cháy, chữa cháy, tôi đã đi mua ngay, nhưng có hơi phân vân. Bởi nếu không mua bình chữa cháy sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt; nếu mua thì không biết lắp ở đâu, để ở túi đựng đồ mặt sau ghế lái rất mất mỹ quan, bỏ dưới gầm thì chiếc bình lăn lốc cốc gây khó chịu.
Không lắp bình chữa cháy, khi công an phát hiện phạt ba lần là mất hai tạ lúa rồi. Nhưng để cái bình chữa cháy phía sau ghế thì cứ nơm nớp như “chứa bom”. Bởi được biết nếu xe nóng trên 550C có thể xảy ra cháy nổ. Xe ô tô để ngoài trời, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60-700C, rất nguy hiểm...
Tài xế Nguyễn Văn Lâm (Chủ xe ô tô con BKS 36A-16.216 -Thanh Hóa): Vẫn chỉ là đối phó
Tôi thấy lạ, nếu việc lắp bình chữa cháy trên xe ô tô là cần thiết thì tại sao các hãng xe hơi nổi tiếng trên thế giới lại không thiết kế chỗ lắp đặt? Phải chăng cơ quan chức năng đang lo lắng quá mức cần thiết? Bởi vì nếu xảy ra cháy, nổ xe thì chiếc bình con con này chả giải quyết được vấn đề gì!.
Nguyễn Thị Hương (phường Ngọc Lâm, Quận Long Biên, TP Hà Nội): Có bình cứu hỏa để làm gì?
Chị Nguyễn Thị Hương.
Gia đình tôi có 2 chiếc xe ô tô nên tôi cũng khá lo lắng với thông tin bình cứu hỏa sẽ có khả năng phát nổ nếu đến một ngưỡng nhiệt độ nào đó. Dù lãnh đạo Cục PCCC của Bộ Công an đã “đứng ra” lý giải trên tivi rằng, nếu bình cứu hỏa đạt tiêu chuẩn thì khả năng xảy ra nổ là rất hy hữu.
Cứ cho rằng lãnh đạo Cục PCCC đúng, “rất hy hữu”, tức là vẫn có khả năng bình PCCC phát nổ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng bắt buộc chúng tôi phải trang bị bình cứu hỏa, song lại không có chế tài đối với việc bán những bình PCCC kém chất lượng, đồng thời không hướng dẫn cụ thể phải sử dụng như thế nào, bình cứu hỏa phải đặt ở đâu trên ô tô để đảm bảo an toàn.
Theo tôi, quy định trên là không cần thiết và không khả thi. Bởi đa số các lái xe đều chưa được tập huấn về kỹ thuật cứu hỏa, chưa từng làm quen với bình cứu hỏa, do vậy việc có trang bị bình cứu hỏa hay không thì giá trị là như nhau vì có biết sử dụng đâu.