Công khai, minh bạch thông tin

H.Vũ 13/01/2016 08:09

Không được tiếp cận với các thông tin chính thống là một trong những rào cản khiến người dân bị “nhiễu” trước quá nhiều thông tin thật - giả trên mạng. Chính vì thế Luật Tiếp cận thông tin (dự kiến được Thường vụ Quốc hội bàn vào phiên họp cuối tuần này), được coi là “chìa khóa” để khắc phục bất cập.

Người dân cần được tiếp cận thông tin công khai, minh bạch.

Xét trên thực tế, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ, góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, cũng như giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan nhà nước. Khi đề cập đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thẩm tra dự án Luật này đã bày tỏ quan điểm, dự thảo Luật cần quy định cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Như vậy mới thực sự bảo đảm và tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Bởi vì, người dân sống tại xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong khi nhiều trường hợp việc ban hành văn bản tạo ra nguồn thông tin là của cấp trên, chủ yếu là cơ quan ở Trung ương, nếu quy định việc cơ quan tạo ra thông tin mới là nơi cung cấp cung cấp thì hạn chế việc tiếp cận, gây thủ tục phiền hà cho công dân. Trong trường hợp phát hiện thông tin không chính thức, không chính xác, không đầy đủ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin của mình.

Nhu cầu thông tin của công dân ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong khi đó, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách chủ động, nhanh chóng và thuận tiện.

Theo ông Đinh Xuân Thảo-Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cần xác định chủ thể đối tượng cung cấp thông tin là gì cần phải xác định cho rõ. Cần quy định cái gì được cung cấp, cái gì không được phải quy định ở ngay trong Luật. Tức là Luật Tiếp cận thông tin như là luật gốc về vấn đề cung cấp thông tin.

“Mở rộng quyền tiếp cận thông tin cũng là tiêu chí để đánh giá sự dân chủ. Nếu người dân bị bưng bít thông tin thì tầm nhìn bị hạn chế. Do vậy, quyền tiếp cận thông tin phải được thực hiện một cách công bằng, trên cơ sở đó cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân kịp thời và đầy đủ. Khi đã quy định loại thông tin nào được công khai thì người dân có quyền đòi hỏi được biết thông tin đó”- ông Thảo bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề tham nhũng chính sách, theo ông Thảo muốn ngăn chặn tình trạng này cũng phải bắt đầu từ Luật Tiếp cận thông tin khi những thông tin liên quan đến quy hoạch, đất đai phải được công khai, minh bạch. Phải công khai để người dân biết và tham gia, không được giấu giếm thì lúc đó sẽ hạn chế ngăn ngừa tiêu cực tham nhũng, lợi ích nhóm.

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Muốn minh bạch phải công khai thông tin, do đó cơ quan chức năng có trách nhiệm cung cấp thông tin khi có yêu cầu. Ông Phương cho rằng, cần quy định những cơ quan trên phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người dân trong Luật này để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước vấn đề nhiễu thông tin, gây ảnh hưởng đến xã hội, ông Phương bày tỏ: “Cần quy định cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin có sẵn do cơ quan mình tạo ra, do mình được phân công cung cấp, chứ không cung cấp thông tin của các cơ quan khác để đảm bảo tính chính xác của thông tin”. Trách nhiệm của chủ thể trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin.

Còn ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, công dân có quyền tiếp cận thông tin không bị cấm. Cơ quan nào tạo ra thông tin thì phải có trách nhiệm cung cấp thông tin. Theo ông Thành, chính sách pháp luật của nhà nước phải để dân được tiếp cận một cách đầy đủ nhất, và các cơ quan nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước phải có nghĩa vụ công cấp thông tin cho người dân.

H.Vũ