Sống khổ bên nhà máy đường
Hàng chục năm nay, người dân xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang rất bức xúc vì phải sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Nhiều người cho rằng, thủ phạm chính là Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương (huyện Sơn Dương) gây ra. Trong khi đó, đại diện Cty này lại khẳng định các chỉ số bảo vệ môi trường trong giới hại cho phép. Vậy thực hư thế nào?
Cột khói trắng từ Cty cổ phần mía đường Sơn Dương.
Ô nhiễm kéo dài
Cty cổ phần mía đường Sơn Dương ra đời trong chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ, trên cơ sở Nông trường 26/3 Tuyên Quang được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho phép lập dự án khả thi đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy đường 1.000 tấn mía cây/ngày để thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Năm 1997, nhà máy mía đường của Cty chính thức hoạt động với sản lượng hàng nghìn tấn đường mỗi năm. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh trong quá trình sản xuất, do quá quan tâm đến lợi nhuận, Cty đã không chú ý đến khâu bảo vệ môi trường, từ đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Khi chúng tôi đến đây, đứng từ xa đã nhìn thấy cột khói trắng xóa ngùn ngụt tỏa ra, bao trùm cả khu vực rộng lớn. Kèm theo đó mùi khói khét lẹt, hôi thối nồng nặc khiến bất cứ ai đi qua cũng cảm thấy khó thở, tức ngực, buồn nôn.
“Không khí lúc nào cũng ngột ngạt, khó chịu. Nhà máy hoạt động suốt ngày đêm khiến người dân mất ăn, mất ngủ. Nhiều khi bưng cát cơm lên, gặp luồng gió từ nhà máy mía đường thổi về là không ăn nổi miếng cơm. Tội nghiệp nhất là các cháu nhỏ mới sinh ra đã phải sống trong khói bụi, ho sặc suốt cả ngày. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng sự hồi âm vẫn chỉ là im lặng”- chị Xuân, một người dân sống cạnh nhà máy mía đường ngao ngán nói.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực tập kết và xử lý nước thải của nhà máy đường đều là những ao hồ được đào đắp rất sơ sài. Dưới các hố chứa nước thải là dòng nước đen kịt bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bên cạnh đó, các chất bã thải từ hoạt động sản xuất mía đường vứt vương vãi khắp nơi trong nhà máy. Mặt hồ nước cũng một màu đen đục, có lẽ quá ô nhiễm nên toàn bộ số bèo tây trên hồ bị chết lụi. Hồ nước nằm gần đường dân sinh, ai qua đây cũng phải bịt mũi bước nhanh. Từ hồ nước này, dòng nước thải trực tiếp ra các mương máng thủy lợi dọc cánh đồng người dân canh tác.
Mặc dù lo lắng nguồn nước không đảm bảo, người dân vẫn phải lấy nước từ mương máng thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Mỗi khi lội ruộng hoặc rửa chân tay bằng nguồn nước này nhiều người ngứa ngáy chân tay, ghẻ lở còn gia súc, gia cầm thì còi cọc, chậm lớn...
Theo báo cáo quan trắc môi trường 6 tháng đầu năm 2015 của Cty cổ phần mía đường Sơn Dương có nêu: “Căn cứ kết quả quan trắc môi trường đợt I năm 2015 của Nhà máy mía đường Sơn Dương cho thấy, công tác xử lý nước thải của đơn vị vẫn còn những tồn tại hạn chế. Hầu hết hàm lượng các chỉ tiêu phân tích mẫu nước thải đầu vào hồ sinh học đều vượt quy chuẩn cho phép; BOD5 vượt 1,38 lần; NH4 vượt 1,18 lần; Fe vượt 1,36 lần; Coliform vượt 1,31 lần; TSS vượt 1,44 lần…”.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, quá trình vận chuyển mía đường của nhà máy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Hàng loạt xe ôtô chở mía quá tải chạy ầm ầm suốt ngày đêm tàn phá đường. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì lầy lội, trơn trượt.
Hồ chứa nước thải của Cty cổ phần mía đường Sơn Dương.
Cần sớm vào cuộc
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Việt Bắc- Phó Chủ tịch UBND xã Hào Phú cho biết sự việc hoàn toàn đúng như người dân phản ánh. “Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ sản xuất mía, khi Cty mía đường Sơn Dương xả nước xuống ao hồ là bèo tây chết hết. Bên cạnh đó, nhiều xe ôtô chở mía cho Cty quá khổ, quá tải, xe hết đăng kiểm đang ngày đêm cày nát tuyến đường của xã”- ông Bắc nhấn mạnh.
Trong khi người dân bức xúc về việc Cty mía đường gây ô nhiễm môi trường thì ông Trương Công Dũng- Phòng Kỹ thuật Cty cổ phần mía đường Sơn Dương lại cho rằng, theo Báo cáo quan trắc môi trường của Cty 6 tháng đầu năm 2015, các chỉ số về bảo vệ môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Chỉ tiêu Fe khi phân tích mẫu nước mặt gần khu vực nhà máy vượt quy chuẩn cho phép. Còn báo cáo quan trắc môi trường 6 tháng cuối năm 2015 chưa có.
Theo ông Dũng thì vụ sản xuất chính của Cty kéo dài đến hết tháng 4. Lý giải về việc tại sao bèo tây trong hồ nước thải chết hết, cán bộ phòng kỹ thuật của Cty này cho rằng bèo tây chết là do nước xả thải nóng của nhà máy gây ra. Khi nhà máy đi vào sản xuất thì bèo mới chết, không sản xuất thì bèo sống ngay. Còn nước trong hồ màu đen là do để lâu kiểu như ao tù.
Trả lời về vấn đề các xe ôtô chở mía quá khổ quá tải, ông Trương Công Dũng cho hay, Cty ký hợp đồng trực tiếp với các chủ xe ôtô của người dân, thuê vận chuyển mía từ đồng ruộng về đến nhà máy, khoảng 270 đầu xe ôtô các loại. Ông Dũng cũng thừa nhận có nhiều xe hết hạn đăng kiểm, quá khổ quá tải và phải nhờ mối quan hệ với một số cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thì mới lưu thông được.
Để có thông tin khách quan, chính xác nhất về công tác kiểm tra giám sát, chúng tôi đã liên hệ với Phòng TN&MT huyện Sơn Dương và Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì cả hai cơ quan này đều từ chối cung cấp thông tin.
Thiết nghĩ, ngoài việc nhanh chóng vào cuộc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Cty cổ phần mía đường Sơn Dương, ngành chức năng cũng cần kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải mía đường của công ty này.