Thuốc quý cho đàn ông
Theo chân đoàn cán bộ của Bộ môn Thực vật trường Đại học Dược Hà Nội đi thực địa điều tra cây thuốc, chúng tôi đến Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh). Leo lên tận chân tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, mới thấy hết vẻ đẹp hùng vĩ của non thiêng Yên Tử. Dãy núi này theo TS. Trần Văn Ơn, trưởng Bộ môn Thực vật có rất nhiều cây thuốc quý. Điều đặc biệt, có những loài cây được ví như Viagra thiên nhiên, như cây bá bệnh chẳng hạn.
Cây bá bệnh, tỏa dương - Ảnh do dược sĩ Nghiêm Đức Trọng cung cấp
Theo tiến sĩ Ơn, sâm A (Alipas) mà người ta quảng cáo rầm rộ là giúp giảm mãn dục nam chính là cây mà đồng bào nơi đây gọi là cây bá bệnh, tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack., họ Thanh thất. Ít người biết ở ngay vùng núi Yên Tử này cây này có khá nhiều. Cây bá bệnh còn có tên gọi khác là cây bá bịnh, tho nan (dân tộc Tày). Cây ra hoa vào mùa xuân, từ tháng 1-3, mùa quả tháng 4-6. Ở nước ta cây bá bệnh mọc phổ biến trong rừng thưa, ngoài Quảng Ninh, một số vùng như Đắc Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai cũng có cây này.
Khách du lịch đến Yên Tử thường tìm mua cây này về ngâm rượu uống chừng 5ml mỗi ngày nhằm tăng cường sức mạnh đàn ông. Tiến sĩ Ơn khẳng định, tác dụng tăng ham muốn cho nam giới, giữ lửa trong quan hệ chăn gối của cây này là có thật. Tiến sĩ Ơn cho biết, các quassinoid từ rễ có tác dụng diệt kí sinh trùng sốt rét do plasmodium falciparum đã kháng thuốc chloroquin. Các nhà khoa học của Malaysia, Thái Lan và Mỹ đã chứng minh cây này có tác dụng làm tăng sức khoẻ chung và tăng cường khả năng sinh dục nam, do làm tăng lượng testosteron trong huyết thanh ở nam giới tuổi trung niên trở lên.
Theo dân gian cây này dùng chữa được nhiều bệnh nên có nơi gọi là bách bệnh (bách là trăm), như chứng ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, kiết lỵ, lưng đau mỏi do thấp. Quả dùng chữa lỵ. Nước sắc của lá dùng tắm ghẻ, trị lở ngứa. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta băm nhỏ rễ, vỏ thân cây sau đó tẩm rượu sao vàng rồi sắc uống. Liều dùng 6-12g/ngày, dưới dạng bột, ngâm rượu, làm viên hoặc sắc uống. Bá bệnh chưa được trồng mà được thu hái từ thiên nhiên. Rễ bá bệnh hiện đang là đối tượng săn lùng thu gom để bán ra nước ngoài, song với giá rất rẻ chỉ chừng vài chục ngàn một kilogam.
“Thị trường thế giới hiện có sản phẩm sinh học Tongkat Ali Plus 1 (gồm có bách bệnh và dâm dương hoắc) và trà Tongkat Ali. Các sản phẩm này giúp tăng cường sức khoẻ sinh lý lâu bền cho nam giới mà không gây nguy hiểm như Viagra, đặc biệt dành cho người lớn tuổi”, tiến sĩ Ơn nói.
Dọc đường mòn lên đỉnh núi Yên Tử, dược sĩ Nghiêm Đức Trọng, một người mà nhiều đồng nghiệp ở Bộ môn Thực vật đánh giá là rất giỏi về cây thuốc, thi thoảng lại dừng lại cầm nắm lá, sờ vào rễ cây, rồi lấy máy ảnh ra bấm máy lia lịa. Dược sĩ trẻ cho biết: “Yên Tử có nhiều cây thuốc, có thể nói ông uống bà khen như cây bá bệnh, ba kích, hay cây sâm cau. Nam giới dùng các biệt dược phòng the này thấy hiệu nghiệm thực sự”.
Ba kích là cây thuốc được nhiều người có dịp đến Yên Tử lùng mua. Cây mọc hoang trong rừng thưa, rừng thứ sinh, gặp ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Rễ cây thu hái vào mùa thu đông, sau khi quả chín. Theo dược sĩ Trọng, ba kích có tác dụng ôn thận, trợ dương, mạnh gân cốt. Dùng chữa dương suy, liệt dương, di tinh, làm mạnh gân cốt. Dùng ba kích liều 4-12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc ngâm rượu.
Sâm cau còn có tên gọi khác là ngải cau, tiên mao, cò mốc lan, có tác dụng bổ thận, tráng dương, mạnh gân cốt, được dùng chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương. Chữa phụ nữ đái đục, bạch đới. Chữa người già đái són, lạnh dạ, thần kinh suy nhược, phong thấp, lưng gối lạnh đau, vận động khó khăn. Trong dân gian dùng từ 12 -20g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Dùng riêng hay có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài giã đắp chữa ngứa và bệnh ngoài da.
Một biệt dược phòng the khác được coi là sản vật của Yên Tử được dược sĩ Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Công ty Dược khoa (DK-Pharma), thuộc trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, đó là cây toả dương, dân gian thường gọi là cây xà cô, củ gió đất, hay củ ngọc núi. Toả dương thường ký sinh trên rễ những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp. Cây có hình thù như một cây nấm, màu đỏ nâu sẫm.
Do toả dương là cây nằm trong Sách đỏ Việt Nam, nên không ở đâu bán. Đầu mùa lạnh là thời gian người dân bản địa vào núi tầm cây này. Toả dương được dân gian dùng làm thuốc bổ thận, chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương hoặc điều trị chứng mệt mỏi kém ăn, nhức mỏi chân tay. Củ toả dương có thể dùng để ngâm rượu uống, hoặc mỗi ngày dùng từ 8-12g dưới dạng thuốc sắc.
Nói thêm về Viagra thiên nhiên, vị tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Sán Chay - Trần Văn Ơn cho biết: “Vườn thuốc quốc gia Yên Tử hiện đã trồng rất nhiều loại cây hữu dụng, tương lai có thể trồng hàng héc ta cây bá bệnh, lúc đó quý ông tha hồ sử dụng".