Băn khoăn cổ phần hóa đại học
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt thực hiện cổ phần hóa (CPH) đối với Học viện Hàng không và Trường trung cấp nghề GTVT Thăng Long. Vấn đề này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Những người chủ trương CPH trường công cho rằng trường đại học cần được xem là một doanh nghiệp tri thức. Nhiều ý kiến khác lại phản đối. Vì sao vậy?
Còn nhiều vướng mắc với "cổ phần hóa đại học" (ảnh minh họa).
Tăng cường đóng góp của xã hội
Trả lời báo chí, ông Vũ Anh Minh- Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết về quy trình CPH trường học không có gì khác nhau so với một doanh nghiệp. Hình thức CPH các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay sẽ tạo ra những cơ hội cho nhà đầu tư, thành phần kinh tế khác tham gia vào sử dụng, tận dụng có hiệu quả toàn bộ nguồn lực của đơn vị sự nghiệp công lập đó gồm: nguồn lực hữu hình như tài sản, đất đai; nguồn lực vô hình như nhân lực, thương hiệu, thị trường… đang có.
Đồng thời, nhà đầu tư sẽ bổ sung các nguồn lực tài chính, thị trường, công nghệ, năng lực quản trị… để thúc đẩy đơn vị đó phát triển lên, tạo ra những sản phẩm dịch vụ tốt hơn, người dân được hưởng cái đó. Đó là mục tiêu cao cả nhất. Mục tiêu thứ hai là giảm áp lực ngân sách chi cho đơn vị sự nghiệp công lập đó. Thứ ba là giúp được một phần cho việc giảm biên chế.
Ủng hộ phân tích của đơn vị chủ quản, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho biết: Vấn đề CPH các trường đại học công đã được đưa ra xem xét năm 2007, với dự định chọn 15-20 trường làm thí điểm, như là một biện pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nhưng lúc đó dư luận chưa đồng thuận nên vấn đề này tam thời dừng lại. Nay, chủ trương này lại được đưa ra và Bộ GTVT là đơn vị tiên phong, nhằm giải quyết vấn đề ngân sách nhà nước không đủ sức bao cấp cho các trường công hiện nay.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, thực tế hiện nay, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các trường công chỉ đủ trang trải một nửa, phần còn lại là do nhà trường tìm kiếm từ các hoạt động khác, chủ yếu là đào tạo liên kết, tại chức... Bởi vậy mà thu nhập của giảng viên khá eo hẹp, họ phải vật lộn kiếm sống thay vì đầu tư cho giảng dạy và nghiên cứu.
Thêm nữa, lãnh đạo các trường là những công chức được Nhà nước bổ nhiệm không quá hai nhiệm kỳ, cho nên mọi hoạt động dường như đều mang tính chất ngắn hạn, hầu hết lãnh đạo các trường thường không thể tạo ra chuyển biến đáng kể chứ chưa nói đến đột phá.
Vì vậy, người ta kỳ vọng CPH trường công sẽ đem lại tầm nhìn dài hạn cho bộ phận lãnh đạo, nguồn sinh khí mới cho các trường, kích thích họ đáp ứng nhanh nhạy hơn với những đòi hỏi của xã hội.
Ông Trần Xuân Nhĩ phân tích: Cả nước có khoảng 450 trường đại học, cao đẳng. Trong đó chỉ có 9% là trường đại học ngoài công lập tự trang trải kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoạt động đào tạo và trả lương cho giảng viên. Còn lại khoảng 360 trường đại học, cao đẳng công lập hoạt động do nguồn kinh phí của Nhà nước nhưng nhiều trường hoạt động yếu. Hiện ngân sách dành cho giáo dục khoảng 20%, khó có khả năng tăng thêm. Điều này có nghĩa là, chúng ta phải lựa các phương án: Hoặc là tiếp tục duy trì các trường công trong tình trạng khó khăn hiện nay hoặc chỉ tập trung đầu tư cho một số ít trường đại học thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng hoặc đào tạo nguồn nhân lực đặc thù. Còn lại thì CPH nhằm tiết kiệm ngân sách, tăng cường sự đóng góp của xã hội.
Nói về những lo ngại của dư luận, ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Chúng ta phải chọn lọc những trường đạt đủ các tiêu chí về nguồn lực, có cổ đông tham gia trên cơ sở cùng hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo. Cần có Hội đồng thẩm định giá trị tài sản ban đầu của nhà trường để thực hiện việc bán cổ phần lần đầu theo hình thức đấu giá công khai và thỏa thuận trực tiếp. Ngoài ra, để giải quyết việc sinh viên nghèo sẽ đối diện với khó khăn về tài chính thì mỗi trường cần duy trì chính sách học bổng, miễn giảm học phí theo quy định.
Cơ quan Nhà nước có thể rút dần ngân sách và để các trường đại học tự lo kinh phí, trang trải chi tiêu khi thực hiện cổ phần hóa nhưng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập thì vẫn nên duy trì. Nhà nước có thể trực tiếp hỗ trợ người học mà không cần phải đi từ nhà trường tới sinh viên như trước đây.
Chông chênh phúc lợi và dịch vụ
Khá nhiều ý kiến to ra lo ngại về tính chất phúc lợi và dịch vụ của giáo dục sẽ như thế nào khi CPH? PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) không đồng tình việc CPH đại học công lập vì như vậy có thể biến tài sản của Nhà nước thành tài sản của tư nhân và chất lượng giáo dục có thể phụ thuộc rất lớn vào các nhà đầu tư. Ông cho rằng thay vì CPH Chính phủ có thể cho các trường được tự chủ tài chính. Phương pháp này cũng sẽ góp phần giảm ngân sách của Nhà nước đầu tư vào các trường đại học công lập.
Băn khoăn việc xác định tài sản của Nhà nước sẽ được quyết định như thế nào? Đất đai, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm sẽ được định giá theo tiêu chí nào; Thương hiệu, uy tín và cơ sở dữ liệu của một trường đại học có được đưa vào tài sản để bán đấu giá không? PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng: Cần phải có những khung pháp lý, quy định trách nhiệm ràng buộc rất rõ ràng. Khi thực hiện CPH, Nhà nước vẫn phải giữ 51% cổ phần chi phối. Còn lại 49% cổ phần là do cá nhân, tổ chức mua lại.
Nhà nước nắm giữ cổ phần là chính với quyền quyết định mọi hoạt động, chính sách của trường. GS Đinh Văn Sơn (Hiệu trưởng Đại học Thương mại) thì cho rằng: Việc thực hiện CPH trường ĐH phải hết sức thận trọng, phải làm từng bước, thí điểm, rút kinh nghiệm.
TS Nguyễn Văn Bao (Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc) cho biết, về cơ bản là ủng hộ quan điểm CPH. Việc này giúp các trường tích cực hơn, tự chủ hơn, trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, theo ông trong quá trình thực hiện phải có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ để việc CPH đạt hiệu quả tốt như mong muốn. Nếu làm không tốt thì tài sản nhà nước sẽ không được đảm bảo, sinh viên thiệt thòi.
Các trường đại học công lập nên thực hiện thí điểm ở những trường đại học lớn có uy tín trước. Còn các trường ở những vùng, miền khó khăn cả về kinh tế, văn hóa và giáo dục như trường chúng tôi (80% sinh viên là người dân tộc thiểu số) thì vẫn rất cần nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước sao cho phát triển kịp với các trường ở những tỉnh, thành phố lớn.
Cùng quan điểm của lãnh đạo một số trường đại học, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Thực ra, việc CPH đáng làm nhất là CPH các doanh nghiệp nhà nước nhưng việc này đang tiến hành chậm trễ. Còn trường đại học đâu có phải doanh nghiệp mà CPH? Chúng ta còn đang khuyến khích các trường đại học ngoài công lập hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, tức là trường không có đại hội cổ đông, những người tham gia hội đồng quản trị là những nhà chuyên môn, hội đồng quyết định mọi việc theo yêu cầu chuyên môn, chứ không phải theo phiếu của những cổ đông lớn; mà nay lại biến trường công thành doanh nghiệp tư nhân thì khuyến khích làm sao được sự phát triển mô hình phi lợi nhuận?
Chúng ta hiểu ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp, nhưng không thể vì thế mà “bán” cả trường ĐH. Ở mảnh đất hiếu học này, một người dân nghèo có thể nhịn ăn nhịn mặc, sống trong ống cống mấy năm trời để làm lụng nuôi con, chứ quyết không bán sách vở của con, không để con thất học. Nhà nước đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, thì cũng cần làm gương cho người dân, hay ít nhất cũng không thể thua kém người dân. Đó là chưa kể đến sự thất thoát có thể xảy ra khi CPH trường. Đối với những trường đại học có quá trình, có thành tựu thì danh tiếng của họ là tài sản vô hình, định giá không dễ. CPH không cẩn thận thì Nhà nước mất tài sản. Ngoài ra, thương mại hóa giáo dục cũng dễ dẫn đến việc mua bán bằng cấp.
GS Thuyết gợi ý, thay vì cho phép CPH đại học công, trong hoàn cảnh ngân sách khó khăn, Nhà nước nên tính toán đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh cào bằng. Cụ thể là nên đầu tư vào những ngành xã hội cần nhưng không mấy người muốn chọn học, ít người muốn đầu tư như thủy sản, nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, triết học, lịch sử, địa lý,... Còn với những ngành tự thân nó đã hấp dẫn, nhà đầu tư sẵn sàng mở trường, người đi học sẵn sàng đóng học phí cao để theo học thì Nhà nước không cần đầu tư nhiều. Nên theo hướng để các trường đại học tự chủ, tự quyết định mức học phí theo nhiệm vụ họ được giao.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện nghị quyết của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các nhà đầu tư mở thêm trường thêm lớp, kêu gọi sự đóng góp của xã hội thông qua học phí, nâng học phí lên để bù chi.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Người ta kỳ vọng cổ phần hóa trường công sẽ đem lại tầm nhìn dài hạn cho bộ phận lãnh đạo, nguồn sinh khí mới cho các trường, kích thích họ đáp ứng nhanh nhạy hơn với những đòi hỏi của xã hội. |