Xây dựng các mô hình phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng
Ngày 21/1, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả công tác phối hợp tham gia thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tham dự.
Trong năm 2015, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được MTTQ các cấp chú trọng việc thực hiện và triển khai đến các KDC gắn với các nội dung của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC” góp phần nâng cao hiệu quả của các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Vì thế, trong năm 2015, MTTQ các cấp đã tổ chức được hơn 98.000 buổi tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS với gần 12 triệu lượt người tham dự.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền giúp cho người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, giảm phân biệt kì thị đáng kể đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi cộng đồng.
Cùng với sự tham gia của MTTQ, các tổ chức thành viên nhất là Ban CTMT, các chi hội, chi đoàn, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín tại cộng đồng đã từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS. Điển hình như Uỷ ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được 3.258 cuộc với 169.394 người tham dự, có 96 xã, phường, thị trấn và 1.129 KDC không có người nhiễm HIV/AIDS.
Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, cung cấp các địa chỉ, số điện thoại tư vấn, giúp đỡ các Phật tử, tín đồ biết cách phòng, chống HIV/AIDS để bảo vệ mình và cộng đồng.
Uỷ ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò của Bí thư Chi bộ, trưởng Ban CTMT, tổ trưởng Tổ dân phố, các chi hội đoàn thể tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, người dân về phòng, chống HIV/AIDS xóa bỏ kì thị, mặc cảm đến với người nhiễm HIV/AIDS.
Nhờ đó, đến nay đã có 90% KDC tại Thanh Hóa đã tiếp nhận chương trình về phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng xứ họ đạo tiên tiến không có tệ nạn xã hội, chùa cảnh tinh tiến.
Trong năm 2016, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình phối hợp với Bộ Y tế về đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012 – 2020 vắn với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, trong đó coi trọng đến hình thức tuyên truyền, vận động trực tiếp đến từng gia đình, từng người dân nhằm giúp họ có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS, tiếp tục nhân rộng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng…
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện còn khó khăn về kinh phí nhưng Mặt trận đã tập hợp được quần chúng nhân dân, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả.
Từ công tác tuyên truyền, vận động, Mặt trận đã xây dựng được các mô hình hay, cách làm sáng tạo tại các KDC, tổ chức tuyên truyền đến từng địa bàn thôn, bản để góp phần tạo nếp sống lành mạnh trong nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: Công tác phòng chống HIV/AIDS đã góp phần nâng cao nhận thức người dân về việc phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn mới.
Năm 2015, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn, mở các hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ Mặt trận cơ sở gắn với CVĐ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC để triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS đến tận KDC, góp phần hạn chế tình trạng lây lan căn bệnh thế kỉ, tạo điều kiện để những người bị mắc bệnh có điều kiện chữa bệnh.
Trong quá trình hoạt động, Mặt trận đã xây dựng được các mô hình phòng chống HIV/AIDS nhằm ngăn chặn việc lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, tạo điều kiện để người mắc bệnh có cuộc sống đảm bảo hơn.
Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: Trong chương trình phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế đã đạt được kết quả đáng trân trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS để từ đó xây dựng các mô hình giúp người mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế, tái hòa nhập cộng đồng.
“Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp giữa các bên còn chưa thường xuyên, việc phát hiện những cách làm hay, mô hình hiệu quả để nhân rộng ra cộng đồng dân cư chưa cao... Vì vậy, trong thời gian tới các bên phải khắc phục dần những khó khăn trên để nâng cao hiệu quả tuyên truyền hơn nữa”, Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.