Tài nguyên nước khoáng thiên nhiên: Lãng phí và thất thoát

Phương Nguyên 22/01/2016 08:10

Hiện có 38 tỉnh, thành phố trên cả nước có hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng.Trên thực tế, do chưa được thăm dò, đánh giá đầy đủ về số lượng, chất lượng nên việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản này đang rất lãng phí, gây thất thoát nhiều. 

Khai thác nước nóng không phép, ngoài gây suy giảm tiềm năng
còn gây thất thoát cho ngân sách.

Theo báo cáo của 35 tỉnh/thành phố có hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng, nước khoáng nóng cho thấy, hiện nay trên địa bàn các tỉnh/thành phố nêu trên có 248 nguồn nước khoáng, nước khoáng nóng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 40 nguồn nước khoáng, nước khoáng nóng được đưa vào sử dụng và đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản cấp phép còn 208 nguồn nước khoáng, nước khoáng nóng hoặc chưa được đưa vào khai thác sử dụng (để chảy tự nhiên) hoặc đang bị khai thác trái phép để phục vụ sinh hoạt và kinh doanh.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn 35 tỉnh/thành phố nêu trên có 22 tổ chức và 343 cá nhân (hộ gia đình) khai thác nước khoáng để đóng chai và khai thác nước khoáng nóng kinh doanh phục vụ. Năm 2014, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thành lập 7 đoàn thanh tra để thanh tra trực tiếp tại 43 tổ chức, cá nhân đang hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng, nước khoáng nóng trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa và Long An.

Kết quả thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 26 tổ chức, cá nhân (miền Bắc 17/25, miền Nam 9/17) với tổng số tiền phạt là 3,246 tỷ đồng (trong đó miền Nam: 846 triệu đồng). Các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu là: Không lập bản đồ hiện trạng mỏ; không thực hiện việc thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác hoặc không gửi kết quả thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; khai thác khi giấy phép đã hết hạn hoặc khai thác không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản.

Theo đánh giá của đoàn thanh tra Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thanh tra chuyên đề về nước khoáng thì hoạt động khai thác nước khoáng, nước khoáng nóng không phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn nhiều địa phương. Riêng tại thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đã có tới 343 hộ khai thác nước khoáng nóng không phép. Hành vi này đã gây lãng phí, thất thoát tài nguyên, làm cho áp lực nước khoáng nóng giảm, kéo theo sự chèn ép của nước ngầm dẫn đến thu hẹp ranh giới mỏ, giảm nhiệt độ nguồn nước khoáng nóng.

Hầu hết các tổ chức và hộ gia đình khoan giếng để khai thác nước khoáng, nước khoáng nóng nhưng không có bản vẽ thiết đồ khoan. Một số tổ chức hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng được cấp phép khi đã hết thời hạn thăm dò nhưng chưa trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo quy định. Không thực hiện việc thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác; không thực hiện việc quan trắc môi trường định kỳ hoặc thực hiện nhưng chưa đầy đủ nội dung theo quy định; chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước. Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo thanh tra khoáng sản đánh giá là do nước khoáng chưa được điều tra, thăm dò đánh giá đầy đủ về số lượng, chất lượng gây khó khăn cho công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng đối với loại khoáng sản này.

Được biết, theo quy định của pháp luật về khoáng sản hiện hành, các khu vực có nước khoáng, nước khoáng nóng không thuộc danh sách khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Vì vậy, loại khoáng sản này chưa phân cấp cho địa phương quản lý, cấp phép.

Trước tình hình trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, thống kê, lập danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác nước khoáng, nước khoáng nóng trên địa bàn tỉnh nhưng chưa được cấp phép. Xác định về nhu cầu sử dụng nước khoáng đồng thời lựa chọn một số doanh nghiệp (hoặc Hợp tác xã) có đủ điều kiện về năng lực và có nhu cầu khai thác nước khoáng phục vụ kinh doanh để hướng dẫn lập hồ sơ, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Đối với các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện thì cương quyết yêu cầu dừng khai thác và thực hiện việc trám lấp giếng khoan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh, thành phố liên quan khoanh định diện tích điều tra, đánh giá tổng thể nước khoáng, nước khoáng nóng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để thực hiện. Nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư kinh phí để điều tra, đánh giá thì đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án thuộc diện khuyến khích đầu tư bằng nguồn vốn của tổ chức, cá nhân làm cơ sở để thực hiện.

Phương Nguyên