Trí tuệ, tình yêu và sự sẻ chia

Lê Ái 13/01/2016 10:10

Sau thành công của Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, theo kế hoạch mới nhất, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường và 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo sẽ được thành lập ở Trung ương và các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai cụ thể nhằm thực hiện tốt Chương trình phối hợp giai đoạn 2015-2020. Đó cũng chính là cơ hội để các tôn giáo thực hiện sứ mệ

Linh mục Vũ Văn Kiện, đại diện cho Caritas Hải Phòng đến thăm và chia sẻ
với những khó khăn với bà con vùng lụt Cẩm Phả, Quảng Ninh
.

Các tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm, thông qua tôn chỉ hoạt động, giáo lý, giáo luật để giáo huấn tín đồ mở rộng tình thương yêu, sống vị tha, bác ái, bao dung, hoà hợp, đoàn kết và tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, vươn tới cái chân - thiện - mỹ, trong đó, bảo vệ sự cân bằng, hài hòa sinh thái chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình, gia đình và xã hội. Cho nên, trí tuệ, tình yêu và sự chia sẻ chính là chân lý mà bất cứ tôn giáo nào cũng muốn hướng đến.
Trên căn bản của những giá trị giáo lý yêu thương và phục vụ, với truyền thống sống “Tốt đời đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua 14 tôn giáo ở Việt Nam với hơn 20 triệu chức sắc và tín đồ đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, triển khai nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội, có vai trò và đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vì thế Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tổ chức tại TP Huế, do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu Trợ giúp Việt Nam- NCA phối hợp tổ chức (từ 1 đến 3/12/2015) được coi là một dấu mốc lịch sử. Và cũng bởi thế, bản cam kết phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường và 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo cũng được xem là một dấu ấn lịch sử của sự kiện này.

Bản cam kết khẳng định, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hoá, các thảm hoạ do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu tăng cao, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường.

Thực trạng về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu nêu trên có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính yếu là do chính con người gây ra. Nếu không có hành động toàn cầu và không có các giải pháp tận gốc, liên quan đến nhận thức và hành động của con người thì những tác động nặng nề do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: Hậu quả của biến đổi khí hậu là khôn lường, đã đến lúc phải tập hợp thành sức mạnh đoàn kết của các lực lượng, trong đó có các tôn giáo để nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục hậu quả và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trách nhiệm ấy đã được các tôn giáo khẳng định bằng sứ mệnh và niềm tin của mình trong bản cam kết: “Chúng tôi, 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam cùng kêu gọi các nỗ lực giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu do con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ sự sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và của thế giới. Đó chính là cơ hội để chúng ta thực hiện sứ mạng và niềm tin được giao phó: Trí tuệ, tình yêu và sự chia sẻ”.

Theo đó, nội dung phối hợp hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo được triển khai cụ thể.

Các tôn giáo khẳng định sẽ có trên 80% chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo có hiểu biết và tích cực tham gia Chương trình phối hợp. Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất một mô hình cộng đồng tôn giáo thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tài nguyên và Môi trường và tổ chức tôn giáo cùng phối hợp xây dựng. Cùng với đó, cứ 2 năm một lần Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tài nguyên và Môi trường và tổ chức tôn giáo cấp tỉnh tiến hành sơ kết việc thực hiện Chương trình phối hợp. Ở cấp Trung ương, cứ 3 năm tiến hành sơ kết Chương trình phối hợp một lần và định kỳ 5 năm tiến hành việc tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở các cấp thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tôn giáo và cộng đồng tham gia tích cực và có hiệu quả trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2015-2020, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) cũng cam kết thông qua vai trò chủ trì, điều phối của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trực tiếp là Ban Tôn giáo sẽ phối hợp và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo, tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng năng lực triển khai, quản lý, duy trì các hoạt động và xây dựng mô hình điểm của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lê Ái