Quản lý xuất bản: Siết lại cơ chế hậu kiểm

Minh Quang - Hạ Huyền 18/01/2016 09:50

Chưa bao giờ, câu chuyện của ngành xuất bản “nóng” như 2 năm qua khi có nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng sách bị dư luận phản ứng. Vậy cơ chế hậu kiểm như hiện nay đã hợp lý hay chưa? Cơ chế nào để quản lý hoạt động của các NXB… hiện vẫn đang là câu hỏi mà dư luận rất quan tâm. 

Quản lý xuất bản: Siết lại cơ chế hậu kiểm

Sách luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu. (Ảnh: Minh Quang)

Báo động nội dung sách

Từ những phân tích thực tiễn: với hàng chục ngàn đầu sách/năm Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin & Truyền thông) không thể kiểm duyệt xuể nội dung sách trước khi xuất bản, chính vì vậy mà Luật Xuất bản sửa đổi năm 2004 và năm 2012 đã qui định Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản, nhưng siết hậu kiểm khi ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị xuất bản trong quá trình thẩm định nội dung tác phẩm và thực hiện liên kết xuất bản.

Dẫu vậy, một thời gian quá dài các NXB được trao quá nhiều quyền, nên thị trường xuất bản đã thành ra nhốn nháo. Chất lượng sách, kể cả sách giáo dục cũng bị buông lỏng, khiến bạn đọc phải gánh chịu hậu quả. Theo thông tin từ Cục Xuất bản, in và phát hành, hiện chỉ khoảng hơn 10% số ấn phẩm được ấn phẩm được Cục kiểm duyệt nội dung hàng năm.

Và nguyên nhân của việc không đọc xuể sách phát hành là do thiếu nhân lực. Chính vì thế, mà chỉ tính riêng trong năm 2014- năm cao điểm về xử lý vi phạm xuất bản, nếu như số xuất bản phẩm Cục đọc hậu kiểm trong năm là 3.020, thì số vi phạm lên tới 234, chiếm 7,7%. Tính ra, cứ 100 xuất bản phẩm ra và chuẩn bị ra thị trường thì có tới 7,7 cuốn vi phạm.

Năm 2015, trong số những vi phạm trong lĩnh vực xuất bản được chỉ ra thì nổi cộm nhất vẫn là việc tồn tại nhiều cuốn sách có nội dung dễ gây kích động, thù hằn dân tộc, đưa ra những nhận định, đánh giá và xem xét lại cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là không đáng có hoặc như cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt”.

Với quan điểm sai lệch đó, nội dung của một số cuốn sách đã xóa nhòa ranh giới giữa cuộc kháng chiến chính nghĩa với các cuộc chiến tranh phi nghĩa khác. Ví dụ như các cuốn: “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”, “Chuyện nhà một thuở” (NXB Hội Nhà văn)… Hoặc có nhiều xuất bản phẩm phản ánh hiện thực xã hội một cách sai lệch, không khách quan, có những nhận định, đánh giá tiêu cực đối với một số vấn đề chính trị xã hội, không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Theo Cục Xuất bản, in và phát hành: Mặc dù nội dung các cuốn sách trên chưa đến mức phải thu hồi, song đây là điều đáng lo ngại trong diễn biến tư tưởng của một bộ phận sáng tác hiện nay, cũng như thể hiện sự thiếu nhạy bén về chính trị, thậm chí đồng quan điểm của một số biên tập viên, lãnh đạo NXB trong công tác biên tập, đọc duyệt nội dung.

Vấn đề này cần được cơ quan chủ quản giám sát chặt chẽ về phần nội dung xuất bản phẩm. Đồng thời, có phương án kiện toàn, bổ sung nhân sự lao động, nhân sự biên tập viên có chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị để thực hiện nhiệm vụ.

Cần sự cạnh tranh lành mạnh

Nhiều người cho rằng cơ chế hậu kiểm chỉ thích hợp và hiệu quả khi các NXB thực sự ý thức và tự giác trước mỗi xuất bản phẩm đã đăng ký với cơ quan quản lý. Không thể đỗi lỗi vì hoạt động khó khăn mà các NXB buông lỏng, phó mặc sách liên kết cho tư nhân. Thử đặt vấn đề ngược lại, nếu kiếm được bộn tiền từ xuất bản phẩm, thì việc kiểm soát sách và ấn phẩm liệu có được các NXB làm tốt hơn hiện nay không, hay việc thẩm định nội dung sách còn dễ dãi hơn hiện tại…

Trong bối cảnh đó, đã có nhiều ý kiến đề xuất nhà nước phải quản lý chặt thị trường xuất bản hơn thông qua các giải pháp như ban hành một chuẩn chất lượng. Cho dù thế vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc liệu như thế liệu có giúp giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế và xuất bản, thay vì cầu viện vào quyền lực của nhà nước, chúng ta có thể tích cực ủng hộ một thị trường xuất bản cạnh tranh lành mạnh. Song thị trường cũng không phải là cơ chế toàn mỹ, ngay cả nếu chúng ta phát triển được một hệ thống thị trường xuất bản cạnh tranh thì vẫn cần nhà nước đóng những vai trò tích cực để duy trì thị trường.

Đơn cử như việc xây dựng lại cơ chế kiểm duyệt trong Luật Xuất bản. Các NXB được trao quyền càng lớn, thì trách nhiệm càng cao. Nếu phát hiện vi phạm mà chỉ xử phạt hành chính như “gãi ngứa”, sẽ làm nhờn luật. Vì thế trước mắt bạn đọc đang trông đợi vào tính thực thi theo qui định của Cục Xuất bản, in và phát hành: Từ ngày 1/1 trong quá trình nộp lưu chiểu, hệ thống máy của Cục sẽ tự động từ chối những xuất bản phẩm mà Tổng biên tập, Giám đốc NXB và biên tập viên chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập. Khi đó, xuất bản phẩm sẽ không thể phát hành ra thị trường được.

Minh Quang - Hạ Huyền