Cầm nhầm tai hại

Hoàng Mai 17/01/2016 23:36

Chỉ có vài vụ là nhân viên sân bay lấy cắp, còn lại là nhặt được tài sản của hành khách bỏ quên, đánh rơi nhưng… không khai báo. Sự cầm nhầm tai hại ấy cho thấy đạo đức trong một bộ phận nhỏ của nhân viên sân bay là chưa đạt chuẩn.

Trong hội nghị tổng kết năm 2015 mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đặt mục tiêu không còn tình trạng mất cắp hành lý tại sân bay. Một yêu cầu dứt khoát của người đứng đầu ngành cho thấy thực tế: Câu chuyện mất cắp hành lý tuy không phải là phổ biến nhưng nó đang khiến nhiều người cảm thấy nhức nhối.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ông nhận được nhiều tin nhắn của hành khách phán ánh về dịch vụ tại sân bay và việc mất cắp hành lý.

Còn nhớ, trong một bài báo đưa ra vào hồi giữa năm, một bạn đồng nghiệp đã liệt kê chuyện mất cắp hành lý ký gửi trên máy bay. Điều lạ là càng tiếp cận với đời sống hiện đại, càng có phương tiện kỹ thuật tốt thì số vụ mất cắp xem ra lại chưa triệt tiêu được.

Theo thống kê của phía hàng không, năm 2013 có 205 khiếu nại thì sân bay Nội Bài có 56 vụ, còn lại là tại sân bay Tân Sơn Nhất. Năm 2014, số vụ khiếu nại tăng lên đến 301; trong đó sân bay Nội Bài có 144 vụ còn sân bay Tân Sơn Nhất là 157 vụ. Còn, trong năm 2015 sau 9 tháng với 292 vụ khiếu nại mất cắp tại sân bay trong đó có 111 vụ liên quan đến đường bay quốc tế.

Đến nay, theo lãnh đạo Cục Hàng không- ông Lại Xuân Thanh cho biết, hiện nay số vụ khiếu nại mất cắp tại sân bay đã giảm đến 90%. Điều đó cho thấy, rõ ràng đã có một sự chuyển biến tích cực về vấn đề này. Tuy nhiên, khoảng 10% còn lại cũng khiến người ta cảm thấy bực bội, thiếu yên tâm với một dịch vụ sang trọng bậc nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này. Đành rằng thất lạc hành lý hoặc mất cắp hành lý có lẽ không chỉ xảy ra ở sân bay của Việt Nam nhưng 10% với hàng chục ngàn chuyến bay tưởng nhỏ lại chẳng hề nhỏ.

Cũng vẫn Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đề cập đến tình trạng mất cắp tại sân bay đã không ngần ngại nói thẳng “việc trong nhà” khi vào giữa năm ông nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết rằng: Hiện tượng lấy trộm này gần như 100% là trong nhà. Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ và bị xúc phạm khi để việc này xảy ra. Nếu từ nay đến cuối năm mà không giảm chuyện trộm cắp thì tôi sẽ xử lý trách nhiệm giám đốc cảng vụ. Tới nay nạn mất cắp hành lý ở sân bay đã giảm, mừng là thế nhưng lại chả dám mừng lâu vì, cái nỗi “trong nhà không đóng cửa bảo được nhau”.

Không chỉ ở sân Nội Bài vẫn có chuyện khiếu nại nội bộ do chưa phân định rõ trách nhiệm; kể cả sân bay Tân Sơn Nhất 9 tháng đầu năm 2015, Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất đã trực tiếp phát hiện 15 trường hợp nhân viên các đơn vị phục vụ mặt đất lấy đồ vật, tài sản trong hành lý hành khách ra ngoài cổng an ninh.

Đáng nói là, theo như ông Nguyễn Đức Tiến, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, trong đó chỉ có vài vụ là nhân viên lấy cắp, còn lại là nhặt được tài sản của hành khách bỏ quên, đánh rơi nhưng… không khai báo. Sự cầm nhầm tai hại ấy cho thấy đạo đức trong một bộ phận nhỏ của nhân viên sân bay là chưa đạt chuẩn. Một bộ phận nhỏ thôi, có thể cho ngưng việc hay có hình thức kỷ luật nào đó thích đáng. Điều ấy dễ thôi và chắc chắn lãnh đạo cụm cảng hàng không đã làm nhưng cái không dễ ở đây là chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Này nhé, một tài sản có giá trị để trong hành lý ký gửi không cánh mà bay và hành lý thì bị rạch đúng chỗ có mòn đồ đắt tiền. Nếu không phải là thông đồng hay không phải là hành vi tập thể làm sao có thể mất giỏi đến thế. Mà với mỗi một chuyến bay, chắc chắn không thể chỉ có một nhân viên mặt đất.

Rõ ràng kêu gọi đạo đức công vụ, tuyên truyền giáo dục là cần thiết và phải được làm thường xuyên liên tục nhất là đối với những người trực tiếp làm ở những khâu liên quan đến tài sản của khách hàng; dù rằng, lắp thêm camera cũng là điều cần thiết và đã được các cảng hàng không thực hiện. Nhưng, chỉ riêng chuyện hai Cảng Hàng không lớn nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhận được khiếu nại là chủ yếu nếu không nói là hầu như tất cả các vụ khiếu nại tài sản cho thấy, rõ ràng, do đông khách nên có thể có tình trạng không quản xuể.

Và rằng, với những đường bay dài lượng hành lý ký gửi nhiều và nhiều đồ có giá trị khiến nhân viên khó kìm lòng được, dù đã được tuyên truyền, giáo dục đầy đủ. Vậy, liệu có phải do công việc nhiều mà đầu vào tuyển dụng có phần lơi lỏng hay không?

Đối với hành khách bị hại, người ta không cần biết vụ việc của bản thân chỉ mang tính chất lẻ tẻ và người bị hại được “trúng số độc đắc” ngoài ý muốn; mà họ chỉ biết, một vụ việc sẽ phá bỏ đi toàn bộ hình ảnh đẹp của một sân bay và xa hơn là hình ảnh đẹp của cả một ngành vận tải mũi nhọn hoặc của một đất nước. Đó là lý do vì sao mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đặt cho ngành hàng không mục tiêu: Không còn mất cắp hành lý vào năm 2016.

Hoàng Mai