Bầu trực tiếp một số chức danh từ cơ sở: Nên làm!
Trao đổi với báo chí bên lề ĐH XII, sáng 21/1, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Hữu Lậm cho rằng: Cơ sở là nơi trực tiếp triển khai các chủ trương đường lối của Đảng vào cuộc sống; vì thế, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở trước hết phải chăm lo cho đội ngũ này không chỉ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ mà vấn đề cần quan tâm nhất là năng lực điều hành quản lý nhà nước, phương pháp tiếp cận với quần chúng nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Lậm.
Phải làm sao hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân từ đó định hướng công tác. Về công tác về đào tạo bồi dưỡng cần quan tâm đến công tác đào tạo theo chức danh. Ví dụ như các chức danh chủ tịch, bí thư, các chức danh công tác trong lĩnh vực đảng thìu cần quan tâm đào tạo, bồi những lĩnh vực gì, các tổ chức đoàn thể cũng cần như vậy.
Hệ thống chính trị cơ sở có mạnh thì không chỉ tổ chức Đảng mạnh; mà hệ thống chính trị, MTTQ dứt khoát phải manh. Nếu chúng ta vững mạnh từ cơ sở thì chúng ta có thể thành công.
Thưa ông trong bài phát biểu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng có đặt vấn đề thí điểm dân bầu trực tiếp một số chức danh ở cơ sở và cấp huyện, sẽ chủ trương sáp nhập một số cơ quan có trùng chức năng nhiệm vụ. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
Làm công tác ở cơ sở nhiều năm, tôi thấy định hướng đó rất đúng. Phải làm sao tổ chức được bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả. Việc nhất thể hóa chức danh ở cơ sở thậm chí cấp huyện là điều rất đúng. Tuy nhiên, theo tôi phải đồng bộ từ cấp cơ sở và cả hệ thống vì thực tiễn chúng ta làm thí điểm rất tốt nhưng việc điều hành có phần lúng túng vì cấp trên theo mô hình cũ nhưng cấp dưới lại nhất thể hóa.
Việc bầu trực tiếp một số chức danh ở cơ sở là rất đáng hoan nghênh vì người dân và đảng viên người ta tiếp xúc thường xuyên với cán bộ người ta biết cán bộ, sẽ có đánh giá và hiểu cán bộ. Theo tôi chúng ta nên thực hiện.
Còn đối với cấp huyện phải có quá trình phát huy dân chủ, cung cấp thông tin cần thiết để người dân, cán bộ bầu trực tiếp để người ta hiểu được cán bộ được mình lựa chọn. Thực tiễn khâu này chúng ta hiện nay làm chưa mạnh lắm nên cần đẩy mạnh.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư có đưa ra định hướng trong thời gian tới sáp nhập một số cơ quan Đảng, chính quyền có cùng chức năng nhiệm vụ. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?
Đây là vấn đề khi làm công tác tổ chức cán bộ chúng tôi mong muốn từ lâu rồi, bởi thực chất bộ máy của chúng ta nói tinh giản biên chế nhưng thực ra phải giảm bộ máy làm sao nhất thể hóa một số tổ chức đang giẫm chân lên nhau. Ngay ở Đảng công tác kiểm tra thanh tra rồi tổ chức với nội vụ...
Tôi thấy nếu làm được như vậy sẽ xác định được vị trí việc làm rõ từ đó tiến tới việc sáp nhập, tinh giản biên chế nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy mới tốt. Nếu như hiện nay chúng ta cứ nói mà không làm, không sắp xếp bộ máy thì chúng ta vẫn làm được nhưng rất khó, thậm chí rất chậm.
Trân trọng cảm ơn ông!