Brazil dùng muỗi biến đổi gen để chặn virus Zika
Nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Zika đang hoành hành ở Brazil, một công ty Anh đã phối hợp với chính quyền nước này tung loại muỗi vô sinh biến đổi gen ra môi trường để giảm số lượng và mối đe dọa của loại virus này đối với con người.
Phun thuốc diệt muỗi để ngăn chặn virus Zika lan rộng ở Brazil. (Nguồn: AFP).
Virus Zika được lây lan qua các vết cắn của loài muỗi Aedes Aegypti. Một khi nhiễm virus này, người bệnh thường có các triệu chứng kéo dài từ vài ngày đến một tuần lễ như sốt, đau nhức, phát ban và viêm màng kết. Phụ nữ mang thai nếu nhiễm virus này thường lây nhiễm sang cho trẻ sơ sinh, gây nên chứng đầu nhỏ, rối loạn thần kinh cũng như gây ra các vấn đề về phát triển của trẻ nhỏ và đôi khi dẫn đến tử vong.
Virus Zika hiện đang khiến số ca mắc chứng đầu nhỏ tăng đột biến ở Brazil khi có trên 84.000 trường hợp được ghi nhận. Và để ngăn chặn sự lây lan của loại virus này, Công ty Intrexon có trụ sở ở Oxford đã tuyên bố hợp tác với chính quyền Brazil để triển khai dự án “muỗi Aedes Aegypti thân thiện”. Dự án được triển khai bởi một công ty trực thuộc Intrexon có tên Oxitec. Hiện dự án đang được triển khai ở thành phố Piracicaba, Brazil để bảo vệ 300.000 người dân khỏi virus Zika.
Oxitec sẽ đưa loài muỗi biến đổi gen vô sinh vào khu vực có mật độ cao loài muỗi gây bệnh nhằm hạn chế số lượng của chúng và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Sau khi được thả ra môi trường, con muỗi biến đổi gen đực sẽ tìm đến các con muỗi cái để giao phối, và kết quả sẽ là không có cá thể nào được sinh ra, và cuối cùng sẽ là giảm số lượng muỗi trong khu vực.
Trước đây, hồi tháng 4/2015, Oxitec cũng từng thử nghiệm loài muỗi biến đổi gen này sau khi Ủy ban An toàn Sinh học Quốc gia Brzil (CTNBio) “bật đèn xanh” cho dự án đầy tham vọng của họ.
Kết quả là, vào cuối năm 2015, con số thống kê cho thấy số lượng muỗi gây bệnh và muỗi mang virus Zika đã giảm tới 82%. Oxitec cũng từng thử nghiệm dự án muỗi biến đổi gen của họ ở nhiều khu vực của Brazil, Panama và đảo Cayman với kết quả tích cực là giảm được 90% số lượng muỗi Aedes Aegypti.