Tăng tốc thực hiện đề án ngoại ngữ 2020
Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã khởi động. Đây được xem là cơ hội và cũng là thách thức lớn của từng cá nhân, đặc biệt là học sinh (HS), sinh viên (SV) Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động. Để nâng cao khả năng ngoại ngữ cũng như hội nhập với các nước, Bộ GD&ĐT đã thực hiện Đề án Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020 (Đề án Ngoại ngữ 2020). Đề án còn 5 năm nữa là kết thúc, tuy nhiên chính những chuyên gia tham gia Đề án cũng cho rằng, để đạt được hiệu
Ảnh minh họa.
Những thách thức lớn
Nói về việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, PGS.TS Nguyễn Phương Nga (Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) chia sẻ, các nhà trường sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là phải có chiến lược để HS, SV nâng cao khả năng tiếng Anh.
Bà cho rằng: Đề án 2020 là đề án được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, với số tiền lớn nhưng thực tế cũng như “muối bỏ bể” so với số lượng trường của Việt Nam. Đề án này không thể ngày một ngày mai vực được khả năng ngoại ngữ của HS lên, mà phải đổi thay từ gốc. Nghĩa là từ các trường phổ thông, để khi các em bước vào đại học đạt được tiêu chuẩn. “Với những giáo viên dạy tiếng Anh của các trường thành phố lớn thì không lo lắng lắm, nhưng ở vùng sâu vùng xa thì cũng có lo ngại khi giáo viên không được tập huấn nhiều”.
Nói về thực trạng giáo viên dạy tiếng Anh hiện nay, PGS.TS Nguyễn Lân Trung- chuyên gia cao cấp Đề án Ngoại ngữ 2020 cho biết: Chúng ta đang thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh, đặc biệt khu vực tiểu học có 17.000 - 18.000 trường nhưng mới chỉ có 7.000 giáo viên trong biên chế. Nhiều trường đã phải đi thuê giáo viên ngoại ngữ theo hình thức ký hợp đồng cho đủ lượng giáo viên. Bởi thế lại đặt ra câu hỏi lớn, đội ngũ giáo viên này có khả năng thực hành tiếng thế nào? Kỹ năng dạy ngoại ngữ ra sao?
Về việc nhiều HS đến lớp 12 cũng không thể giao tiếp bằng Tiếng Anh, PGS Nguyễn Lân Trung cho rằng: Đây là vấn đề lịch sử, không thể trách HS. Chúng ta hãy hỏi các em được hỗ trợ gì về môi trường học ngoại ngữ?
Về điều này, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng không ít lần tỏ ra lo lắng. Ông cho rằng cần phải rà soát lại số lượng giáo viên hiện nay, bao nhiêu giáo viên có thể dạy để đến lớp 12 HS có thể dùng được một ngoại ngữ, để các em không phải học lại ở ĐH.
Thay đổi cách dạy, học tiếng Anh
GS Phạm Tất Dong cho rằng: Hiện nay không ai đánh giá được sự vô bổ của việc học nhiều ngoại ngữ ở phổ thông. Bởi hiện nay có nơi HS học tiếng Đức, nơi học tiếng Pháp, tiếng Hoa... Đến lớp 12 không nói được, vào ĐH lại học tiếng Anh là “hỏng”. Vậy thì bao nhiêu HS phổ thông học nhưng không dùng được?. Ngày xưa thời Pháp, HS học thuộc rất tốt.
Để nâng cao khả năng học ngoại ngữ của HS, GS Dong băn khoăn: Tại sao chúng ta không chủ trương các nhà trường học tiếng Anh đồng loạt? Tôi cho rằng, nếu không thực hiện sẽ tốn kém vô kể mà lại không được gì. Rất nhiều người nói chuyện với tôi ngày xưa học tiếng Pháp nhưng không nói được.
Cùng đưa ra góp ý, PGS Nguyễn Phương Nga cho rằng: Bản thân HS, SV cũng phải có ý thức. Nhiều HS, SV hiện nay vẫn học đối phó, chưa thấy tiếng Anh cần với mình như thế nào. Bây giờ hội nhập rồi, cùng một sân chơi, không cẩn thận nếu SV các nước giỏi hơn thì SV Việt Nam sẽ không theo kịp… Thầy giỏi mà trò không có ý thức thì không thể giỏi được.
Đề án Ngoại ngữ 2020 có về trúng đích?
Chia sẻ thêm về công tác nâng cao khả năng lực dạy và học ngoại ngữ, PGS Nguyễn Lân Trung nói: Chúng tôi áp dụng những phương thức khác nhau cho từng khu vực. Chẳng hạn, khu vực phát triển bao gồm Hà Nội, TP.HCM; khu vực trung bình có các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; khu vực khó khăn có Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Khi chia như thế sẽ có những giải pháp, chính sách đi kèm. Điều quan trọng để làm tốt việc này là đánh thức tiềm năng trong mỗi con người.
Về cách thức thực hiện trong mỗi nhà trường, ông Trung cho biết: Hiện nay có tới 70 mô hình CLB ngoại ngữ hoạt động trong các nhà trường, nhưng lại hoạt động không đồng đều, dẫn đến kết quả rất khác nhau. Việc này cũng phụ thuộc vào lãnh đạo các nhà trường. Nếu những mô hình này hoạt động hiệu quả, thì khả năng nói tiếng Anh của HS, SV sẽ được cải thiện rõ rệt. Những mô hình có thể nhân rộng như ở Lào Cai, SV đại học về phục vụ các trường phổ thông và cộng đồng rất tốt. ĐH Bách Khoa TP.HCM có mô hình tiếng Anh trong cộng đồng. “Không phải ở miền núi thì khả năng học tiếng Anh kém hơn khu vực thành thị. Ở Lào Cai tuy rất khó khăn, nhưng giáo viên vẫn có laptop dạy học hiệu quả. HS cũng tỏ ra rất hứng thú với ngoại ngữ, đặc biệt ở khu vực Sa Pa”.
Để trả lời cho câu hỏi, Đề án Ngoại ngữ 2020 có đạt được hiệu quả tốt hay không, ông Trung khẳng định: Tôi thấy khả năng ngoại ngữ của HS hiện nay khác nhiều so với 3 năm trước. Và tôi cũng tin trong giai đoạn 2016 - 2020, cả xã hội từ lãnh đạo đến phụ huynh, HS cho đến các nhà chuyên môn cùng tăng tốc về đích. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu chuyển từ giáo dục kiến thức sang xây dựng năng lực. Khi đó, năng lực sử dụng ngoại ngữ của HS, SV ra trường sẽ đáp ứng yêu cầu.