Nói không với mất cân bằng giới tính

Nhã Phương 20/01/2016 08:45

Mô hình “Vận động đồng bào Phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 2 xã Đại Đồng và Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã và đang phát huy tác dụng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân.  

Nói không với mất cân bằng giới tính

Vẫn còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

(Ảnh minh họa).

Không nặng nề nam hay nữ

Trong suy nghĩ nhiều người, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn đè nặng trên vai nhưng với những người nông dân tại 2 xã Chỉ Đạo và Đại Đồng tâm lý đó đã không còn trở thành gánh nặng.

Gia đình anh Phùng Văn Tăng và chị Nguyễn Thị Báu, thôn Đại Đồng, xã Đại Đồng là minh chứng rõ nét nhất. Trong câu chuyện của mình, anh Tăng cho biết: Vợ chồng anh sống với nhau có được 2 cô con gái. Lúc đầu bố mẹ anh và những người xung quanh cũng vận động vợ chồng cố gắng đẻ thêm thằng cu để có người hương hỏa sau này. Tuy nhiên, sau nhiều lần các chức sắc tôn giáo và cán bộ địa phương làm công tác tư tưởng: Con nào cũng là con, gái hay trai không quan trọng, quan trọng là vợ chồng phải có trách nhiệm với con cái, phải tạo điều kiện cho con cái học tập, ăn uống, sinh hoạt. Mẹ anh đã phần nào hiểu và đồng tình, không còn nặng nề trai gái.

Ở một góc độ khác, gia đình anh Tôn Đình Phiệt và chị Lê Thị Hảo, thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo lại may mắn hơn khi bố mẹ là những người hiểu chuyện. Mặc dù sinh con một bề nhưng cả anh lẫn chị đều cho rằng việc nuôi dạy con cái quan trọng hơn việc phải đẻ bằng được con trai.

Chị Hảo cho biết: Gia đình nhà chồng đều là những người có hiểu biết, đặc biệt các cụ không quan niệm nặng nề trai gái. Nhiều lần chị cũng băn khoăn và tâm sự với 2 cụ nhưng các cụ lại nhắc nhở nhẹ nhàng, bảo ban vợ chồng phải tập trung nuôi dậy 2 cô con gái trưởng thành cho tốt, thời gian còn lại đầu tư phát triển kinh tế. Chính từ suy nghĩ không quan trọng trai, gái của bố mẹ, vợ chồng chị Hảo, anh Phiệt cũng không có ý định sinh thêm cháu thứ 3 cho dù chị vẫn đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Ý thức người dân đã thay đổi

Tại tỉnh Hưng Yên năm 2008 có khoảng 129 bé trai mới có 100 bé gái. Con số trên đã phản ánh phần nào mức độ báo động của tình trạng mất cân bằng giới tính giữa trẻ em trai và trẻ em gái được sinh ra tại Hưng Yên.

Tỷ lệ này đã vượt quá mức dao động từ 103 - 107 bé trai/100 bé gái.

Ông Bùi Văn Nho, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên cho biết: Trước tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hưng Yên, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Vận động đồng bào Phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” từ năm 2009. Đến nay, sau 6 năm thực hiện, mô hình đã đạt được những thành tựu.

Nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng, các chức sắc Phật giáo tích cực tuyên truyền cho các tín đồ phật tử và nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã được giảm thiểu đáng kể trong một bộ phận không nhỏ người dân và ngày càng có chuyển biến tích cực.

Việc tuyên truyền đồng bào Phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng mô hình “Vận động đồng bào Phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” lồng ghép vào CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC, sống tốt đời đẹp đạo” cho đồng bào Phật tử tại 2 xã Chỉ Đạo và Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Các tôn giáo tuy có khác nhau về giáo lý nhưng đều có điểm chung là khát vọng đưa con người thoát khỏi cảnh khổ cải của trần gian để xây dựng một đời sống an lành, hạnh phúc. “Vì vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình ở vùng có đông đồng bào phật tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được chú trọng đầu tư”, ông Nho nhấn mạnh.

Nhã Phương