Định hướng nền kinh tế
Dự thảo Báo cáo kinh tế xã hội 5 năm tới (2016-2021) trình đại hội Đảng XII được đúc kết, rút kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới; khẳng định tiếp tục đường lối kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ông Cao Sỹ Kiêm- nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
Ông Cao Sỹ Kiêm.
PV: Ông nhận định như thế nào về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta thời gian qua?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được đặt ra bắt đầu từ thời kỳ đổi mới nhưng chưa rõ ràng, đầy đủ một cách có hệ thống. Các kỳ Đại hội sau ta đã rút ra được kinh nghiệm tốt hơn. Đến nay, qua 30 năm đổi mới định hướng kinh tế thị trường XHCN và kinh tế thị trường ở nước ta đã thể hiện rõ hơn, bắt đầu sát với thông lệ quốc tế để chúng ta hội nhập một cách toàn diện đầy đủ.
Thứ nhất, môi trường pháp lý cơ chế chính sách, luật, nghị định quy định vừa giải quyết những vấn đề thực tế ở Việt Nam để hướng theo kinh tế thị trường. Nhưng quan trọng nhất chính là thể hiện sát với thông lệ quốc tế, đảm bảo cho chúng ta hội nhập tốt hơn.
Thứ hai, trong điều hành thể hiện ở việc đã áp dụng khoa học - kỹ thuật, nguồn lực cao kể cả kỹ thuật hiện đại tiên tiến, đã có chuyển biến rõ trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lực. Nói cách khác cùng với đột phá thể chế kinh tế, chúng ta đã đột phá chất lượng nguồn lực một cách ngày càng có kết quả hơn. Tuy vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng chất lượng nguồn lực đã được nâng lên từ khâu lập chính sách cho đến tổ chức triển khai thực hiện, điều hành, quản lý phối hợp giữa địa phương - Trung ương và các ngành với nhau.
Thứ ba, ngoài việc tạo ra đội ngũ cán bộ thì hệ thống hạ tầng của chúng ta như giao thông, thủy lợi đã có định hướng xây dựng rõ hơn theo một hệ thống có lộ trình rõ ràng, góp phần tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động cũng như hạ giá thành. Những kết quả trên cho thấy đã thể hiện đúng tinh thần 3 đột phá chiến lược do Đại hội XI đề ra.
Thành tựu qua 30 năm đổi mới cũng được tổng kết rất rõ ràng, ngày càng rõ hơn về lý thuyết để vào Đại hội XII chúng ta đi lên xây dựng công nghiệp hiện đại, hội nhập vững chắc hơn kể cả về lý luận cũng như thực tiễn, tạo dựng được các mô hình. Nó thể hiện trên định hướng nghị quyết của Đại hội XI, tức là 3 đột phá chiến lược đã thực hiện đồng bộ và đạt được kết quả rất tốt đối với giai đoạn vừa qua.
Dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm trong nhiệm kỳ tới trình Đại hội lần này được đúc kết kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới. Ông nhận định như thế nào về báo cáo này?
- Tôi thấy Báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm tới toàn diện và chất lượng hơn. Hay nói cách khác cái được, chưa được của 30 năm qua, chúng đã ta đổi mới kể cả về môi trường pháp lý, tổ chức bộ máy, phương thức điều hành quản lý và quản trị. Báo cáo đã tổng kết lý thuyết, lý luận, đồng thời giải quyết các vấn đề cụ thể trong giai đoạn đi lên CNXH trong tác động của kinh tế thế giới, cũng như vấn đề khủng hoảng tài chính. Cùng đó là tác động về mặt nội bộ do những khuyết điểm chủ quan của chúng ta trong thời gian qua.
Trước những tác động của thế giới, đe dọa đến tính độc lập tự chủ an ninh quốc gia chúng ta đã vượt qua được và đạt được những thành tựu làm nền tảng cho giai đoạn sắp tới.
Nền kinh tế - xã hội trong 5 năm tới nằm trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu. Theo ông, để thực hiện điều đó cần những điều kiện gì?
- Trước đây khi bắt đầu đi vào đổi mới, đầu năm 1986, chúng ta chú trọng đến tăng tốc độ phát triển trong kinh tế nhưng qua nhiều kỳ Đại hội và đến Đại hội này chúng ta rút ra rằng việc phát triển kinh tế là cần thiết, phải chú trọng, nhưng phải đi đôi với bộ máy, con người, tổ chức cũng như vấn đề lý thuyết, lý luận chính trị.
Ví dụ xây dựng tổ chức Đảng như thế nào? Đội ngũ cán bộ như thế nào? Chính quyền như thế nào? Để đảm bảo việc thực hiện kinh tế thì phải có chất lượng con người bộ máy mới đảm đương được.
Chúng ta đã chú ý việc phát triển kinh tế cũng như tạo môi trường pháp lý, và bộ máy con người đáp ứng nhiệm vụ kinh tế đặt ra. Đây là cơ sở để chúng ta vững tin thực hiện mục tiêu đề ra về kinh tế, có điều kiện đảm bảo cho đội ngũ cán bộ như phẩm chất, năng lực, nhận thức tư duy cũng như điều kiện để chúng ta thực hiện.
Ví dụ định hướng thị trường XHCN, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm là thị trường thì phải đi đến cùng, đi toàn diện đi một cách có bài bản. Như vậy vừa giải quyết tồn tại của đất nước, vừa hợp với thông lệ quốc tế thì mới đi lên được.
Dự thảo Báo cáo kinh tế- xã hội lần này xác định kinh tế tư nhân được coi là một động lực phát triển. Theo ông, tương lai sẽ đem lại những kết quả gì?
- Trước đây khi nền kinh tế tập trung chỉ chú ý đến thành phần Quốc doanh. Nhưng qua một thời gian thực hiện thấy rằng có nhiều tồn tại, nhất là hiệu quả sức cạnh tranh, kết quả không tương xứng làm kéo lùi bước tiến. Kinh tế thị trường cho thấy có nhiều tiềm năng, dư địa của lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa của kinh tế tư nhân. Dư địa còn nhiều, tiềm năng còn nhiều nhưng chính sách cơ chế luật lệ trước đây không giải phóng được họ.
Vì thế Hiến pháp mới 2013 đã giải phóng sức sản xuất bằng việc dân được làm mọi thứ mà pháp luật không cấm tạo nên dân chủ thực sự tiến tới đảm bảo cho khả năng khai thác dư địa này. Lực lượng này rất đông, tiềm năng còn nhiều nhưng muốn giải phóng thì phải bằng luật lệ, chính sách, bố trí con người bảo đảm công khai minh bạch, bình đẳng thì mới phát huy đầy đủ năng lực, nhận thức đóng góp kể cả về tư duy và hành động của mọi tầng lớp xã hội.
Tôi tin rằng khi chúng ta làm được như vậy thì sẽ có đột phá mới, giải phóng sức sản xuất mới trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Kinh tế tư nhân có nhiều dư địa, nền kinh tế chúng ta hiện đang hổng nhiều mảng, bây giờ mở ra khai thác thì sẽ tạo nên bước đột phá đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!