Nguyễn Bính: Tết và xuân
1. Trong các nhà thơ của phong trào Thơ Mới (1932 - 1945), Nguyễn Bính chắc chắn là một trong những thi sĩ đưa Tết vào thơ nhiều hơn cả.
Chợ hoa ngày tết (ảnh minh họa).
Trong số 272 thi phẩm viết trước Cách mạng của thi sĩ chân quê, chúng tôi thống kê có tới 41 lần từ Tết xuất hiện. Tết còn đi vào ngay nhan đề của một số bài thơ như: Tết, Tết của mẹ tôi, Tết biên thùy. Đi vào thơ Nguyễn Bính, Tết không chỉ gợi ý niệm về thời gian mà còn gợi cả những ý niệm không gian cùng một tấm lòng thiết tha vô hạn với quê hương của tác giả.
Đầu tiên, Tết xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính với tính chất tả thực: Có cô thợ nhuộm về ăn Tết/Sương gió đường xa rám má hồng (Không đề), Em chưa lấy chồng/Má hồng còn thắm/Tết tết xuân xuân/Đời vui vẻ lắm (Xuân).
Ngày Tết trong thơ Nguyễn Bính luôn gắn với một cảm xúc, một ước ao được sum vầy đoàn tụ. Thế nên nếu Tết mà phải xa nhau, phải ly biệt thì đó chắc chắn sẽ trở thành nỗi buồn day dứt khôn nguôi trong lòng người: Năm ngoái Tết rồi/Năm nay lại Tết/Ai đi biền biệt/Hai Tết rồi đây/Buồng hương lẳng lặng/Then chẳng thiết cài/Còn đợi chờ ai/Biết bao Tết nữa(Tết). Những ngày Tết vui nhất trong thơ Nguyễn Bính là những ngày Tết vọng về trong hồi ức, lúc thiếu thời. Có những cái Tết gắn với hình ảnh người mẹ tần tảo, hiền từ: Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều/Sân gạch tường hoa người quét lại/Vẽ cung trừ quỷ trồng cây nêu (...) Xong ba ngày Tết mẹ tôi lại/Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con/Rồi một đôi khi người giậm gạo/Chuyện trò kể lại tuổi chân son (Tết của mẹ tôi). Có những cái Tết gắn với hình ảnh người bạn gái thuở hoa niên: Trời đen như mực, tối ba mươi/Diễm lén sang nhà để gặp tôi/Hai chúng tôi ngồi trên đệm rạ/Lắng nghe nồi bánh rộn ràng sôi (Thi vị).
Nhưng những cái Tết xuất hiện nhiều nhất trong thơ Nguyễn Bính là những cái Tết xa nhà, phải đón xuân nơi xứ người. Danh từ Tết vì thế thường có một loạt yếu tố đi sau để nhấn mạnh cái sự xa quê ấy như: Tết ngoài thiên hạ, Tết quê người, Tết người ta: Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió/Xuân này em chị vẫn tha hương/Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ/Son sắt say hoài rượu viễn phương (...) Đêm ba mươi Tết quê người cũng/Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương (Xuân vẫn tha hương), Quán trọ xuân này hoa lại nở/Lại ngồi xem Tết, Tết người ta(Quán trọ).
Và mọi cái Tết ở xứ người ấy đều là những cái Tết vô duyên, những cái Tết không mang đầy đủ ý nghĩa thực sự. Nỗi khát khao sum họp trong những ngày Tết vì thế mà càng cháy bỏng nhưng bởi không thể trở về nên con người đành chấp nhận mà ôm lấy nỗi buồn tủi nhiều khi đến bẽ bàng: Chiều ba mươi hết năm rồi/Nhà tôi riêng một mình tôi vắng nhà/Tôi còn lận đận phương xa/Để ăn cái Tết thật là vô duyên (Xuân về nhớ cố hương), Rượu chẳng say cho đèn cũng lụi/Ngày mai xuân nở khắp giang san/Ngày mai ăn Tết bằng chi nhỉ/Ăn Tết bằng hai cánh cửa quan (Tết biên thùy).
Bài thơ xuất hiện nhiều từ Tết nhất và khắc khoải da diết nhất là thi phẩm Xuân tha hương, gồm 100 câu được bắt chung một vần. Cái điệp khúc “Tết này chưa chắc em về được/Em gửi về đây một tấm lòng” trở đi trở lại đến 7 lần trong toàn bộ bài thơ. Rải rác trong bài còn có 6 từ Tết khác, nâng tổng tần số xuất hiện của Tết trong thi phẩm lên tới 13 lần. Cái cảm giác bơ vơ, lạc lõng, cô đơn, vô định dễ khiến người ta phải trào nước mắt: Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết/Một mình em vẫn cứ tay không/Vườn nhà Tết đến hoa còn nở/Chị gửi cho em một cánh hồng/Tha hương chẳng gặp người tri kỷ/Một cánh hoa tươi đỡ lạnh lòng (...) Chị ơi Tết đến em không được/Trông thấy quê hương thật não nùng (...) Tết này ồ thế mà vui chán/Những một mình em uống rượu hồng (...)Chị ơi Tết đến em mua rượu/Em uống cho say đến não nùng/Uống say cười vỡ ba gian gác/Ném cái chung tình xuống đáy sông...
Những cái Tết xuất hiện nhiều nhất trong thơ Nguyễn Bính là những cái Tết xa nhà, phải đón xuân nơi xứ người. Danh từ Tết vì thế thường có một loạt yếu tố đi sau để nhấn mạnh cái sự xa quê ấy. |
2. Nếu như Tết là một lát cắt quan trọng trên trục thời gian của năm thì mùa xuân là một tín hiệu thời gian nghệ thuật khác có sự xuất hiện không kém phần dày đặc trong các sáng tác của Nguyễn Bính. So với các mùa khác (hạ, thu, đông), mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính chiếm một vị trí áp đảo. Trong 272 sáng tác trước Cách mạng của Nguyễn Bính có 91 bài xác định được thời gian theo mùa, trong đó riêng những bài mùa xuân đã lên tới con số 35 (mùa thu: 31 bài, mùa đông: 17 bài, mùa hạ: 8 bài). Trong 35 bài về mùa xuân lại có tới 17 bài thể hiện thời gian ngay từ nhan đề tác phẩm: Rượu xuân, Mưa xuân, Xuân về 1, Nhạc xuân, Xuân , Vườn xuân, Thơ xuân, Xuân về 2, Mùa xuân xanh, Xuân tha hương, Gái xuân, Xuân vẫn tha hương, Xuân thương nhớ, Xuân về nhớ cố hương, Hoa gạo, Cuối tháng 3, Tháng 3. Những bài thơ xuân của Nguyễn Bính mang đến cho ta thưởng thức đúng một không khí xuân của đồng bằng Bắc Bộ, bắt đầu từ những hạt mưa xuân – những cơn mưa phùn của tháng giêng, tháng hai như trải khắp đất trời: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (Mưa xuân), Những hạt mưa chiều lấm tấm rơi (Vườn xuân), Mưa xuân rắc bụi quanh làng mạc (Xuân vẫn tha hương), Cửa sổ mưa bay lệ thiệp nhòa (Xuân thương nhớ), Ta đi khuất nẻo đường làng/Mặc cho mưa bụi ướt tràng áo xanh (Xuân về). Sau mưa xuân phải kể tới rượu xuân. Nếu như những chén rượu giang hồ thường là những buồn tủi, đắng đót, nhớ thương thì ở chén rượu mùa xuân, đây đó ta đã gặp được những rạng rỡ hân hoan hiếm hoi trong thơ Nguyễn Bính: Mẹ tôi uống hết một cốc rượu/Mặt người đỏ tía vì hơi men (Tết của mẹ tôi), Có những ông già tóc bạc phơ/Rượu đào nối chén bút đề thơ (Thơ xuân). Nhân tố thứ ba không thể thiếu được trong những cảm xúc về mùa xuân của thi sĩ chân quê là thiếu nữ. Nếu như phụ nữ được gọi là phái đẹp thì thiếu nữ càng là khoảng thời gian đẹp nhất trong mỗi cuộc đời. Người thiếu nữ trong nhiều bài thơ xuân của Nguyễn Bính hiện lên rạo rực đầy sức sống, gắn liền với tình yêu, tuổi trẻ và cả những mơ mộng: Đã thấy xuân về với gió đông/Với trên màu má gái chưa chồng/Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong(Xuân về), Xuân đến hoa mơ hoa mận nở/Gái xuân giũ lụa trên sông Vân/Lòng xuân lơ đãng má xuân hồng/Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng (Gái xuân), Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/Tôi đợi người yêu đến tự tình/Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/Bắt đầu là cái thắt lưng xanh (Mùa xuân xanh), Lòng thấy giăng tơ một mối tình/Em ngừng tay lại giữa thoi xinh (Mưa xuân). Dĩ nhiên cũng có những mùa xuân thật buồn, ấy là khi con người thiếu vắng tình yêu, phải sống trong sự đợi chờ mòn mỏi: Nhưng rồi người khách tình xuân ấy/Đi biệt không về với bến sông/Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi/Mấy lần cô lái mỏi mòn trông/Xuân này đến nữa đã ba xuân/Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần/Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi/Cô đành lỗi ước với tình quân (Cô lái đò). Mùa xuân cũng thật buồn trong sự nuối tiếc hoặc cảm giác lạc lõng bơ vơ: Đời tàn mộng đẹp tiếc xuân qua (Đêm mưa đất khách), Nàng hỡi xuân này nàng có nhớ/Xuân xưa ai nhặt cánh hoa mai (Mai tàn), Xuân đến khắp trời hoa rượu nở/Mà ta với người buồn vậy thay (Hành phương Nam). Những bài thơ xuân của Nguyễn Bính còn xuất hiện khá nhiều hình ảnh hoa gạo – một trong những loài hoa đặc trưng của mùa xuân. Nhưng điểm khác biệt của Nguyễn Bính là hầu hết những lần xuất hiện của hoa gạo đều gắn với tàn úa, chia lìa, thậm chí có cả cảm giác tang tóc: Những hoa gạo rụng tươi như máu/Nhàu nát như người lính tử thương(Hoa gạo), Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ/Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan(Cuối tháng ba), Nóng lòng cây gạo lìa hoa đỏ/Trở búp tơ xanh đón gió hè(Tháng ba).
Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính còn gắn với sự mời gọi chờ mong con người: Xuân đã sang rồi em có hay/Tình xuân chan chứa ý xuân đầy/Kinh kỳ bụi quá xuân không đến/Sao chẳng về đây, chẳng ở đây (Sao chẳng về đây). Cảm giác về xuân sang, xuân về còn đến trong nhiều bài thơ khác: Mong sẽ vì tôi nàng bớt khổ/Giơ tay cười đón ánh xuân sang (Cầu nguyện), Vườn tôi đầy cả gió xuân sang (Vườn xuân), Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân (Chân quê), Những độ xuân về, những tiếng khuyên/Vang lừng ca ngợi cảnh xuân thiên (Vô tình). Và có xuân đến thì ắt hẳn có xuân đi: Cả mùa xuân thắm đã trôi đi (Nuôi bướm), Tất cả mùa xuân rộn rã đi/Xa xôi người có nhớ thương gì/Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả/Ta biết xuân nhau có một thì (Cuối tháng ba), Xuân xế mùa xuân, chiều xế chiều (Hoài cảm). Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính còn hiện lên với nhiều mới mẻ, bất ngờ, thể hiện sự lạ hóa trong bút pháp: Em đi mất tích một mùa xuân (Khăn hồng), Có người đi giữa xứ mùa xuân (Hương, cố nhân), Mùa xuân mày biết giá bao nhiêu (...) Mùa xuân đắt lắm cô mình ơi (Bướm đi chợ),Rồi nếu tiền tôi không đủ trả/ Lo gì? Tôi có áo mùa xuân (Cho tôi ly nữa).
3. Có thể nói, trong tương quan bốn mùa, Nguyễn Bính mê đắm si mê mùa xuân nhất, các cung bậc tình cảm được thể hiện gắn với mùa xuân cũng nhiều nhất, bộc lộ một tâm hồn thi sĩ đa tình, đa cảm, lúc nào cũng tha thiết với ái tình và cuộc sống: Xuân đến tình tôi nao nức quá/Như người giai tế tối tân hôn/Và say sưa quá cho nên đã/Đánh đổ trời xuân xuống suối hồn (Vườn xuân). Mùa xuân và Tết không chỉ như những ám ảnh mà còn trở thành định mệnh của thơ và đời Nguyễn Bính. Chẳng thế mà trong những câu cuối của bài Nhạc xuân, thi sĩ dường như đã buông ra một “lời sấm” cho sự ra đi mãi mãi của mình: Năm mới tháng giêng mùng một Tết/Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân/Huyền Trân ơi!/Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi/Giờ đây chín vạn bông trời nở/Riêng có tình ta khép lại thôi. Sau 27 năm kể từ khi công bố bài Nhạc xuân (1939), Nguyễn Bính đã vĩnh viễn rời cõi tạm vào đúng ngày 29 tháng Chạp (năm đó không có ngày 30), ngay trước thềm mùng một Tết năm Bính Ngọ (1966), để lại bao nuối tiếc xót xa trong lòng những người ở lại.