Xã hội học tập góp phần xóa đói giảm nghèo

Phương Linh 14/01/2016 09:35

Đánh giá 3 năm triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, kết quả đạt được đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động và mọi tầng lớp nhân dân.

Xã hội học tập góp phần xóa đói giảm nghèo

Học đi đôi với hành, lý luận gần với thực tiễn.

Ngày 13/1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2013-2015) thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020. Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Hinh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết: Sau 3 năm triển khai Đề án, nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực.

Theo đánh giá chung của Bộ GD&ĐT: Sau 3 năm triển khai Đề án, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chuyển biến tích cực.

Về mục tiêu xóa mù chữ, sau 3 năm thực hiện, tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15-60 của toàn quốc là 97,3% (cao hơn 1,3% so với mục tiêu của Đề án); Tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15-35 của toàn quốc là 98,5% (cao hơn 0,5% so với mục tiêu của Đề án). Số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại là 83,9% (cao hơn 3,9% so với mục tiêu của Đề án). Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tương ứng là 94,6% (cao hơn 2,6% so với mục tiêu của Đề án) và 97,0% (cao hơn 7,0% so với mục tiêu của Đề án). 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,8% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ.

Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố (100%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 12 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; 63/63 tỉnh, thành phố (100%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Bên cạnh việc củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, các địa phương đã đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tính đến thời điểm tháng 12/2015, toàn quốc đã có 37/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi…

Bên cạnh đó, số cán bộ, công chức, viên chức tham gia chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt 81,2% (cao hơn 1,2% so với mục tiêu của Đề án). Số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 31,2% (cao hơn 11,2% so với mục tiêu của Đề án). Số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 3 đạt 9,9% (cao hơn 4,9% so với mục tiêu của Đề án). Số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa đạt 43,7%.

Kết quả giáo dục kỹ năng sống, trong 3 năm qua, tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống tăng nhanh theo từng năm. Số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ 72,6%; gần 25% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các lớp giáo dục kỹ năng sống do các cơ sở giáo dục tổ chức.

Đánh giá 3 năm triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, kết quả đạt được đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động và mọi tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, để duy trì bền vững các thành tựu đã đạt được và phát triển hơn nữa, Thứ trưởng cũng cho rằng: Các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện mạnh mẽ Đề án gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cần tập trung đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; đa dạng hóa các hình thức học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Các địa phương cần huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng chính sách để tạo nguồn kinh phí nhằm thực hiện công tác xây dựng xã hội học tập; đổi mới hoạt động thư viện trường học, thư viện công cộng; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm khuyến khích học sinh đọc sách; rèn luyện thói quen đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc…

Phương Linh