Chuông báo động sự vô cảm lại rung
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của học sinh, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách giáo dục từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.
Clip 4 học sinh lớp 7 (Trường THCS Trần Phú- Huế) đánh hội đồng bạn gái ngay tại trường học mới được tung lên mạng mấy ngày gần đây lại khiến nhiều người phẫn nộ. Một lần nữa, tiếng chuông báo động về sự vô cảm lại được rung lên, đặc biệt đối với giới trẻ khi trận đánh đấm nặng nề giáng tới tấp lên đầu nạn nhân là người bạn hằng ngày học chung lớp, chung trường với mình, gần chục học sinh nam nữ xung quanh vẫn vỗ tay cổ vũ reo hò, không hề ngăn cản.
Đau đớn hơn cả là khi chỉ có duy nhất một nữ học sinh đứng ra can ngăn thì ngay sau đó vài ngày, nữ sinh dũng cảm và có lương tâm này cũng bị nhóm bạo hành vây đánh để “dằn mặt”.
Dường như thói “ giang hồ” đã len lỏi vào đến giảng đường, làm hoen ố tâm hồn trong trắng, thơ ngây của tuổi niên thiếu. Điều này nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tạo điều kiện cho cái xấu vươn lên, có đất sống trong môi trường giáo dục – nơi xưa nay vẫn được xem là lành mạnh nhất.
Nhiều bậc phụ huynh đã thốt lên đau đớn thương xót cho học sinh bị đánh trong clip và lo lắng tột cùng cho con cái mình đang học tại nhà trường. Bất kể lúc nào chúng cũng có thể quy kết vào cái tội nhìn đểu, không xin lỗi, không làm hộ … - nguyên nhân để những đám học sinh “ anh chị” gây sự. Đối mặt với tình trạng bạo lực học đường, nhiều bậc phụ huynh đã cho con đi học võ để nâng cao sức khỏe và trang bị cho con sự đề kháng trước bạo lực.
Song điều mà dư luận lo lắng là giá trị đạo đức trong học sinh đang bị xói mòn bởi tư tưởng thực dụng dẫn đến “thói vô cảm”. Tình trạng lớp trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều em có xu hướng chạy theo lối sống hưởng thụ mà bỏ qua những giá trị đạo đức là nền tảng cốt yếu của con người.
Nhiều thanh thiếu niên dường như không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, không hề phẫn nộ, bất bình trước những bất công, những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Không thiếu em hầu như dửng dưng, vô tình trước cuộc sống của người khác, của bạn bè, thậm chí là với cả những người thân trong gia đình. Và trong cuộc sống có không ít kẻ gặp người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ nhưng thì bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí có kẻ không những chẳng cứu giúp nạn nhân mà còn lợi dụng cơ hội tìm cách lấy cắp tiền của người ta.
Vấn đề vô cảm trong xã hội hiện nay đang là thách thức cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Điều cốt lõi theo TS Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội thì nhà trường phải lên án để những người đứng xem thấy được thiếu sót của mình, người đánh nhau vì sao làm như vậy và người thản nhiên đứng quay clip là vô cảm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của học sinh, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách giáo dục từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tấm lòng ấy với lứa tuổi học trò ở trường chỉ đơn giản là kính thầy, yêu bạn. Về nhà là kính trọng mẹ cha, yêu thương người thân. Những điều ấm áp ấy trước khi dạy dỗ lớp trẻ cần cho chúng cảm nhận. Khi được yêu thương chúng sẽ biết yêu thương và quan tâm tới người khác.