Vị Hoàng đế võ công hiển hách dẹp loạn trong ngoài, thống nhất giang san

Từ Khôi 21/01/2016 09:32

Là người trực tiếp cầm quân dẹp yên nội chiến, đánh tan ngoại xâm, thống nhất đất nước, nên trong lịch sử Việt Nam hiếm có vị quân chủ nào sự nghiệp võ công hiển hách như hoàng đế Quang Trung. Giá như hoàng đế Quang Trung không đột ngột băng hà - nếu như lịch sử có cái giá như này thì không biết lịch sử nước ta sẽ ra sao?. Trong lịch sử cổ kim, thật hiếm có cái chết của một cá nhân nào lại thay đổi lịch sử đến thế. 

Vị Hoàng đế võ công hiển hách dẹp loạn trong ngoài, thống nhất giang san

Tượng đài vua Quang Trung-Nguyễn Huệ tại Hà Nội.

Xóa tan cơ đồ Nguyễn, Trịnh

Đến nay, nhiều sử liệu đã khẳng định một cách chắc chắn rằng hoàng đế Quang Trung họ Hồ, có tên “khai sinh” là Thơm. Năm 1786, trên đường ra Bắc, Nguyễn Huệ đã về làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) làm tổ quán. Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, hoàng đế Quang Trung truyền cho dân Thái Lão tu tạo tổ miếu ở Thái Lão để phụng sự.

Thân sinh ra Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) là Hồ Phi Phúc và thân mẫu là Nguyễn Thị Đồng. Ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định) là nơi ba anh em Tây Sơn tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ra đời. Đó là làng quê bên dòng sông Côn, có bến Trường Trầu là nơi Nguyễn Nhạc đón khách trong những chuyến buôn trầu trong những ngày đầu nuôi chí.

Cuộc dấy binh năm 1771 của Tây Sơn tam kiệt nhanh chóng lớn mạnh. Những võ tướng tài ba tham gia ngay từ thủa ban đầu gồm có Nguyễn Thung, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trương Mỹ Ngọc, Võ Xuân Hoài. Chỉ sau hai năm, đến năm 1773, nghĩa binh Tây Sơn đã làm chủ một vùng rộng lớn từ Quy Nhơn đến Bình Thuận. Thắng nhanh, nhưng để mất thế trận cũng nhanh.

Cuối năm 1774, quân Tây Sơn lưỡng đầu thọ địch. Phía Bắc, quân của triều đình Lê Trịnh thắng trận rồi vượt đèo Hải Vân đánh chiếm Quảng Nam. Còn phía Nam, quân của chúa Nguyễn nhanh chóng giành lại vùng đất từ Bình Thuận đến Phú Yên. Quân Tây Sơn chỉ còn làm chủ vùng đất Quy Nhơn, Quảng Ngãi.

Trước tình hình nguy cấp, Nguyễn Nhạc đã tìm cách hòa hoãn với chúa Trịnh để rảnh tay đánh lại chúa Nguyễn. Và vị tướng trẻ tuổi Nguyễn Huệ (23 tuổi) lãnh nhận trọng trách đánh canh bạc chuyển thế trận này. Ơn trời, trận đánh Phú Yên thắng lợi. Lại may mắn thêm khi quân Lê Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy đã rút khỏi Quảng Nam, quân chúa Nguyễn nổi lên chiếm giữ nhưng quân Tây Sơn nhanh chóng dẹp yên...

Chúa Nguyễn Ánh thua trận liên tiếp nên cầu cứu Xiêm La. Hai vạn quân Xiêm La được dịp tràn sang cướp phá. Nguyễn Huệ đã tính toán tài tình thủy triều, thời gian, bày binh bố trận nhử địch và đem quân mai phục đánh một trận quyết định tại Rạch Gầm, Xoài Mút (nằm giữa TP Mỹ Tho và huyện Châu Thành, Tiền Giang). Đêm 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn (Đêm 18 rạng 19 tháng 1 năm 1785), sau trận phục kích, quân Xiêm La thiệt hại nặng, chỉ còn vài ba ngàn sống sót chạy về bên kia bên giới, chúng kinh sợ gọi Nguyễn Huệ là tướng nhà trời, và sợ như sợ cọp. Chúa Nguyễn Ánh cũng phải trốn sang Xiêm La.

Dẹp xong quân chúa Nguyễn, quân Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân. Trong khi Nguyễn Nhạc xưng đế và cùng Nguyễn Lữ củng cố địa bàn rộng lớn vừa bình định thì Nguyễn Huệ theo cầu cứu của Nguyễn Hữu Chỉnh đã tự ý đem quân tấn công ra Bắc. Với thế chẻ tre, quân Tây Sơn như đi vào chỗ không người. Cơ đồ 217 năm của chúa Trịnh tan thành mây khói.

Tuy quyền chính được trao trả lại cho nhà Lê nhưng thực chất vẫn nằm trong tay Nguyễn Huệ. Kế mỹ nhân của Nguyễn Hữu Chỉnh và nhà Lê không ngờ lại “phá sản” khi công chúa Ngọc Hân rất mực thương yêu chồng và đã theo chồng về Nam, bỏ lại vương triều mục nát cho Lê Duy Kỳ lên ngôi.

Thần tốc đánh tan 20 vạn quân Thanh

Thế nhưng, Nguyễn Huệ mới chỉ vào đến Phú Xuân, chưa kịp bình định lại chúa Nguyễn ở phương Nam thì quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy theo lời cầu viện của vua Lê Chiêu Thống đã tràn vào. Trước tình thế nguy cấp hai đầu đều có giặc, Nguyễn Huệ chọn cách giải quyết đánh giặc ngoại xâm trước.

Về tài dùng binh của Nguyễn Huệ, có thể sơ qua vài đặc điểm sau để thấy rõ điều đó. Thứ nhất, ai cũng nghĩ đội quân do Nguyễn Huệ chỉ huy là một đội quân hùng hậu, thiện chiến. Nhưng vào thời đó, giáo sĩ người Pháp là Léfroy viết ngày 6/7/1789: “Vì ông ta (tức Nguyễn Huệ) là người can đảm và được coi là Alexandre đại đế ở đây, nên ông lập tức xuất chinh đem theo cả thanh thiếu niên và bô lão mà ông ta đã bắt gặp. Quân đội của ông giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh. Nhưng không can gì, những binh lính khốn khổ ấy đã tiêu diệt được quan Trung Hoa vào hồi đầu năm”.

Để chỉ huy một đội quân có nhiều người lính chỉ 12 tuổi có thể chiến thắng được kẻ thù lớn mạnh thì tính kỷ luật phải chặt chẽ, nghiêm khắc. Minh đô sử đã lời nhận xét về Nguyễn Huệ: “Có nhiều mưu lược, hiệu lệnh như lửa, hễ ai phạm vào luật cấm thì chém tươi không tha, tướng sĩ đều kinh sợ như thần minh”.

Thứ hai, là tài về tổ chức quân đội. Có thể lấy hai ví dụ điển hình. Cuộc rút 2 vạn quân khỏi kinh thành Thăng Long về Nam nhằm “bỏ rơi” Nguyễn Hữu Chỉnh mà trinh sát của Chỉnh không biết. Ví dụ thứ hai là ngày 21/12/1788 sau khi nghe quân của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết báo tin về Phú Xuân là quân Thanh đã tràn vào Thăng Long thì Quang Trung đã truyền lệnh đắp đàn Nam Giao ở Núi Bân. Sáng hôm sau, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Sau khi tuyên chiếu, hoàng đế Quang Trung liền hạ lệnh xuất quân. Ở vào thời đó, phương tiện kỹ thuật còn lạc hậu, vậy mà chỉ cần chưa đầy 12 tiếng đồng hồ, Quang Trung đã chuẩn bị xong cho một cuộc chiến.

Thứ ba là tốc độ hành quân của quân Tây Sơn đều khiến quân địch khinh hãi. Có ý kiến chứng minh quân của hoàng đế Quang Trung đã di chuyển theo đường thượng đạo để ra Bắc chứ không phải đi theo con đường thiên lý (tương đường quốc lộ 1 bây giờ). Tuy nhiên thật khó tưởng tượng một đội quân hàng vạn người mà di chuyển với độ dài khoảng 300km từ Phú Xuân (Huế) đến Nghệ An chỉ mất 4 ngày. Và tất cả quãng đường vừa di chuyển vừa tuyển quân, đào tạo quân rồi đánh giặc của vua Quang Trung từ Phú Xuân đến Thăng Long chỉ mất có 40 ngày.

Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” viết: “Người Tây Sơn hành binh như bay, tiến quân rất gấp, xem họ đi lại vùn vụt mau chóng như thần, chống không thể được, đuổi không thể kịp, xưa nay chưa từng nghe nói có giặc nào như thế”.

Thứ tư, là trang bị vũ khí hơn hẳn đối phương. Thời đó mà thuyền chiến Tây Sơn có thể chở từ 700 – 800 lính, và có thể trang bị từ 60 đến 70 đại bác. Trong khi đó, thuyền chiến của Pháp trang bị cho Nguyễn Ánh chỉ có thể chở được 300 lính và mang 30 đại bác mà thôi. Đoàn voi chiến của vua Quang Trung cũng có thể cõng 13 người và có thể mang hoặc kéo cả đại bác theo sau. Một quả đạn đại bác của quân Tây Sơn có thể làm sập một cây cổ thụ và phá vỡ một mảng tường bằng gạch dễ dàng, hơn hẳn đại bác nhà Nguyễn chế tạo vào thế kỷ 19. Đặc biệt, vũ khí cầm tay trang bị cho chiến binh là “hỏa hổ”. Đó là súng phóng lửa.

Thứ năm là vấn đề tình báo được tổ chức ra sao để Quang Trung lên kế hoạch chu đáo tỉ mỉ, hẹn cả ngày chiến thắng để ăn tết tại Thăng Long vào mùng 7 Tết (nhưng sau đó lại trước 2 ngày).

Hoài bão dở dang

Sau chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung ngay lập tức đã gửi chiếu thư cầu hòa, xin mở cửa thông thương buôn bán giữa hai nước. Nhà vua còn cử người đóng thế sang triều cống triều đình nhà Thanh. Còn trong nước, vua Quang Trung xuống chiếu lập học, cầu hiền, khuyến khích chữ Nôm, nhất là khuyến nông, công nghiệp. Đặc biệt, vua còn cử Vũ Văn Dũng đi sứ cầu hôn với công chúa nhà Thanh và xin đòi lại đất Lưỡng Quảng để đóng đô…

Tuổi trẻ, hoài bão lớn lao, thanh thế thịnh vượng, ấy vậy mà… vua đột ngột băng hà. Triều Tây Sơn nhanh chóng suy sụp và dần bị chúa Nguyễn thôn tính.

Ôi, giá như hoàng đế Quang Trung không đột ngột băng hà. Chưa bao giờ tính mệnh một cá nhân lại ảnh hưởng to lớn tới vận mệnh dân tộc, vận mệnh một triều đại như thế.

Từ Khôi