Luật chưa minh bạch thì chưa được thông qua
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu Luật Tiếp cận thông tin không giải quyết được vấn đề thông tin nào được tiếp cận thì không có giá trị. “Từ nay cho đến tháng 3 cần sắp xếp lại chứ tôi thấy như thế là Luật không minh bạch. Cần rà lại để đưa vào Luật. Làm không kịp thì kỳ họp 11 diễn ra vào tháng 3 tới chưa thông qua”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc
Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN).
Ngày 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Theo ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, qua thảo luận còn 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp. Loại ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo Luật quy định thông tin phải cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính khả thi của Luật.
“Ngăn sông cấm chợ” là không phù hợp
Về thông tin được cung cấp, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, qua thảo luận còn 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp. Theo đó cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Có như vậy mới thực sự bảo đảm và tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Bởi, người dân sống ở địa bàn cơ sở tại xã, phường, thị trấn, trong khi đó nhiều trường hợp việc ban hành văn bản tạo ra nguồn thông tin là của cấp trên cơ sở, nếu quy định chỉ cơ quan tạo ra thông tin mới có trách nhiệm cung cấp thì sẽ hạn chế việc tiếp cận, gây thủ tục phiền hà, tốn kém cho công dân.
"Ví dụ, theo quy định này thì mặc dù Bộ trưởng ban hành văn bản, còn các cơ quan thuộc ngành ở cấp tỉnh, cấp huyện gần với dân hơn cũng không được cung cấp thông tin vì lý do không phải là thông tin do mình tạo ra. Ý kiến này cho rằng, điều quan trọng là cần làm rõ loại thông tin cơ quan nắm giữ; đồng thời, có hình thức, tổ chức, bố trí thực hiện việc cung cấp thông tin cho người dân cho phù hợp nhằm bảo đảm hiệu quả quyền tiếp cận thông tin của công dân”-ông Lý đưa ra dẫn chứng.
Loại ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo Luật quy định thông tin phải cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính khả thi của Luật; riêng đối với UBND xã do là đơn vị cơ sở, gắn bó trực tiếp với người dân thì phải cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc thông tin do mình nắm giữ. Đối với cơ quan khác của Nhà nước, trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng thì người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nắm giữ.
Ông Lý cho biết: Ủy ban Pháp luật bày tỏ quan điểm tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ, nếu quy định không rõ thông tin nào được cung cấp thì quyền tiếp cận thông tin của người dân bị ảnh hưởng. Người dân tới trường học hay bệnh viện hỏi học phí và viện phí thì phải trả lời cho người ta. Hay quy định chính quyền xã phường chỉ cung cấp thông tin cho người cư trú ở đó là vô lý.
“Vì một người dân họ muốn mua một mảnh đất tại đó, nhưng lại không được cung cấp thông tin về mảnh đất đó vì họ không phải người cư trú ở đấy. Chúng ta chỉ cần yêu cầu họ xuất trình CMND thì cung cấp thông tin cho họ. Ngăn sông cấm chợ là không phù hợp với đời sống hiện đại”-bà Mai giãi bày.
Dưới góc độ là cơ quan thẩm tra, ông Phan Trung Lý phân tích sâu thêm: Luật Phòng, chống tham nhũng có hẳn 1 chương riêng cần công khai thông tin, hay Luật Ngân sách và Luật Đất đai cũng vậy. Cấm cái gì thì phải quy định cho rõ? cần quy định rõ thông tin nào được tiếp cận? thông tin nào không được tiếp cận? Bộ Tư pháp là cơ quan soạn thảo kiên trì quan điểm chỉ cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho người dân, nhưng quan điểm của chúng tôi cũng như các ĐBQH là cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước thì người dân có quyền hỏi anh sử dụng ngân sách như thế nào?.
Để cửa cho người ta đóng dấu mật thì làm gì có ý nghĩa
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quan trọng nhất là thông tin nào được tiếp cận? Thông tin nào bị hạn chế? Thông tin nào không được tiếp cận thì phải quy định vào Luật này. Nếu Luật không giải quyết được vấn đề thông tin nào được tiếp cận thì không có giá trị. “Từ nay cho đến tháng 3 cần sắp xếp lại chứ tôi thấy như thế là Luật không minh bạch. Cần rà lại để đưa vào Luật. Làm không kịp thì kỳ họp 11 diễn ra vào tháng 3 tới chưa thông qua”.
Khi giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, thông tin nào cần công khai cho người dân sẽ cố gắng rà soát lại để cụ thể. Tất cả các nước khi nói tài liệu mật đều có giải mật, Luật này cũng nói tất cả tài liệu đã được giải mật thì công dân được quyền tiếp cận. Còn giải mật như thế nào thì liên quan đến Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Còn thông tin bí mật nhà nước cũng có quyền tiếp cận nhưng ở phạm vi hẹp hơn, không phải công dân nào cũng có thể tiếp cận. Ví dụ như cán bộ nhà nước được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì sẽ được tiếp cận, nhưng tiếp cận trong phạm vi nào? Mức độ nào? Cách tiếp cận ra làm sao thì phải theo quy trình? Trước khi cung cấp thì cần xin ý kiến cơ quan phụ trách thông tin đó, cái nào được tiếp cận, cái nào không.
Tuy nhiên ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội ngắt lời và nêu rõ: Để cửa cho người ta đóng dấu mật thì làm gì có ý nghĩa nữa. Ví dụ thông tin quân sự, công an, tình báo thì ghi rõ vào đây. Mật nghĩa là cấm tiếp cận thông tin, còn các cái khác phải để người dân được tiếp cận.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, quyền tiếp cận thông tin là quyền của công dân, quyền con người. Vậy tiếp cận như thế nào thì cần quy định rõ ngay trong Luật. “Ví như trong kinh doanh cũng có cái cấm, có cái hạn chế, có cái được phép kinh doanh. Do đó người dân có quyền tiếp cận thông tin ra sao? Làm sao để mang tính khả thi trong cuộc sống, đề ra mà không làm được thì người dân không có niềm tin”-ông Hiền nói.
Thông qua Nghị quyết công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trình bày tờ trình Về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, về căn cứ pháp lý, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 105/2015/QH13 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia, trong đó có ghi: “Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến là chủ nhật, ngày 22-5-2016” và “Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử”. Theo bà Nương, Nghị quyết ban hành vào thời điểm này là phù hợp với quy định tại Điều 5 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân: Ngày bầu cử được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo Nghị quyết này, Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là Chủ nhật, ngày 22-5- 2016. “Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan theo trách nhiệm tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân”-Nghị quyết nêu rõ. T. Dương |