Hồn nhiên trên mạng
Việc mới đây một thanh niên ở Nghệ An phát tán trên facebook cá nhân những bức ảnh được coi là dã man khi làm thịt khỉ để nấu cao, một lần nữa khiến người ta băn khoăn. Đây là câu chuyện về bảo vệ động vật hoang dã, cân bằng sinh thái, thái độ của con người với thiên nhiên mà cũng là câu chuyện về sự nhận thức, thái độ lệch lạc và việc lạm dụng mạng xã hội. Đó là những điều rất đáng suy nghĩ.
Tuổi trẻ với công tác truyền thông bảo vệ động vật hoang dã.
Việc thanh niên nọ đưa hình ảnh lên facebook có sai không? Anh ta làm thịt khỉ nấu cao có sai không? Điều này khó cắt nghĩa hơn một chút vì rằng khỉ cũng là động vật cấm săn bắn, nhưng nếu là khỉ nuôi thì sao? Hơn nữa, cao khỉ (cũng như nhiều loại cao động vật khác) trên thực tế vẫn được mua bán công khai.
Vấn đề ở đây là là sự “hồn nhiên” của người đưa những hình ảnh ghê rợn lên facebook để từ đó phát tán rộng rãi. Thiên hạ sẽ chẳng rỗi hơi bình phẩm, chê trách nếu đó không phải là những hình ảnh cho thấy một lỗ hổng rõ ràng và quá lớn trong nhân tính. Không thể lấy làm khoan khoái trước việc giết thịt một con vật, dù là vật nuôi, cho dẫu đó chỉ là con gà, con vịt đi chăng nữa. Còn nhớ cách đây không lâu, một nhóm thanh niên cũng tung lên mạng hình ảnh một chú khỉ đã bị sát hại, nhưng mồm lại ngậm một điếu thuốc lá. Khỉ vốn được coi là loài có nguồn gốc gần với con người nhất, nên khi ngậm một điếu thuốc lá khiến người ta liên tưởng rất nhiều. Khoái trá trong những hành động kiểu như vậy là rất không nên.
Tiếc thay điều đó vẫn xảy ra, làm buồn lòng thiên hạ và ở khía cạnh nào đó còn đánh thức, khơi gợi thú tính ở một bộ phận, nhất là những người ít tuổi nhận thức còn thiếu hụt đang dò dẫm tìm đường đi trong cuộc đời. Xã hội rất lo lắng trước nạn bạo lực, với nhiều vụ việc được truyền thông tố cáo. Bạo lực học đường, bạo hành gia đình, những vụ án mạng với nhiều nạn nhân chỉ vì những lý do rất đơn giản… Và người ta cũng đã từng lên tiếng phê phán những gì kích động bạo lực với trẻ em, ví dụ như những cái máy kể chuyện bạo lực được bán với giá trên dưới 100 ngàn đồng phát ra những ngôn từ chết chóc, đầy máu me. Hay là loại búp bê cho trẻ em lại có thể tháo rời tay rời chân, vặn đứt đầu; búp bê phát tiếng kêu thảm thiết khi bị… mổ bụng. Các bậc cha mẹ cũng hết sức lo lắng trước việc con em mình đòi mua đồ chơi bạo lực (đao kiếm, súng, dùi cui…) vì rõ ràng những “món hàng” ấy không có lợi gì cho việc xây dựng nhân cách con người; đặc biệt nó lại “hun đúc nhân cách” một cách lệch lạc ngay từ lúc đứa trẻ mới vài ba tuổi.
Vậy thì việc hồn nhiên (cứ cho là như vậy) tung lên mạng những hình ảnh dã man, đầy bạo lực, kích động thú tính để làm gì? Vun đắp, khơi gợi tính thiện, điều tốt trong mỗi con người là rất khó, phải bền bỉ, công phu, liên tục và thầm lặng. Nhưng để làm hỏng nó thì có khi chỉ cần sự tác động của một bức ảnh, một bộ phim, một câu chuyện, một hành động. Trong xã hội hiện đại, truyền thông, mạng xã hội có vai trò vô cùng to lớn. Nếu dùng nó với lòng thành xây dựng thì rất đáng quý, nhưng ngược lại, ai đó dùng nó để thỏa mãn ý thức lệch lạc của cá nhân, để khơi gợi cái xấu, loan truyền cái xấu thì rất nguy hại. Người ta có thể ngụy biện rằng facebook mang tính cá nhân, nhưng không thể chối cãi được thực tế lan truyền của nó trong cộng đồng. Như vậy thì không thể coi là hành động của cá nhân, người khác không được quyền chen vào. Việc thanh niên nọ đưa cảnh giết khỉ tàn bạo vào trang facebook của mình cũng nằm trong phạm trù đó.
Trở lại câu chuyện ứng xử với tự nhiên, thế giới đã lên án mạnh mẽ việc săn đuổi, bắn giết, kinh doanh động vật hoang dã. Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) là bản hiệp ước giữa các quốc gia thành viên về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động, thực vật hoang dã để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước này. Thế nhưng, việc bảo vệ động vật hoang dã vẫn là vấn đề hết sức khó khăn. Tới nay, nhiều động vật hoang dã đã gần như tuyệt chủng, ví dụ như loài tê giác, hổ, báo, voi. Nhiều loài đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt diệt. Nhưng đó đây vẫn còn những cuộc đi săn voi lấy ngà, giết gấu để lấy tay chúng ngâm rượu. Kinh hoàng hơn là bào thai của một số động vật quý hiếm cũng được moi ra để ngâm rượu. Sợi dây nối mạch các thế hệ động vật bị chặt đứt.
Nhưng, chúng ta cũng vui mừng nhận thấy ý thức xã hội trong việc bảo tồn động vật hoang dã đang dần được nâng lên. Việc “nói không” với cao hổ, sừng tê giác đang ngày một lan tỏa. Vấn đề ở đây là, cùng với việc bảo tồn thì ngăn chặn những hành vi giết chóc, thương mại trái phép phải được triển khai quyết liệt. Kể cả những hành vi cá nhân thích thú với việc giết thịt động vật cũng cần phải được phê phán, ngăn chặn.