Giải thưởng VHNT Việt Nam 2015: Tác phẩm đoạt giải mang hơi thở 'đời' hơn

Vi Cầm 20/01/2016 06:25

Sáng 19/1, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã tổ chức trao giải thưởng năm 2015 cho gần 70 tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc năm 2015 (trong đó có 9 giải dành cho tác giả là hội viên Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, 58 giải dành cho tác giả là hội viên hội VHNT địa phương). Đặc biệt tác phẩm “Phan Duy Nhân- Thơ và đời” đã được trao giải A ở thể loại Thơ (thuộc hạng mục giải thưởng Văn học). 

Giải thưởng VHNT Việt Nam 2015: Tác phẩm đoạt giải mang hơi thở 'đời' hơn

Bìa cuốn "Phan Duy Nhân-Thơ và đời".

Giải thưởng thường niên của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam bao gồm các chuyên ngành (Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Văn nghệ dân gian, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Sân khấu, Múa…).

BTC cho biết, sau rất nhiều năm vắng bóng không dự giải của Liên hiệp hội, năm 2015 Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã giới thiệu tác phẩm “Bạc Liêu Tower” (KTS Phương Ngọc Huy- TP HCM). Tác phẩm này đã được trao giải thưởng ở hạng mục “Tác giả là hội viên Hội VHNT chuyên ngành Trung ương”. Theo BTC, sự tham gia một chuyên ngành đặc biệt vắng bóng bấy lâu đã góp phần làm phong phú thêm số chuyên ngành dự giải thưởng.

Với hạng mục dành cho “Tác giả là hội viên Hội VHNT địa phương”, giải thưởng ở chuyên ngành Văn học lâu nay luôn dành được sự quan tâm nhiều hơn cả. Trong số 64 tác phẩm dự giải văn xuôi, có 11 tác phẩm được trao giải.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, đề tài ở lĩnh vực văn xuôi rất phong phú, đa dạng. Ngoài đề tài quen thuộc và chiến tranh cách mạng và hậu chiến, thì cuộc sống đời thường cũng được các tác giả khai thác sinh động trong tác phẩm của họ. Đó là quan hệ con người trong công việc, là tình bạn, tình yêu, mối quan hệ trong gia đình…

Có thể kể đến tập truyện ngắn “Người về sau cuộc chiến” – giải C (Nguyễn Hiền Lương- Yên Bái), hoặc là sự cảm thông da diết với những số phận nghịch cảnh như tập truyện ngắn “Đỉnh khói”- giải C (Nguyễn Thị Kim Hòa- Ninh Thuận). Rồi đề tài “tam nông” cũng đã được các tác giả khéo léo khai thác và đưa vào tác phẩm văn học như tập truyện ngắn “Đi qua đồng cói” - giải C (Nguyễn Thanh Lịch- Ninh Bình), tập truyện ngắn “Internet về làng”- giải C (Đỗ Xuân Thu- Phú Thọ)… Những tập truyện ngắn ấy đi sâu vào khai thác cuộc sống của người nông dân ở các vùng quê hôm nay. Cùng với đó là những trăn trở, bức xúc lo toan của người nông dân trong cơ chế thị trường thời kỳ công nghiệp hóa.

Dự giải thưởng của Liên hiệp hội năm 2015 ở lĩnh vực thơ có 47 tập thơ của các tác giả trên mọi miền đất nước. BTC đã trao giải thưởng cho 9 tác phẩm. Và giải A thơ năm nay đã được trao cho tập “Phan Duy Nhân- Thơ và đời” (Nhiều tác giả). Theo Hội đồng giám khảo, đây là cuốn sách gần 500 trang nói về cuộc đời và sự nghiệp của một con người, đó không phải là một cuốn sách dài. Tuy vậy, bấy nhiêu trang sách đã khắc họa được những gì tinh túy nhất trong cuộc đời và sự nghiệp thơ của Phan Duy Nhân, một nhà thơ trưởng thành từ phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế và thanh niên, sinh viên học sinh miền Nam, một chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Phan Duy Nhân năm nay 76 tuổi, ông đã có thơ in rất sớm từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước trong các tập san thơ yêu nước của thanh niên, học sinh Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn.

“Phan Duy Nhân- Thơ và đời” là tập sách do bạn bè ông cùng chung tay thực hiện, đã góp phần phác họa chân dung một thế hệ tri thức- văn nghệ sĩ sinh viên, học sinh trong phong trào yêu nước trước năm 1975 ở các đô thị miền Nam.

Giải thưởng VHNT Việt Nam 2015: Tác phẩm đoạt giải mang hơi thở 'đời' hơn - 1

Buổi gặp mặt, giới thiệu cuốn sách "Phan Duy Nhân-Thơ và đời'
tại báo Đại Đoàn Kết, 11/2015.

Trước đó, vào ngày 14/11/2015, Báo Đại Đoàn Kết cũng đã tổ chức một cuộc gặp mặt nhân dịp ra mắt tập sách “Phan Duy Nhân- Thơ và đời”. Dự lễ ra mắt sách xúc động ấy có ông Phạm Thế Duyệt- nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng nhiều nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Tại cuộc gặp gỡ này, bạn bè, đồng nghiệp và người thân đã dành cho tác giả Phan Duy Nhân cũng như nhóm tác giả thực hiện sách những tình cảm sâu lắng, chân thành.

Theo đánh giá của BTC, nhìn tổng thể ở các chuyên ngành giải thưởng từ Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Mỹ thuật, Điện ảnh… tất cả các tác phẩm đều đã phản ánh đa dạng và đời hơn mọi mặt của cuộc sống, đáp ứng cả nội dung và hình thức thể hiện. Dẫu vậy ở một số chuyên ngành chuyên môn như điện ảnh, sân khấu, múa… do đặc thù nghề nghiệp nên các tác giả ở các Hội VHNT địa phương vẫn còn ít có tác phẩm dự xét giải.

Đặc biệt ở lĩnh vực văn xuôi, nhìn tổng thể chất lượng truyện ngắn chưa được đều tay. Có truyện ngắn cốt truyện rất hay nhưng lại thiếu sự tìm tòi công phu trong xây dựng nhân vật và còn đơn giản trong bút pháp thể hiện. Có một, hai tập truyện ngắn viết khá nhuần nhuyễn, giàu vốn sống nhưng chi tiết và bố cục không chặt chẽ. Thậm chí ngay cả những tác phẩm đã được trao giải cũng vẫn ít nhiều còn có lỗi sáng tác. Chính vì thế mà năm nay giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT ở thể loại văn xuôi đã không có giải A, B.

Tại lễ trao giải, nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đặc biệt ấn tượng với tập sách “Phan Duy Nhân- Thơ và đời”. Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, chất lượng giải năm nay đã được nâng cao. Đặc biệt, tính chuyên nghiệp được thể hiện khá rõ trong các Hội chuyên ngành, các tác phẩm đã đi sâu vào những bộn bề, gai góc của cuộc sống. Quan trọng hơn cả là từ giải thưởng được trao đã giúp phát hiện ra những tên tuổi, tài năng thực sự, nhất là những tài năng trẻ.

Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2015 được chia làm 2 hạng mục: Giải thưởng cho các tác giả là hội viên hội VHNT chuyên ngành Trung ương và giải thưởng cho tác giả là hội viên các hội VHNT địa phương.

Theo đó, 9 tác giả với 9 tác phẩm đã được trao giải thưởng ở hạng mục của Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương, tiêu biểu như: vở cải lương “Mai Hắc Đế” của tác giả Nguyễn Thế Kỉ, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên; bộ phim “Những đứa con của làng” của NSƯT Nguyễn Đức Việt; tập thơ “Tiếng chim cao nguyên” của tác giả Pờ Sảo Mìn...

Cùng với đó, BTC đã trao 2 giải A, 10 giải B, 20 giải C, 16 giải khuyến khích và 10 giải dành cho tác giả trẻ cho 58 tác phẩm cho các tác giả là hội viên các hội VHNT địa phương…

Vi Cầm