Khó như quản lý tiền công đức
Bộ VHTT&DL vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016. Đặc biệt trong đó có việc minh bạch tiền công đức. Đây là những trăn trở cũ trước một mùa lễ hội mới đang về. Câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu có quản lý và minh bạch được tiền công đức hay không?
Chùa Hương mùa lễ hội. Ảnh tư liệu.
Loay hoay với tiền công đức
Việc nghiên cứu quy chế quản lý tiền công đức thực chất đã được Bộ VHTT&DL đưa ra bàn bạc từ năm 2012 nhân dịp một hội nghị sơ kết công tác quản lý lễ hội. Cách đây 4 năm, lý do được đưa ra là do chưa thống nhất việc phân cấp quản lý các di tích, nơi thờ tự vì thế tại mỗi địa phương khác nhau việc thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu cũng được thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Dẫu vậy, ở thời điểm này một số địa phương đã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý di tích, nhưng tiền công đức- giọt dầu cũng không nhờ đó mà minh bạch hơn.
Theo đại diện Thanh tra Bộ VHTT&DL, lâu nay chính mô hình quản lý không thống nhất này dẫn đến sự không thống nhất trong chia sẻ quyền lợi. Mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý, vì vậy, tiền công đức ở mỗi di tích nơi do cá nhân tự thu - chi, nơi do nhiều cấp thu và quản lý, tiền thu được chia theo những phần trăm khác nhau. Âu cũng bởi những cách làm khác trong, trong đó có sáng kiến “khoán” thu tiền công đức ở một vài địa phương.
Ở thời điểm 4 năm trước, bàn về việc ra một qui chế quản lý tiền công đức, Bộ VHTT&DL cho hay điều này không có nghĩa là nhà nước sẽ quản lý, thu tiền công đức, tiền giọt dầu của nhân dân mà chỉ nhằm mục đích định hướng, hướng dẫn cách quản lý, sử dụng tiền công đức minh bạch, đúng mục đích, tránh vụ lợi cá nhân. Bộ VHTT&DL giao Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện đề án nghiên cứu quản lý tiền công đức trong các di tích, đền chùa, nơi thờ tự. Thế nhưng chính bản thân những người được giao nhiệm vụ cũng nhìn rõ cái sự “tiến thoái lưỡng nan” trong việc quản lý tiền công đức, bởi cái khó hiện nay là quan điểm xử lý vấn đề. Theo các chuyên gia văn hóa: Công đức là vấn đề nhạy cảm và chưa hề được xử lý ở bình diện quản lý nhà nước. Cần phải xác định rõ bản chất câu chuyện quản lý ở đây là không làm khó dân mà tạo hành lang pháp lý cho mọi tổ chức, cá nhân khi công đức, hay các cơ sở nhận công đức đều rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, góp phần bảo tồn di tích và tổ chức lễ hội trên một tinh thần minh bạch, hiệu quả, cân bằng lợi ích của các bên liên quan.
Hơn thế, tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định rõ: “Nguồn thu từ công đức, tài trợ cho cơ sở và nguồn thu khác thu được từ việc tổ chức lễ hội của cơ sở tôn giáo đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phải được công khai trong Ban quản lý di tích. Nguồn thu này được sử dụng để phục vụ cho việc quản lý, tu bổ di tích, hoạt động tôn giáo và đảm bảo đời sống bình thường của chức sắc, nhà tu hành tại cơ sở đó”.
Minh bạch, khó lắm thay
Vậy trong cái sự không đơn giản ấy, muốn minh bạch tiền công đức, phải bắt đầu từ đâu? Đơn cử như Quảng Ninh là địa phương có nhiều lễ hội, với qui mô, sức ảnh hưởng lớn; hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh dày đặc, phân bố ở các địa phương trong toàn tỉnh, mới đây địa phương này đã chủ động xây dựng Qui định phân cấp quản lý di tích, danh thắng, lễ hội- với kỳ vọng sẽ góp phần quản lý tốt hơn tiền công đức. Nhưng chính người từng tham gia đóng góp cho dự thảo qui định nói trên cũng vẫn thấy băn khoăn rằng trong đó chưa nêu rõ trách nhiệm của BQL di tích các cấp trong việc quản lý các nguồn thu công đức, tiền giọt dầu...
Trên thực tế, chuyện đặt hòm công đức và sử dụng tiền công đức sao cho hợp lý đã được bàn nhiều. Năm 2010, Bộ VHTT&DL đã ban hành Chỉ thị 16/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích, trong đó quy định rõ: “Mỗi di tích chỉ nên đặt một hoặc tối đa ba hòm công đức”. Dẫu vậy, thực tế cũng cho thấy hầu như không một di tích nào thực hiện qui định này. Không những hòm công đức được đặt nhiều quá mức so với qui định, mà nhiều nơi để tồn tại tình trạng tù mù tiền công đức kéo dài trong nhiều năm.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết mùa lễ hội năm 2015 và bàn phương hướng cho mùa lễ hội năm 2016, một trong những nhiệm vụ cụ thể cũng đã được Bộ VHTT&DL nhấn mạnh rằng: Phải sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích…
Nhưng thực sự việc quản lý và minh bạch tiền công đức không đơn giản. Thực hiện văn minh trong lễ hội có lẽ cần bắt đầu từ ý thức người đi lễ, để ngay cả việc công đức tiền lẻ cũng phải đúng nơi qui định. Tiếp đó là sự kiên quyết của các BQL di tích, danh thắng. Đơn cử như câu chuyện về một ngôi chùa chưa bao giờ đặt hòm công đức, trái ngược hẳn với chuyện hòm công đức đặt nhan nhản ở hầu khắp các di tích hiện nay. Đó là chùa Tiêu (Bắc Ninh). Đây có lẽ cũng là một câu chuyện hiếm có giữa đời thường- khi mà hiện nay các lễ hội và một số di tích lịch sử đang nhuốm màu thị trường khiến các cơ quan quản lý đau đầu. Vậy tiền đâu để tu bổ chùa? Sư trụ trì chùa Tiêu đã bộc bạch: Gác chuông, nhà khách, nhà Tổ… vẫn được tu bổ và xây mới khang trang như hiện nay là do những lần phát tâm tự nguyện. Mỗi lần sửa chữa hay xây dựng, nhà chùa báo cáo với địa phương kế hoạch, lễ phát tâm gọn gàng đơn giản, dù một li một lai của những người tự tâm đóng góp nhà chùa đều nhận. Và nhà chùa cũng chỉ nhận tiền đủ làm, sau đó kính cáo hết thời hạn công đức.
Phối hợp chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội
Bộ VHTT&DL vừa có Công văn số 93/BVHTTDL-VHCS (ngày 13-1-2016) gửi Ban Tuyên giáo Trung ương; UBTƯ MTTQ Việt Nam; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tổ chức chính trị - xã hội về phối hợp chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó, Bộ VHTT&DL đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ đạo UB MTTQ 63 tỉnh/thành tích cực tham gia, phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.