Đèn, hoa và ... rác
Những ngày này khắp nẻo phố phường Hà Nội, đèn hoa giăng mắc. Nhiều con phố bỗng lạ hẳn lên với ánh đèn nhấp nháy đủ màu khi đêm xuống. Có người khen, có người chê. Và không ít người băn khoăn rằng, vậy lâu nay có hay không một qui chuẩn về thẩm mỹ cảnh quan ở Thủ đô ngàn năm văn hiến? Mà cụ thể hơn là: Có hay không qui định chuẩn cho việc làm đẹp, trang trí phố phường?
Đài hoa "lạ" ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Những thắc mắc ấy là hoàn toàn có cơ sở. Không cần đi đâu xa, chỉ cần dạo quanh những trục phố lớn gần khu vực Hồ Gươm sẽ thấy ngay mẫu mã đèn hoa giăng mắc phong phú quá mức. Có phố kết đèn có hình rồng bay, biểu tượng Khuê Văn Các, phố thì lại bông sen, phố thì lại chim bồ câu ngậm cành hoa… Nhìn thoáng hay nhìn kỹ đều thấy rối mắt cả. Những người chưa đồng tình với việc giăng đèn kết hoa quá đà đều cho rằng đó là sự lạm dụng ánh sáng.
Có người thốt lên: “Tôi là người dân Thủ đô sống ở đất này đã bao nhiêu năm mà còn cảm thấy choáng ngợp mỗi tối phải đi qua giữa một rừng ánh sáng, và tấm trang trí xanh xanh đỏ đỏ loè loẹt. Thực sự cách phối cảnh, ánh sáng có vấn đề và thiếu mỹ thuật đã tạo nên một mớ hỗn độn. Đặc biệt là ngắm ban ngày còn xấu hơn. Ôi, còn đâu Hà Nội quen thuộc của tôi…”
Đại diện Sở VH-TT Hà Nội lý giải rằng: thời gian vừa qua Sở có nghe nhiều ý kiến về việc trang trí trên đường phố Hà Nội. Trong đó, có nhiều ý kiến chê và cũng có không ít ý kiến khen. Dư luận đánh giá, khen, chê dựa trên cảm nhận cá nhân, quan điểm của Sở VH-TT Hà Nội là lắng nghe tất cả những ý kiến đó. Nếu ý kiến hợp lý, Sở sẽ tiếp thu và có sự điều chỉnh kịp thời.
Riêng về trường hợp dàn hoa được dựng ở khu vực đài phun nước tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mà dự luận lên tiếng trong nhiều ngày qua, người đứng đầu ngành văn hóa Thủ đô cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp và nhận thấy việc dựng dàn hoa tại khu vực này là không phù hợp nên Sở VH-TT đã cho dỡ bỏ.
Mừng vì Sở đã cho tháo dỡ đài hoa để sửa lại cả kiểu dáng lẫn màu sắc theo góp ý của người dân. Nhưng rồi có một chuyện khác phát sinh là dân lại thấy xót lắm của “chùa”. Chắc tiền bỏ ra làm cả dàn hoa loa kèn cách điệu quanh đài phun nước đâu có ít. Lấy ở đâu ra? Giám đốc Sở VH-TT trấn an rằng, các doanh nghiệp thuê đơn vị thiết kế, Sở chỉ tư vấn thêm và giám sát. Tiền bao nhiêu thì doanh nghiệp bỏ, Sở không nắm được vì không phải tiền ngân sách…
Thế là nhờ vụ dàn hoa phun nước, người dân mới lại được biết thêm việc chỉnh trang đô thị, làm đẹp phố phường Hà Nội cũng đang được xã hội hóa. Cụ thể ở đây là doanh nghiệp bỏ tiền ra nên họ được chủ động về mẫu mã thiết kế, đâu có qui chuẩn chung nào cho việc trang trí đèn hoa. Và như thế, rõ ràng Thủ đô đang thiếu qui hoạch thiết kế ánh sáng chuyên nghiệp. Đèn hoa giăng mắc tùy tiện không chỉ là chuyện thẩm mỹ đơn thuần, mà còn là sự tác động đến thị giác của người đi đường, người tham gia giao thông. Hơn thế, nhiều chuyên gia đang lo lắng về nguy cơ ô nhiễm ánh sáng đô thị.
Tất nhiên, không phải bây giờ người dân Thủ đô và những người đang sống ở Thủ đô mới lên tiếng về cái sự làm đẹp quá mức như đang thấy. Nhiều năm trở lại đây cứ mỗi độ tết đến xuân về, ngắm nhìn phố phường được trang hoàng hơi quá, người dân cũng đã lên tiếng trên nhiều diễn đàn. Âu cũng chỉ để mong Hà Nội đẹp hơn lên. Rằng trong quan niệm của nhiều người, Hà Nội là vùng đất tinh hoa hội tụ. Vẻ đẹp của Hà Nội là sự sâu lắng, thanh bình và rất đỗi thân quen…
Hà Nội, kể từ thời Thăng Long đã hơn nghìn năm tuổi, cả nghìn năm thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương. Ví như các danh nhân thì phần đông là tứ xứ tụ về nhưng họ đã hấp thụ được văn hóa kinh kỳ và làm nên sự nghiệp chính là ở Thăng Long - Hà Nội. Hay nói về bách nghệ thủ công thì cũng từ muôn nơi đến, rồi tinh xảo lên trong thị trường lớn nhất và khó tính nhất là Kẻ Chợ. Chẳng hạn như kim hoàn từ Ðịnh Công, Ðồng Sâm; thêu từ Hướng Dương, Quất Ðộng; khảm trai từ làng Chuôn; sơn quang, sơn mài từ làng Bằng… Những nghề nào trụ lại được là do đã đạt tới mức tinh hoa, điêu luyện.
Mặt khác, dân cư tứ xứ về Hà Nội cũng đem theo những phong tục lề thói địa phương. Rồi những lề thói ấy cũng được lắng đọng, chắt lọc, nâng cao, trau chuốt trong khung cảnh văn hóa Kinh kỳ mà thành ra nếp sống “thanh lịch Hà Nội”. Còn những lề thói dở thì rơi rụng, bị bào mòn dần theo thời gian. Thế nên, nhắc tới Hà Nội là nhắc đến chất thanh cao, lịch lãm, mà ý nghĩa bên trong là lòng tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý văn hoá trong làm ăn, ứng xử cũng như sinh hoạt hàng ngày, từ ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại, thưởng ngoạn văn hóa nghệ thuật. Đó là nghệ thuật cả trong ẩm thực, dù lúc đói lúc no, cũng không xô bồ, không tạp…
Thế nên, xét theo nghĩa thanh lịch thì vẻ đẹp của Hà Nội là vẻ đẹp tao nhã, chứ không xô bồ, lòe loẹt và ồn ào. Đích thị không phải là hình ảnh hàng vạn người chen lấn xô đẩy quanh Hồ Gươm, trèo lên các thân cây, nhà cao tầng để xem bắn pháo hoa; không phải cảnh nam thanh nữ tú chen chúc nhau, giẫm đạp đến tan nát vườn hoa xuân Hồ Gươm trong đêm giao thừa đón Năm Mới; lại càng không thể chấp nhận hình ảnh phố phường Hà Nội ngập ngụa rác rưởi, túi nilon…sau mỗi dịp lễ tết hoặc sau những sự kiện tập trung đông người.
Tiếc thay, đó đang là thực tế. Vì thế cho dù ngước nhìn lên mà đèn hoa có đẹp đến bao nhiêu, song khi nhìn xuống dưới chân rác rưởi ngập tràn, thì dù dễ tính đến mấy cũng không thể bảo rằng đó là văn minh đô thị được.