Giáo dục sớm: Dục tốc bất đạt?
“Giáo dục sớm thực chất là gì, đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi. Và mỗi trường phái lại đưa ra một cách hiểu khác nhau. Nếu áp dụng cho trẻ, giống như đưa trẻ tham gia vào một cuộc thử nghiệm mà mình chưa biết kết quả như thế nào” - TS Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.
TS Vũ Thu Hương.
PV: Giáo dục sớm là một vấn đề được nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm hiện nay. Là một giảng viên, quan điểm của bà về điều này?
TS Vũ Thu Hương: Tôi có tham khảo một số cuốn sách về giáo dục sớm. Và thật lòng tôi thường khuyên các bậc phụ huynh không nên theo hoàn toàn phương pháp nào. Nguyên nhân là vì các phương pháp giáo dục sớm chưa phải là giáo dục chính thống ở bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Những phương pháp giáo dục sớm hiện nay đều mới chỉ được áp dụng ở một phạm vi nhỏ, trên một số ít trẻ, để phổ biến đại trà cần một quy trình nghiên cứu rộng hơn và chính thống hơn. Hiện nay Việt Nam có khoảng 20 triệu trẻ em. Nếu chỉ nghiên cứu trên một vài trẻ mà muốn áp dụng trên 20 triệu trẻ thì chắc chắn sẽ có những sai lệch.
Vì thế, có một số trường mầm non dạy trẻ theo những chương trình không chính thống, nếu gây ra những hậu quả xấu mà bây giờ chưa nhìn thấy nhưng sau này mới thấy thì sao? Và những đứa trẻ thành công, nếu có, từ những phương pháp giáo dục sớm này không thể là đại diện cho tất cả các trẻ được đào tạo theo phương pháp này.
Ngoài ra, tôi cho rằng việc đẩy nhanh việc giáo dục ở một mặt nào đấy sẽ hạn chế sự tiếp thu những kiến thức khác mà trong lứa tuổi đấy các em cần nhận được. Ví dụ nếu học chữ sớm thì bọn trẻ có thể không học kỹ năng sống tốt được.
Vậy giáo dục sớm nên được hiểu thế nào? Có phải giáo dục sớm có nghĩa là cho con học đọc, học viết, học toán, học tiếng Anh, học đàn… trước khi bắt đầu tiểu học?
- Có nhiều định nghĩa về giáo dục sớm. Có thể là học một số môn kiến thức, năng khiếu ở giai đoạn tuổi mầm non. Có một số quan điểm cho rằng phát triển những kỹ năng sống cho trẻ từ tuổi ấu thơ được gọi là giáo dục sớm, điều đó là không chính xác. Hoặc có một số chương trình giáo dục người ta lấy những hoạt động đề cao sự nhanh nhạy, khéo léo của đứa trẻ và gọi đó là giáo dục sớm cũng không chính xác.
Chẳng hạn, hiện nay tôi thấy nhiều người dạy cho trẻ nhận biết chữ, đồ vật… qua những thẻ hình, thẻ chữ và gọi đó là giáo dục sớm. Nhưng khi tôi nghiên cứu về giáo dục cho trẻ em ở độ tuổi mầm non ở nhiều nước cũng thấy họ dạy như thế.
Có nghĩa, điều đó không có gì là sớm cả. Câu chuyện ở đây là vì người ta mới tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm ở một nhóm trẻ nhỏ. Nếu nhân rộng trên đại trà hoặc trên quy mô toàn thế giới thì có khi không phải là sớm. Vì vậy, khái niệm thế nào là sớm và sớm là cái gì, đến giờ vẫn rất mông lung.
Tôi luôn nói với các phụ huynh rằng giáo dục là một quá trình lâu dài. Người xưa đã dạy Dục tốc bất đạt. Tôi cho rằng không cần phải sớm, cứ làm tuần tự phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của trẻ. Chẳng hạn, việc giáo dục giới tính cho trẻ lên 3 có lẽ chỉ cần dừng lại ở phân biệt con trai con gái, không để người khác xâm phạm cơ thể chứ không phải dạy những kiến thức cho thanh thiếu niên…
Chính tôi và một số giáo viên đã tiến hành một cuộc thử nghiệm trên một số các cháu nhỏ, một chi tiết rất nhỏ thôi về khả năng đánh vần. Tôi thấy rằng với một đứa trẻ, trước 5 tuổi thường đọc rất kém, nhưng đúng đến thời điểm 6 tuổi trẻ sẽ đọc rất nhanh. Lúc đó, tôi hiểu tại sao người ta cho trẻ con đi học bắt đầu từ tầm tuổi như vậy. Nghĩa là đúng thời điểm đó, trí não của trẻ đủ mở đủ rộng để đón nhận hoạt động đó. Trước đó, các em có thể tiếp thu nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Thực tế cũng có một số cá nhân nhận được sự giáo dục sớm từ cha mẹ và đạt được những thành công mà “thần đồng” Đỗ Nhật Nam là một ví dụ?
- Có một sự nhầm lẫn lớn ở đây, rằng thai giáo là giáo dục sớm. Điều đó hoàn toàn không phải. Thai giáo là sự tác động đến đứa trẻ một cách khoa học trong lúc em vẫn đang ở trong bụng mẹ.
Tôi biết cháu Đỗ Nhật Nam vì là con của hai người đồng nghiệp của tôi, họ rất giỏi. Nếu nói Nam thành công hoàn toàn do giáo dục sớm là không đúng. Tôi cho rằng cần cả yếu tố gen di truyền rồi cách thức mà bố mẹ chăm sóc, ứng xử với con ngay trong gia đình, thậm chí cả chế độ dinh dưỡng lúc mang thai lẫn lúc ra đời… tất cả đều tác động đến một đứa trẻ rất nhiều.
Ngay cả khi Đỗ Nhật Nam là một trường hợp thành công nhưng còn 999 đứa trẻ khác cũng được áp dụng giáo dục sớm thì sao? Ca sĩ Trần Lập từng nói về bệnh ung thư của mình rằng, các phương pháp chữa khỏi ung thư cho người khác chưa chắc đã chữa khỏi được cho anh ấy.
Bởi vì mỗi một phương pháp người Việt Nam mình sử dụng có thể chữa khỏi cho 1, 2 người nhưng cũng có thể đã hàng nghìn người thất bại. Chỉ là con số vài nghìn đấy không ai nói ra. Giáo dục sớm cũng vậy, con số thất bại là bao nhiêu trong những người đã thử nghiệm không ai đưa ra được. Vậy chưa thể nói đó là phương pháp thành công.
Bà có lời khuyên nào với các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con trẻ từ giai đoạn ấu thơ?
Không thể trong một, hai câu nói hết được những việc bố mẹ cần phải làm đối với một đứa trẻ. Nhưng có một điều tôi cho rằng tất cả các ông bố bà mẹ cần phải làm là hãy phân tích thật thấu đáo, chính xác bất cứ một phương pháp, thậm chí là một câu chuyện giáo dục nào. Nếu thấy hợp với lý luận khoa học và hợp với điều kiện của mình thì có thể cân nhắc để áp dụng.
Chẳng hạn, tôi thấy có một điều rất vô lý, sai về mặt khoa học khi quảng cáo sữa là uống sữa sẽ thông minh. Nhưng nhiều bậc phụ huynh hình như cũng tin như thế và ào ào mua sữa cho con uống.
Tôi cho rằng, trong việc giáo dục một đứa trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đối với không phải là thành công mà là niềm hạnh phúc. Để hạnh phúc thì quan trọng nhất là tính cách. Nếu một đứa trẻ lúc nào cũng thù hằn, khó chịu, nhìn thấy ai cũng ghen tị thì sẽ không thể nào hạnh phúc. Tính cách tạo ra con người. Kiên trì uốn nắn, hướng dẫn con trẻ và hơn hết là lấy chính mình để làm gương là cách giáo dục tốt nhất của cha mẹ với trẻ.
Trân trọng cảm ơn TS!