Iran hân hoan khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ
Iran dường như đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, Tổng thống nước này, ông Hassan Rouhani nói, chỉ vài giờ sau khi các lệnh cấm vận đối với Iran đã được gỡ bỏ sau khi Tehran tuân thủ các bước đi cần thiết của thỏa thuận hạt nhân và trả tự do cho 5 công dân Mỹ.
Trong suốt nhiều năm qua, người dân Iran đã hứng chịu
nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh cấm vận. (Nguồn: BBC).
Động thái diễn ra hôm 16/1 vừa qua sau khi cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân được ký kết hồi tháng 7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1, cho hay, Iran đã tuẩn thủ theo các điều khoản trong thỏa thuận nhằm ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong suốt nhiều năm qua, các lệnh trừng phat của LHQ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Iran. Đến nay, đa phần chính phủ các nước phương Tây đều hoan nghênh bước tiến mới này, duy chỉ có Israel cáo buộc chính quyền Tehran vẫn đang ấp ủ âm mưu chế tạo một quả bom nguyên tử.
“Bởi thiếu đi phản ứng phù hợp với mọi hành động vi phạm, mà Iran sẽ nhận ra rằng họ vẫn có thể tiếp tục phát triển các loại vũ khí hạt nhân, gây bất ổn trong khu vực và reo rắc chủ nghĩa khủng bố” - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Paul Ryan cũng chỉ trích động thái này, nói rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tiến tới gỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế “đối với nhà nước bảo trợ khủng bố hàng đầu của thế giới”.
Trước khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hồi năm ngoái, Iran đã có thừa lượng uranium đã làm giàu để chế tạo một quả bom nguyên tử chỉ trong vài tuần lễ nếu muốn, theo giới chuyên gia. Nhưng giờ đây, họ sẽ phải mất hơn một năm mới làm được điều đó, trong khi lại bị kiểm soát bởi các quan sát viên quốc tế.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 17/1 nói rằng, mọi người đều vui vẻ với thỏa thuận hạt nhân, ngoại trừ những kẻ mà ông gọi là “hiếu chiến” trong khu vực - ám chỉ đến Israel và các chính trị gia có quan điểm phản đối thỏa thuận này trong Quốc hội Mỹ.
“Người dân Iran chúng tôi hướng tới thế giới với một tín hiệu thân thiện, và để lại đằng sau đó những ngờ vực, âm mưu và sự thù hằn, mở ra một chương mới trong quan hệ của Iran với toàn thế giới” - ông Rouhani nói trong một bài phát biểu trước toàn dân sáng 17/1.
Ông thêm rằng, việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Iran là “một bước ngoặt” đối với nền kinh tế nước này, nói rằng thế giới cần có Iran để bớt phụ thuộc hơn vào nguồn lợi nhuận mà dầu mỏ đem lại.
Hiện nay, điều thế giới quan tâm nhất về việc gỡ bỏ cấm vận Iran chính là viễn cảnh nước này sẽ tăng gấp đôi lượng dầu mỏ xuất khẩu, đóng góp cho đà sụt giá thê thảm của giá dầu thế giới. Vào hôm 16/1 vừa qua, giá dầu Brent chỉ đạt mức 29 USD/thùng sau khi đóng cửa phiên giao dịch trong ngày.
Trong khi đó, động thái mới cũng ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu. Giá cổ phiếu ở Arab Saudi, thị trường cổ phiếu lớn nhất thế giới, đã giảm hơn 6%. Các thị trường ở Qatar và Dubai cũng giảm 6% trong hôm 17/1.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini nói rằng việc Iran tuần thủ thỏa thuận hạt nhân và việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với nước này sẽ góp phần cải thiện tình hình an ninh và hòa bình của khu vực cũng như quốc tế. Trong khi, ông Yukiya Amano, Giám đốc IAEA, đã có chuyến thăm Tehran trong hôm Chủ nhật vừa qua để tiếp tục thảo luận về công tác kiểm tra chương trình hạt nhân của nước này.
IAEA cho hay họ đã lắp đặt một thiết bị tại cơ sở hạt nhân Natanz nhằm kiểm soát các hoạt động làm giàu uranium của Iran, và nhằm xác nhận rằng mức độ làm giàu uranium được giữ ở dưới mức 3,67% theo thỏa thuận với các cường quốc. Thỏa thuận cũng yêu cầu Iran cần phải giảm số lượng lớn các lò ly tâm và gỡ bỏ một lò phản ứng nước nặng gần thị trấn Arak.
Trước đó, trong ngày 16/1, Iran đã trao trả tự do cho phóng viên của tờ Washington Post - Jason Rezaian cùng 3 tù nhân khác trong chương trình trao đổi tù nhân với phía Mỹ. Phóng viên Rezaian, 39 tuổi, từng bị bắt giam hồi tháng 11 năm ngoái do cáo buộc hoạt động tình báo.