Linh hoạt điều hành giá
Nhận định của Bộ Công thương, năm 2015 vừa qua, mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu được điều hành ổn định, đây là tiền đề giúp cho mặt bằng giá cả các loại hàng hóa nói chung đi vào quỹ đạo ổn định. Đặc biệt, trong suốt năm 2015, giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt phù hợp xu hướng biến động của giá xăng dầu thế giới, có tính đến việc tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng góp phần ổn định đời sống, sản xuất của DN và người dân - lãnh đạo Bộ Công thương nhận định.
Giá xăng giảm gần 25% trong năm 2015.
Đi vào quỹ đạo ổn định
Nhìn lại bức tranh thị trường giá cả năm 2015, có thể khẳng định, mặt bằng giá các loại hàng hóa hầu như được đi vào quỹ đạo ổn định. Điều này được minh chứng ở chỉ số CPI được kiềm chế ở mức thấp. Tâm lý mua sắm của người tiêu dùng cũng khá ổn định. Một trong những yếu tố góp phần giữ được mặt bằng giá cả chính là việc điều hành giá xăng dầu được duy trì linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với xu hướng giá xăng dầu thế giới. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 15 ngày một lần theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước đã được điều hành sát cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước.
Theo ông Đỗ Thắng Hải: Năm 2015 cũng là năm ghi nhận con số “kỷ lục” về đợt điều chỉnh giá xăng dầu với tổng số 23 đợt điều chỉnh với biên độ điều chỉnh giá không quá cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước số lần giảm giá, mức giảm giá nhiều hơn số lần tăng giá, mức tăng giá đã hỗ trợ giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải thiện đời sống của người tiêu dùng” – lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá.
Trong 23 đợt điều hành giá xăng dầu trong năm 2015, bên cạnh các lần giữ ổn định giá bằng các công cụ tài chính thì mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá, 6 lần tăng giá; dầu diesel có 13 lần giảm giá, với tổng mức giảm là 7.017 đồng/lít, 4 lần tăng giá với tổng mức tăng là 1.998 đồng/lít...
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm (năm 2015 giảm 24,77%), điều đó đã tác động kéo theo chỉ số giá của một số nhóm hàng giảm, như “Nhà ở và vật liệu xây dựng” và “Giao thông” năm 2015 lần lượt giảm so với năm trước là 1,62% và 11,92%… đã góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước.
Cũng theo Bộ Công thương, trong năm 2015, tất cả các nội dung về điều hành giá xăng dầu đã được Bộ Tài chính, Bộ Công thương công bố công khai minh bạch trên các trang thông tin điện tử của để người dân, doanh nghiệp và mọi người quan tâm có thể tìm hiểu, theo dõi và giám sát. Việc minh bạch, công khai này đã góp phần tạo tâm lý ổn định cho người dân và DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh việc công khai minh bạch các thông tin liên quan đến việc điều hành giá cả đối với mặt hàng này, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua cũng được cải thiện rõ rệt. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cùng với việc giảm bớt 1, tăng thêm 5 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, nâng tổng số thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu hiện nay lên con số 23 thì năm 2015 là năm đầu tiên đánh dấu việc hình thành các thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
“Cho đến nay đã có 69 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu trong nước, cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh trực tiếp với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về giá bán lẻ xăng dầu, qua đó giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng được lựa chọn mua xăng dầu với mức giá phù hợp” – Thứ trưởng đánh giá.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các quy định khác về điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán. Biện pháp điều hành này nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời bảo đảm giá xăng dầu trong nước tiệm cận giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Sẽ không tăng giá điện trong năm 2016
Cùng với xăng dầu, điện cũng là một mặt hàng đặc biệt và có ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Do đó, cũng giống như giá xăng dầu, việc giá điện được điều chỉnh tăng sẽ nhận được sự quan tâm sát sao của dư luận xã hội. Tuy nhiên, trong cả năm 2015, giá điện cũng chỉ được điều chỉnh tăng một lần. Và trong năm 2016 này, theo khẳng định của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù hiện tượng El Nino kéo dài gây khó khăn đến việc trữ nước của các hồ thủy điện trên cả nước, song EVN sẽ không có đề xuất đối với việc tăng giá điện. Theo chia sẻ của lãnh đạo EVN, hiện cộng đồng DN đều đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. Với vai trò là một DN nhà nước, EVN thấy cần có trách nhiệm phải góp phần giữ ổn định nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo đất nước phát triển và ổn định cuộc sống người dân.
Được biết, trong mục tiêu hướng đến thị trường điện cạnh tranh, ngành điện đang tiếp tục cùng tư vấn quốc tế xây dựng và hoàn thiện Quy định Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và các quy định liên quan khác nhằm phục vụ cho việc vận hành thị trường này trong thời gian sớm nhất.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu, giá điện – những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá cả của thị trường - đã và đang được điều hành một cách công khai, minh bạch hơn, góp phần tạo tâm lý an tâm cho người dân và cộng đồng DN trong đời sống, sản xuất kinh doanh, từ đó giúp nền kinh tế đi theo hướng ổn định, phát triển bền vững.