IS mở mặt trận mới ở châu Á
Hàng trăm công dân Indonesia, những người từng đến Syria và Iraq để đầu quân cho tổ chức khủng bố ma quỷ IS, được tự do trở về nước mà không gặp phải rào cản nào, mang theo những tư tưởng cực đoan lệch lạc và sẵn sàng “tử vì đạo”. Và hậu quả là, như thế giới đã chứng kiến trong tuần qua, chủ nghĩa khủng bố bắt đầu trỗi dậy ở nước này.
Cảnh sát Jakarta (Indonesia) trong vụ đấu súng với những kẻ khủng bố hôm 14/1.
Mở rộng hoạt động
Trong suốt 7 năm qua, Indonesia, quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới đã nỗ lực hết mình trong việc ngăn chặn những kẻ cực đoan tổ chức các vụ khủng bố lớn trong nước. Nhưng trong ngày 14/1 vừa qua, một vụ tấn công táo bạo đã xảy ra ngay giữa thủ đô Jakarta của nước này, hủy hoại mọi thành tựu mà lực lượng cảnh sát nước này từng tự hào: Sở hữu lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ và sự đa dạng tôn giáo.
Có ít nhất 5 kẻ cực đoan- một vài trong số đó được trang bị cả bom tự sát trên người, trong khi những kẻ khác cầm súng ngắn- đã tấn công ngay tại khu vực trước trung tâm mua sắm Sarinah, một quán cà phê Starbucks cùng một trạm cảnh sát trước khi đọ súng với cảnh sát trên đường tháo chạy. Vài giờ sau đó, khi làn khói từ các vụ nổ đã tan hết, 2 thường dân cùng một du khách Canada bị phát hiện thiệt mạng. 5 kẻ tấn công cũng bị tiêu diệt.
Chỉ ngay sau đó một ngày, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ việc, nói rằng chính “khối liên minh viễn chinh” đã khiến chúng phải đáp trả bằng cuộc tấn công chết chóc này. Trong những tuần ở thời điểm cuối năm 2015, IS đã liên tiếp gây ra những sự kiện đẫm máu như tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Paris (Pháp), Beirut (Lebanon), California (Mỹ), Afghanistan và Iraq. Và giờ đây, châu Á cũng dường như được tổ chức ma quỷ này thêm vào danh sách các vùng đất khủng bố của chúng.
Chính quyền Indonesia nói rằng vụ tấn công- chủ yếu dựa trên các vụ tấn công nhỏ lẻ hơn là tấn công diện rộng và sử dụng các loại vũ khí tối tân - lấy “cảm hứng” từ vụ thảm sát ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái, sự kiện từng khiến 130 người thiệt mạng. May mắn thay, vụ tấn công ở Jakarta chỉ gây nên tổn thất sinh mạng không đáng kể. Dù có 20 người bị thương, một số bị thương nặng, thì những kẻ tấn công bị chết vẫn nhiều hơn số thường dân thiệt mạng.
Tuy nhiên, thực tế rằng vụ tấn công trên vẫn diễn ra- dù cho lực lượng cảnh sát Indonesia đã biết trước về nguy cơ tấn công khủng bố gia tăng dựa trên thông tin tình báo của họ- cho thấy sức mạnh của IS cùng đội quân chiến binh hùng hậu, sẵn sàng “tử vì đạo” của chúng.
Vấn đề của một quốc gia
Kể từ khi vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở khu vực châu Á xảy ra ngày 12/10/2002 tại 2 khu nghỉ dưỡng trên đảo Bali khiến 202 người thiệt mạng mà phần lớn là du khách phương Tây, kéo theo một loạt vụ đánh bom tự sát khác cũng ở Bali hồi tháng 10-2005 khiến 23 người thiệt mạng; thì Indonesia phần lớn đã tránh được các vụ khủng bố lớn xảy ra trên đất nước họ.
Quốc gia lớn thứ 19 thế giới về mặt địa lý này bao gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ ở Đông nam Á, và là nước có dân số đông thứ 4 chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Dân số nước này hiện đang ở con số 265.278.532 người, và 86% trong số đó được xác nhận là người Hồi giáo, khiến Indonesia trở thành quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Và vấn đề cũng nảy sinh từ đó. Hiện nay cảnh sát Indonesia đã xác nhận được 500 công dân nước họ từng đến và chiến đấu cho tổ chức IS ở Iraq và Syria. Trong khi toàn thế giới đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố cực đoan Hồi giáo, thì chính phủ Indonesia đã nhận được sự ngợi khen của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực chống khủng bố suốt nhiều năm qua. Thế nhưng vụ tấn công hôm 14-1 vừa qua dường như đã làm đổ vỡ tất cả…
Khi phiến quân... về nước
Theo ước tính, hàng trăm công dân Indonesia từng gia nhập IS trên lãnh thổ Syria và đâu đó ở khu vực Trung Đông đã trở về quê hương. Hơn 50 công dân Indonesia đã bị thiệt mạng trong khi chiến đấu tại khu vực đó.
Bộ Ngoại giao Indonesia cho hay, trong năm 2015, có 210 công dân nước họ - có cả phụ nữ và trẻ em- đã bị trục xuất khỏi 6 quốc gia vì bị tình nghi cố gắng gia nhập lực lượng IS bằng cách đi qua một quốc gia thứ ba hoặc đã là thành viên của IS rồi. Hiện nay, quốc gia thường được những kẻ này chọn làm nước trung gian chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng Indonesia đến nay vẫn chưa có bộ luật nào ngăn chặn công dân của họ từng tham chiến ở nước ngoài trở về nước, bởi vậy mà những kẻ này- mang theo những kinh nghiệm chiến đấu và chế tạo bom từ chiến trường tự do trở về quê hương.
Hôm 14/1, cảnh sát trưởng thành phố Jakarta, ông Tito Karnivian đã nêu tên Nahrun Naim, kẻ từng là quản lý một quán cà phê ở thành phố Solo (Indonesia), là kẻ “cầm cân nảy mực” cho vụ tấn công nghiêm trọng vừa qua.
Cảnh sát tin rằng Naim giờ đang ở thành phố Raqqa, nơi được coi là thành trì của IS ở Syria, đã di chuyển tới khu vực Trung Đông từ đầu năm 2015 sau khi bỏ ra hơn 2 năm trong một nhà tù ở Indonesia vì tội danh sở hữu bũ khí bất hợp pháp.
Trong hôm 15/1, cảnh sát tiếp tục nêu đích danh 1 trong số 5 kẻ tấn công khủng bố, kẻ đã bị tiêu diệt sau khi thực hiện một cuộc tấn công khiến 2 người thiệt mạng và làm bị thương 24 người khác. Phiến quân này được xác nhận tên là Afif, còn có tên khác là Sunakim, xuất hiện trong một số bức ảnh đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Vào thời điểm đó, hắn được trang bị một khẩu súng ngắn, mặc quần jean và áo đen, sau lưng mang một ba-lô có chứa bom bên trong.
“Vụ tấn công hôm thứ Năm là một hồi chuông cảnh tỉnh”- ông Ansyaad Mbai, cựu giám đốc lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Indonesia, nhận định- “Những kẻ phiến quân ở Indonesia chả khác gì những kẻ khủng bố ở Paris bởi chúng có một điểm chung: Không sợ hiến mạng để tổ chức khủng bố”.