Thực phẩm Tết trông chờ vào... đạo đức kinh doanh

Nguyễn Thúy Hạnh 15/01/2016 01:09

Theo kết quả thống kê của BV Bạch Mai năm 2014, số lượng bệnh nhân ung thư gia tăng và số người chết hàng năm do ung thư lên tới 73,5% , chiếm khoảng 82.000 người/năm. Số liệu này cho thấy mức độ và tỷ lệ người bị mắc bệnh ung thư của Việt Nam là rất cao, đang đứng thứ 2 trên thế giới khi tỷ lệ tử vong trung bình do ung thư của thế giới chỉ chiếm 59,7%. 

Các loại bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam là ung thư phổi, vú, đại tràng, dạ dày, gan, tử cung, cổ tử cung, thực quản, ung thư máu, buồng trứng… Theo báo cáo của Viện Phòng chống ung thư Việt Nam thì nguyên nhân dẫn đến hiện tượng người Việt Nam mắc bệnh ung thư cao là do ăn uống, chủ yếu là do các chất độc có trong thực phẩm hàng ngày. Vấn đề này đã được báo động từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm.

Trong thời gian vừa qua, trên nhiều địa bàn của nước ta đã xảy ra nhiều vụ buôn bán nội tạng động vật không rõ nguồn gốc. Các chuyên gia cho biết số lượng bị thu giữ trên không đáng kể bằng số lượng đã tiêu thụ. Đây vẫn là nỗi lo của người dân vào mỗi dịp giáp Tết, bởi vì mỗi dịp Tết Nguyên đán là nhu cầu tiêu thụ thực phẩm động vật ngày càng tăng cao, gấp 5-10 lần so với ngày thường.

Tại một số chợ ở Hàng Buồm (Hà Nội), nơi tập trung nhiều mặt hàng bánh mứt kẹo cho thấy nhiều loại sản phẩm của họ được đóng trong các bao nilon, bao tải trong tình trạng không nhãn mác, không xuất xứ, không ngày sử dụng. Bên cạnh đó các sản phẩm giò chả được sản xuất theo kiểu thủ công nhỏ lẻ, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng khó kiểm soát.

Thậm chí trong các siêu thị lớn còn có nhiều thực phẩm được đựng trong các túi nilon có gắn mác “sạch” nhưng lại là những sản phẩm không… “sạch”. trong nước “cung không đủ cầu” nên các sản phẩm của nước ngoài (Trung Quốc) càng có cơ hội ồ ạt tràn vào Việt Nam mỗi dịp Tết đến.

Các sản phẩm chứa chất phụ gia hoặc các hóa chất tạo phẩm màu là những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư của nước ta. Việc sử dụng chất vàng ô và Salbutamon trong thức ăn chăn nuôi hay việc “tắm” hóa chất dầu nhớt cho rau muống trong thời gian gần đây cũng đang trở thành vấn nạn gây hoang mang cho người tiêu dùng. Từ những tồn đọng này mà rất cần thiết phải có những cam kết rõ ràng về quy ước đạo đức cho kĩ nghệ thực phẩm.

Để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ Tết Nguyên đán, các đoàn thanh tra liên ngành giữa các Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan được thành lập, nhằm mục đích kiểm tra sát sao các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết. Vì vậy mà “an toàn thực phẩm” luôn là vấn đề nóng, nhạy cảm trong các bữa ăn hàng ngày và trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh việc kiểm tra đánh giá chất lượng thực phẩm hàng ngày thì việc nâng cao đạo đức kinh doanh cũng là một việc không kém phần quan trọng trong việc giữ an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết.

Đạo đức kinh doanh chính là yếu tố nền tảng cho sự tin tưởng của người tiêu dùng vào các doanh nghiệp và sản phẩm tiêu dùng của họ. Đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người thì chuẩn mực đạo đức càng phải yêu cầu nghiêm ngặt. Khi đạo đức kinh doanh bị suy thoái và lợi ích cá nhân lấn lướt sẽ mang lại những hậu quả khôn lường.

Nghiêm trọng nhất là các vấn đề liên quan đến sinh mạng con người. Vì vậy, sức khỏe của cộng đồng ngày càng cần phải được bảo vệ để tránh khỏi những con người đặt lợi ích của cá nhân họ lên trên hết.

Nguyễn Thúy Hạnh