Lễ khánh hạ chùa Hoằng Phúc
Giữa tiết trời đón xuân, mưa bụi lất phất bay, tại vùng đất thiêng Thuận Trạch (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) sáng nay, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình và Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Đại lễ khánh hạ chùa Hoằng Phúc, một trong những đại danh lam cổ nhất ở vùng đất Quảng Bình và đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Các vị hòa thượng tại buổi lễ.
Chùa Hoằng Phúc là một công trình kiến trúc tâm linh, có chiều dài lịch sử hơn 715 năm, tọa lạc trên vùng đất thiêng. Khi chúa Nguyễn Phúc Chu vào viếng thăm chùa đã đề tặng bức hoành phi “Vô song phúc địa”, tức là vùng đất phúc, đất thiêng.
Hoằng Phúc cổ tự
Nằm bên hữu ngạn sông Kiến Giang, chùa Hoằng Phúc khởi thủy từ am thờ Phật mang tên Tri Kiến am. Bởi ngày trước, từ hói Quy Hậu, ngược theo bờ phải sông Kiến Giang về phía đông là địa phận Tri Kiến, huyện Nha Nghi, thời Lý Trần. Am này ở trong địa phận Tri Kiến nên mang tên này. Sau đó, chùa có tên là Kính Thiên hoặc chùa Quan (vì do một vị quan là nhà sư được vua giao cho phụng sự chùa, gọi là tăng quan).
Sử sách ghi lại, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du Chiêm Thành, ghé qua châu Lâm Bình, đến tu tập tại am thờ Phật mang tên Tri Kiến, nay là chùa Hoằng Phúc (có nghĩa là phúc sâu đậm), ở phường Thuận Trạch.
Cuốn Ô Châu cận lục của Tiến sỹ Dương Văn An (năm 1555) khi viết về chùa Hoằng Phúc, có đoạn: "Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa, thôn xóm chẳng xa nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng gà gáy, chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng nghìn cân, có tăng quan và người quét dọn, bốn mùa phụng thờ. Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi".
Trong Từ điển Di tích văn hóa Việt Nam, khi đề cập đến chùa Hoằng Phúc cũng đã dẫn lời trong Ô Châu cận lục, mô tả thêm một số chi tiết rất hấp dẫn như sau: "Giữa nơi nước biếc vờn quanh, non xanh bao bọc nổi lên một ngôi sơn tự. Nhà phương trượng và các trai phòng san sát... Xưa có tăng quan trụ trì và được cấp sái phu để phụng sự" (sái phu tức là người quét dọn).
Theo các sách Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí hoặc Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Quảng Bình thắng tích lục của Trần Kinh và Nguyễn Kim Chi biên soạn cho biết nhiều chi tiết có giá trị về ngôi chùa Hoằng Phúc, đặc biệt là những lần các vị vua, chúa Nguyễn viếng thăm, đề thơ vịnh và nhiều lần cho trùng tu lại chùa này.
Đó là vào năm Kỷ Dậu (1609), chúa tiên Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa Kính Thiên trên nền cũ. Năm Bính Thân (1716), chúa hiền Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa cho tu sửa lại, ngự đề hai bức hoành biểu Kính Thiên tự và Vô song phúc địa và 5 bức đối liễn treo ở chùa.
Một góc chùa Hoằng Phúc vừa được phục dựng.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ghé thăm chùa, cho đổi tên chùa thành "Hoằng Phúc tự". Năm 1823 và 1826, với ngụ ý danh sơn thắng tích không nên để vùi lấp mất đi, huống chi đây là nơi đức Hoằng tổ ta vì dân cầu phúc nên vua đã xuất hàng trăm ngân lượng để tu sửa lại chùa.
Năm Nhâm Dần (1842), vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, có Đức ông Tùng Thiện quận vương tháp tùng đến thăm chùa Hoằng Phúc đã cấp cho chùa hàng trăm lạng bạc để trùng tu.
Tại đây, nhà vua và quận vương có đề thơ vịnh cảnh chùa, ca ngợi thắng tích. Bài thơ của vua bằng chữ Hán của vua Thiệu Trị (được dịch như sau): "Thanh tịnh như không tuyệt khôn cùng/ Nệ gì sáng tối có như không/ Tượng vàng chói lọi ngôi khuê tỏ/ Áo vải nghiêm trang vẻ "lạc" lòng/ Muôn hóa cành đào kinh lẫn kệ/ Nghìn thu ơn nước khánh và chuông/ Mong đầy quả phúc muôn loài thỏa/ Phật nhật thêm ngời để đạo hưng".
Những báu vật còn lại của chùa
Qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chùa Hoằng Phúc bị tàn phá, hư hỏng hầu như toàn bộ. Chỉ còn lại chiếc cổng Tam quan và một đoạn tường phủ rêu xanh.
Ngoài ra, chùa còn lưu giữ thờ tượng Quan Thế âm Bồ tát, Địa tạng Vương Bồ tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc và chạm trỗ rất tinh xảo.
Điều đặc biệt là Đại hồng chung (chuông lớn) của chùa được đúc vào thời vua Minh Mạng năm thứ 20 (năm 1839) được bảo vệ cho đến ngày nay. Quả chuông có chiều cao toàn bộ là 1,1 mét, đường kính 0,5m. Tai treo chuông được chạm nổi hai con rồng, miệng ngậm ngọc. Thân chuông có khắc tỉ mỉ hoa văn cách điệu và có 4 núm tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; đồng thời khắc 4 chữ hán Hoằng Phúc linh chung.
Và bài minh Hoằng Phúc hồng chung minh ký với nội dung: Nhân lễ hội tịnh độ (lễ cầu siêu cho vong hồn người chết, đồng thời cầu phúc cho mọi người), dân chúng Thuận Trạch đã cùng nhau kiến tạo đúc ra quả chuông lớn, đặt tên là Hoằng Phúc linh thiêng để hoằng dương Phật pháp (tuyên dương truyền bá đạo Phật) nhằm mục đích khuyến thiện, tiêu ác. Bài minh được khắc vào ngày 27 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu vua Minh Mạng thứ 20 (1839). Tương truyền rằng, ngày xưa mỗi lần tiếng chuông chùa Hoằng Phúc được ngân lên thì ngân nga, vang vọng rất xa. “Tạnh trời chuông Trạm kêu xa/ Thấu vào Hạc Hải, băng qua nhà Hồ”.
Chùa Hoằng Phúc còn lưu giữ một báu vật mà từ trước đến nay, người dân địa phương đã gìn giữ và xem nó như là một minh chứng về sự đa dạng văn hóa, đó là “cửu long”. Báu vật “cửu long” có niên đại cùng với chùa Hoằng Phúc, được làm bằng gỗ, chạm khắc liên tiếp 9 con rồng, trong đó có 8 con rồng nhỏ và một con rồng lớn ở phía trên đỉnh, ở giữa có 1 tượng ngồi, từ đế “cửu long” lên đỉnh cao khoảng 2m...
Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều tượng phật như: Tượng phật Địa tạng làm bằng chất liệu đồng, trong tư thế ngồi thiền, chân xếp bằng, tay phải nắm lại để trước ngực, tay trái để ngã đặt trước bụng, mắt nhắm.
Tượng Thích ca sơ sinh diễn tả Phật Thích ca Mâu ni lúc mới sinh được đặt trên một đế gỗ, vành bao lam cửu long... và nhiều hoành phi, câu đối được người trông coi chùa giữ gìn cẩn thận.
Trong khuôn viên chùa Hoằng Phúc còn có một giếng nước sâu, tục gọi là giếng Phật, nước mát ngọt.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Hoằng Phúc là nơi các cán bộ, chiến sỹ cách mạng hội họp, là nơi che mắt kẻ thù, thu giấu vũ khí cho kháng chiến rất có hiệu quả. Ngày 1/6/2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích Văn hóa- Lịch sử cấp tỉnh.
Bức tranh “Trúc lâm đại sĩ trúc sơn chi đồ” được mô tả tại chùa Hoằng Phúc.
Niềm vui mới
Với ước nguyện để nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống lịch sử của quê hương, đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng của nhân dân nói chung và các Phật tử nói riêng, huyện Lệ Thủy đã có chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc.
Ngày 10/10 năm Giáp Ngọ (1/12/2014), chùa Hoằng Phúc đã được khởi công phục dựng, tôn tạo do Công đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư-Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ hơn 40 tỷ đồng. Tổng thể khu di tích được phục dựng và tôn tạo bao gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, tháp Phật, Tam bảo, nhà thờ Tổ, tả hữu hành lang, Am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác như: khu tăng xá, trai đường và công trình bếp...
Việc phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc có ý nghĩa rất lớn đối với huyện Lệ Thủy, sau khi chùa Hoằng Phúc khánh hạ sẽ là nơi tôn nghiêm để phụng thờ các đức Phật, hoằng dương Phật pháp, điểm đến của phật tử gần xa trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa của quê hương.
Dấu tích Cổng tam quan của chùa.
Đại lễ khánh hạ chùa Hoằng Phúc và đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Sáng ngày 16/1, tại xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình, Công đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã tổ chức đại lễ khánh hạ chùa Hoằng Phúc và đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trước đó, vào ngày 15/1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư-Phát triển Việt Nam, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ cung nghinh ngọc xá lợi đức Phật tổ về an vị tại chùa Hoằng Phúc.
Theo tâm niệm của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư-Phát triển Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar và đã có những đóng góp thiết thực với đất nước Myanmar, Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng 1 viên xá lợi của Phật tổ cho chùa Hoằng Phúc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy để đồng bào, tăng ni, phật tử chiêm bái và thờ phụng.
Ngọc xá lợi này được rước từ chùa Shwedagon (chùa Vàng), ở thành phố Yangon, là ngôi chùa lớn và linh thiêng nhất Myanmar.