Những đề tài hâm nóng Davos 2016
Các nhà chính trị và doanh nhân trên khắp thế giới đã dổ dồn về Davos, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Thụy Sỹ, để tham dự Hội thảo kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức thường niên, bắt đầu từ chiều 19-1. Giới quan sát dự kiến WEF sẽ thảo luận nhiều vấn đề nóng bỏng của thế giới như tự động hóa, khủng bố, biến đổi khí hậu…
Ảnh minh họa.
Tự động hóa
Sự trỗi dậy nhanh chóng của kỹ thuật tự động hóa cùng các loại máy móc thông minh sẽ là một trong những chủ đề chính của WEF năm nay khi các nhà tổ chức đặt ra chủ đề cho cuộc họp năm nay là “làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Điều này còn có ý nghĩa là “sự kết hợp các loại công nghệ hiện đại, đang xóa nhòa ranh giới giữa vật lý, công nghệ số và sinh học”.
Còn đối với một bộ phận những người tham gia Hội nghị ở Davos, điều này có nghĩa là những cơ hội kinh doanh mới được mở ra. Các doanh nhân hàng đầu đến từ các tập đoàn lớn như Microsoft, Facebook… sẽ tham gia tranh luận về việc làm thế nào đề cuộc cách mạng công nghiệp mới có thể cải thiện nền công nghiệp và xã hội.
Tuy nhiên, Davos cũng sẽ thảo luận về cả mối đe dọa của cuộc cách mạng mới này, khi sự thay đổi có thể khiến ảnh hưởng đến một bộ phận người lao động. Một câu hỏi lớn khác được đặt ra trong WEF lần này chính là ứng phó với “một thế giới không việc làm” - khi giới chuyên gia nghi ngại về khả năng công việc truyền thống sẽ bị tước đoạt bởi các loại máy móc thông minh.
Trong vòng 5 năm qua, có trên 7 triệu việc làm tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đe dọa do bị máy móc hiện đại thay thế, đặc biệt là nữ nhân công ở các nền kinh tế này thường mất việc do công nghệ hiện đại thay thế công việc truyền thống của họ.
Thậm chí nhiều chuyên gia còn lo ngại rằng trong tương lai các loại máy móc thông minh có thể được sử dụng làm công cụ chiến tranh. Theo ông Roger Carr, Chủ tịch nhà thầu quốc phòng BAE Systems, Hội nghị sẽ thảo luận vấn đề robots trở thành các chiến binh và tướng lĩnh - một vấn đề nóng bỏng được nhiều người quan tâm.
Khủng bố và khủng hoảng di cư
Lãnh đạo thế giới cùng người đứng đầu các tổ chức nhân đạo cũng sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư và cách thức để người tị nạn có thể hòa nhập tốt hơn với các cộng đồng tiếp nhận họ. Trong số này là cuộc thảo luận về đề tài bất ổn ở Trung Đông đã đẩy hàng triệu người phải bỏ nhà cửa, trong khi rất nhiều người di cư đang phải hứng chịu cái lạnh tê tái của mùa đông và bão tố khi vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.
Ngoài ra, giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ thảo luận về các vấn đề của châu Âu trong bối cảnh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư, kéo theo các rủi ro bị tấn công khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ có một bài phát biểu về vấn đề này. Năm ngoái, ông đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh sự cấp thiết phải có hành động đối phó với làn sóng bạo lực cực đoan gây nên bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Biến đổi khí hậu
Diễn đàn WEF lần này cũng hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào Thỏa thuận Paris về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, được ký kết hồi tháng 12 năm 2015, bằng cách kêu gọi sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp các nước để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Một báo cáo được trình trước Hội nghị lần này đã chỉ ra rằng, nếu thất bại trong việc thực thi Thỏa thuận Paris về chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Đây là lần đầu tiên trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, một vấn đề môi trường có trong chương trình nghị sự của WEF.
Trong Hội nghị lần này, hàng loạt các nhà khoa học có tiếng sẽ đưa ra các biện pháp nhằm giảm sự ấm lên toàn cầu và tạo ra các nguồn năng lượng sạch. Trong số này có cả đội ngũ Solar Impulse, nhóm phá vỡ kỷ lục thế giới về chuyến bay dài nhất sử dụng máy bay hoạt động bằng năng lượng mặt trời.
Tội phạm mạng và quyền riêng tư
Davos năm nay dự kiến cũng trở nên nóng bỏng hơn do cuộc tranh luận trường kỳ giữa chính phủ một số nước, liên quan tới vấn đề kiểm soát thông tin liên lạc điện tử, với các nhà vận động vốn lo ngại về vấn đề quyền riêng tư bị ảnh hưởng.
Tổng chưởng lý Mỹ Loretta Lynch và Giám đốc Interpol Jurgen Stock,, sẽ nêu ý kiến về vấn đề này, trong đó thúc giục các công ty lớn trong ngành công nghệ thông tin hợp tác và đề xuất các bộ luật mới nhằm bắt giữ tội phạm mạng trên toàn cầu.
Ngoài ra, Davos năm nay dự kiến sẽ thảo luận về một số vấn đề nóng bỏng khác như sự bất bình đẳng giàu nghèo, bất ổn thị trường toàn cầu, dược phẩm và các vấn đề khủng hoảng và an ninh đang diễn ra ở châu Âu.