Khối ngành Y, Dược: Cần có điểm sàn riêng
Thời gian vừa qua dư luận xôn xao về việc mở ngành Y, Dược của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Trong đó, điều mà xã hội lo lắng nhất là mức điểm đầu vào của nhà trường có bị thấp so với tầm quan trọng của hai ngành học này không? Về điều này, PGS Nguyễn Đức Hinh- Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Trong cuộc họp Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y, Dược mới đây đã thống nhất đề xuất, cần phải có điểm sàn cho khối ngành Y, Dược.
(Ảnh T.L)
PGS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ, Hội đồng Hiệu trưởng các trường Y, Dược đã nhất trí đồng thuận: Trong kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học y, dược sẽ tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Đồng thời đưa ra đề xuất áp dụng điểm ngưỡng cho ngành Dược học (5 năm) và Y đa khoa (6 năm). Ý kiến đề xuất này được 100% sự ủng hộ của Hội đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng đồng tình quan điểm. Bà cho biết, để chuẩn bị cho tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT đã có những hội nghị với các trường ở hai miền, các Sở GD&ĐT. Một trong những câu hỏi Bộ đưa ra xin ý kiến chính là vấn đề có nên xây dựng mức điểm sàn riêng cho khối ngành y dược hay không.
Theo bà Phụng, Luật Giáo dục Đại học quy định các trường có quyền tự chủ tuyển sinh. Vì vậy, cũng có câu hỏi đặt ra là, nếu đưa hạn mức quy định quá nhiều thì có vi phạm quyền này không, điều này cần lấy ý kiến. Bên cạnh đó, ngoài kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các trường còn áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác như xét tuyển từ học bạ, xây dựng các tiêu chí tuyển sinh riêng. Vì vậy, điểm sàn chỉ có ý nghĩa đối với các trường xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên bà Phụng cũng khẳng định quan điểm: “Chúng tôi muốn rằng những ngành đặc thù nên có quy định đặc thù khi tuyển sinh để đảm bảo yêu cầu chất lượng. Chúng tôi rất khuyến khích các trường làm việc này nếu có đủ cơ sở thuyết phục được xã hội”.
Đồng thời, bà Phụng cho biết, “chúng tôi cũng đã có đề nghị rằng nếu xã hội không đồng ý có điểm sàn riêng cho ngành Y, Dược và Bộ GD&ĐT không thể đưa ra quy định chung, thì Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y, dược có thể đưa ra khuyến nghị về ngưỡng điểm xét tuyển”.
Về điều này, ông Hinh nói thêm: Hiện Hiệu trưởng các trường y, dược khá băn khoăn về mặt kỹ thuật để ra mức điểm sàn, phải tới khi có kết quả của kỳ thi năm 2016 mới có thể đưa ra. “Có người đề nghị mức 21 điểm, có người đề nghị khống chế theo phổ điểm, ở mức 30% hoặc 50%. Tuy nhiên, kết quả thi còn phụ thuộc vào đề thi”. Thêm vào đó, Hội đồng Hiệu trưởng chỉ có trách nhiệm tư vấn, nên cũng còn đang mong chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Bởi “nghề y là nghề đặc biệt, sự tự chủ thì cũng cần có bàn tay hữu hình của các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt cũng phải xem sân chơi nào hợp lý nhất để các trường cùng chơi được”.
Trao đổi với PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, ông cũng góp ý về vấn đề này. Ông cho rằng việc sàng lọc trong ĐH mới là vấn đề quan trọng.
“Đứng về luật, hết THPT thì các em học sinh hoàn toàn có quyền được vào học ĐH. Nhưng vấn đề quan trọng là, khi vào ĐH cần phải có sự sàng lọc mạnh mẽ. Thứ hai, khi mà học sinh dự thi nhiều thì các trường sẽ lấy điểm từ trên xuống, không quy định điểm sàn cao cũng thành điểm sàn cao… Cho nên cứ đúng luật mà thực hiện. Sinh viên vào trường là do trường đó quy định, tức là đông sinh viên vào học thì tự khắc điểm sàn sẽ cao. Trong quá trình học, các trường cũng sẽ sàng lọc, không học được thì loại ra. Do vậy, người học cũng cần cẩn trọng. Nếu học kém thì tức khắc sẽ bị loại…”
Trong mùa tuyển sinh 2015, theo số liệu Bộ GD&ĐT đưa ra thì điểm đầu vào của các trường có đào tạo ngành Y, Dược không phải quá thấp. 4 trường đã tuyển sinh và đào tạo ngành này cho biết đều tuyển sinh ngành y đa khoa từ mức 20 điểm trở lên. Riêng Trường ĐH Võ Trường Toản báo cáo có một năm trong 2 năm gần đây ngành Y đa khoa lấy từ 19 điểm.
Bà Phụng cũng khẳng định: “Nếu có sự đồng thuận của trường, của thí sinh, của xã hội, Bộ sẽ đặt ra mức điểm sàn riêng cho ngành Y, Dược”.