Xã hội hóa trung tâm bảo trợ xã hội: Liệu có khả thi?
Theo chủ trương của Bộ LĐTB&XH, mục tiêu đến năm 2020 các trung tâm bảo trợ xã hội trên cả nước sẽ tự chủ được về nguồn kinh phí. Mục tiêu xã hội hóa các trung tâm bảo trợ xã hội không đơn giản là kêu gọi tấm lòng hảo tâm từ các cá nhân và tổ chức, mà còn biến các trung tâm chuyên biệt trở thành các đơn vị dịch vụ có thu. Tuy nhiên lộ trình này liệu có khả thi khi mà phần lớn các trung tâm vẫn còn vướng mắc về cơ chế hoạt động.
Chăm sóc người bệnh tại Trung tâm bảo trợ xã hội.
Vấn đề cấp thiết
Theo Bộ LĐTB&XH, hiện cả nước có tới gần 200 trung tâm bảo trợ xã hội công lập, trong đó có 45 trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp nuôi dưỡng người bị bệnh tâm thần và 26 trung tâm nuôi dưỡng người bị bệnh tâm thần chuyên biệt. Tuy nhiên phần lớn các trung tâm này chưa phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân do hoạt động chỉ dựa vào kinh phí nhà nước, trong khi số lao động tại một số trung tâm quá lớn. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh xã hội hóa các trung tâm bảo trợ xã hội đang là vấn đề cấp thiết, nhằm phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên có 75 lao động đang phục vụ gần 200 bệnh nhân tâm thần nặng, khó có khả năng phục hồi. Hiện ngân sách nhà nước cấp cho trung tâm được dựa trên số bệnh nhân là khoảng gần 1,3 triệu đồng/người. Thế nhưng với mức trợ cấp này chỉ duy trì được bữa ăn cho người bệnh đã khó chứ chưa nói đến việc nâng cao chất lượng bảo trợ xã hội.
Ông Dương Xuân Hưng- Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh Thái Nguyên phản ánh, theo quy định tiền thuốc cho mỗi bệnh nhân là 200.000 đồng/tháng tuy nhiên với mức này rất khó để trang trải giúp bệnh nhân điều trị bệnh, nhất là với những bệnh nan y. “Kinh phí hạn chế, đối tượng lại thuộc diện bảo trợ xã hội thì lấy đâu ra kinh phí, chính vì vậy có tháng bệnh nhân tăng đột biến thì lại lấy từ người này bù trù sang người kia”- ông Hưng nói.
Theo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH), mạng lưới các cơ sở BTXH hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho số đối tượng ngày càng tăng. Cơ sở vật chất của nhiều đơn vị được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn thiếu. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở BTXH có chức năng chủ yếu là nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu, chăm sóc, trợ giúp và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng…
Còn nhiều băn khoăn
Không thể phủ nhận rằng, trong thời gian qua, hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội đã phát huy vai trò của mình, nuôi dưỡng, chăm sóc cho nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc đổi mới hệ thống các cơ sở này đang là vấn đề cấp thiết, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và tạo ra sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các trung tâm.
“Mỗi năm ngân sách Nhà nước dành khoảng 300 tỷ đồng cho các trung tâm bảo trợ xã hội. Do đó, dù có vận động thêm được các khoản khác, tính trung bình mỗi một đối tượng chỉ được hưởng 1 triệu đồng/tháng. Nếu thực hiện xã hội hóa thì các trung tâm sẽ tự chủ được kinh phí còn số tiền từ ngân sách Nhà nước sẽ được dành cho các đối tượng nghèo, yếu thế, không phân biệt là công lập hay ngoài công lập”- ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Bộ LĐTB&XH cho biết.
Cũng theo ông Hồi, theo chủ trương thì năm 2016 các trung tâm sẽ tự chủ kinh phí chăm sóc và trợ giúp đối tượng; năm 2017 tự chủ tiền lương; năm 2018 tự chủ khấu hao tài sản cố định, năm 2020 thì tự chủ toàn phần. Xã hội hóa các trung tâm bảo trợ không phải vấn đề mới, trên thế giới xu hướng này đã được thực hiện từ lâu. Tại Việt Nam vấn đề này cũng được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa già hóa dân số. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là các trung tâm sẽ phải làm gì để hoàn thành lộ trình xã hội hóa này trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn nhân lực thì thiếu. Đặc biệt phần lớn bệnh nhân ở đây vẫn phải dựa vào sự chăm sóc của cán bộ. Điều quan trọng là khi được giao tự chủ liệu các trung tâm có đủ năng lực để tồn tại và phát triển.
Trước yêu cầu phải tự chủ, Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần thần kinh Thái Nguyên đã xin UBND tỉnh cấp phép thành lập phòng khám đa khoa. Song khi được hỏi về khả năng có đem lại hiệu quả, đại diện Trung tâm cũng chỉ biết lắc đầu nói, lâu nay Trung tâm cũng chỉ tăng gia thêm kinh phí thông qua việc trồng rau và chăn nuôi. Nhưng dù cố gắng, nỗ lực cũng chỉ tự chủ được một phần nào đó lương thực, rất khó có thể tự chủ để lo cho mọi người. Chính vì vậy chúng tôi đã mạnh dạn xin UBND tỉnh cho thành lập phòng khám đa khoa. Tuy nhiên, chẳng biết bao giờ hoạt động này mới sinh lợi sau khoản đầu tư gần 2 tỷ đồng, trong khi thời hạn xã hội hóa các trung tâm đang gần trước mắt.
Trên đây dường như không chỉ là khó khăn của riêng Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần, thần kinh Thái Nguyên mà còn là khó khăn chung của các Trung tâm trên con đường xã hội hóa. Có thể thấy chủ trương xã hội hóa là đúng đắn bởi nó đặt các trung tâm đứng trước ngưỡng phải tự thân vận động sau một thời gian dài hoạt động dựa vào ngân sách của Nhà nước. Song từ chủ trương đến thực tiễn không thể trông chờ vào sự hảo tâm từ một vài tổ chức, cá nhân đơn lẻ mà rất cần có sự vào cuộc từ các cơ quan chức năng, để biến các trung tâm BTXH thành hệ thống xương sống, đáp ứng hiệu quả yêu cầu an sinh xã hội.